Gần đây, một người dùng mạng xã hội chia sẻ rằng anh đã bị ho không rõ nguyên nhân trong suốt ba tháng, và tình trạng không hề thuyên giảm mà còn trở nên nghiêm trọng hơn.
“Tôi đã đi khám bác sĩ, chụp CT nhưng không tìm ra nguyên nhân. Cả khi đi khám Đông y, tôi vẫn không hết ho”, anh kể lại. Tuy nhiên, sau khi chú ý dọn dẹp kỹ lưỡng không gian sống, loại bỏ các góc khuất và đồ vật bị nấm mốc, cơn ho của anh dần dần biến mất.
Theo bác sĩ, điều này có thể được lý giải bởi các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nấm mốc có thể rất độc hại, với một số loại như Aflatoxin có độc tính cao gấp 68 lần so với thạch tín và thường xuất hiện trong thực phẩm bị mốc. Aflatoxin là một loại độc tố do nấm mốc sinh ra, và nó có thể tồn tại ngay trong nhà. Thói quen sinh hoạt thiếu khoa học của nhiều người vô tình đưa loại độc tố nguy hiểm này vào cơ thể mà họ không hề hay biết.
Khi nấm mốc xâm nhập vào cơ thể, ở mức độ nhẹ, nó có thể gây ra các phản ứng dị ứng như hắt hơi, sổ mũi, ho, ngứa mắt, cổ họng và chảy nước mắt. Với những người có tiền sử hen suyễn, tiếp xúc với nấm mốc có thể kích hoạt các cơn hen nghiêm trọng. Trong trường hợp nặng hơn, nấm mốc có thể tấn công phổi, gây ra các bệnh lý phức tạp như viêm xoang do nấm hoặc nhiễm trùng phổi do aspergillosis. Đặc biệt, nấm Aflatoxin còn là nguyên nhân gây ra ung thư, nhất là ung thư gan.
Theo nghiên cứu, nấm mốc thường xuất hiện nhiều nhất ở trong phòng tắm của mỗi gia đình vì không khí trong này có độ ẩm cao và rất dễ trở thành nơi sinh sôi và phát triển cho các loại nấm mốc, vi khuẩn.
1. Vòi nước hay vòi hoa sen
Vòi nước và vòi hoa sen là nơi nước chảy liên tục, khiến cặn bẩn dễ dàng tích tụ, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn có hại phát triển. Khi sử dụng lâu ngày, các vòi này có thể bị rỉ sét, và càng cũ thì nguy cơ xuất hiện nấm mốc càng cao.
Vi khuẩn Legionella, thường tồn tại trong nước ô nhiễm, lần đầu tiên được phát hiện ở Mỹ và gây ra 221 ca nhiễm trùng cùng 34 ca tử vong. Khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn này chủ yếu tấn công phổi, gây viêm phổi nặng, và có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 45%.
2. Khăn ẩm treo trong phòng tắm
Môi trường ẩm ướt trong nhà vệ sinh hoặc phòng tắm khiến khăn khó khô nhanh và dễ phát sinh mùi hôi. Việc sử dụng khăn ẩm thường xuyên có thể dẫn đến các vấn đề về da như mẩn ngứa hoặc dị ứng. Để tránh điều này, bạn nên phơi khăn đã sử dụng ở nơi thoáng mát, có ánh nắng trực tiếp để tia nắng giúp làm khô và diệt khuẩn. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng giá điện treo khăn để làm khô nhanh hoặc dùng máy sấy quần áo, nhằm ngăn chặn vi khuẩn và nấm mốc phát triển trên khăn.
3. Dép đi trong nhà/phòng tắm
Một số người thường để dép trong nhà tắm vì ngại bị ướt. Tuy nhiên, sau khi sử dụng, nhà tắm thường ẩm ướt, dễ khiến dép bị mốc, tích tụ cặn bẩn và sinh ra mùi hôi theo thời gian. Vì vậy, bạn nên vệ sinh dép thường xuyên và đặt chúng trên kệ hoặc giá để giúp thoát nước, giảm thiểu nguy cơ nấm mốc.
4. Cây lau sàn
Nhiều người thường cất cây lau nhà trong phòng tắm sau khi sử dụng để tiết kiệm không gian và giữ nhà cửa gọn gàng. Tuy nhiên, do tính thấm hút mạnh, nếu cây lau nhà được đặt trong không gian ẩm ướt và kín, nó có thể dễ dàng trở thành môi trường lý tưởng cho nấm mốc và vi khuẩn phát triển. Khi sử dụng lại để lau dọn, bạn có thể vô tình phát tán nấm mốc khắp các khu vực trong nhà.
5. Bàn chải đánh răng
Phòng tắm của nhiều gia đình thường có diện tích nhỏ, vì vậy bồn cầu và bồn rửa mặt thường được bố trí gần nhau. Khi xả nước bồn cầu, vi khuẩn và các vi sinh vật gây bệnh có thể phát tán ra xung quanh, trong đó có khả năng cao bám vào bàn chải đánh răng đặt trên bồn rửa. Việc sử dụng bàn chải này để đánh răng có thể khiến vi khuẩn xâm nhập vào miệng, từ đó tăng nguy cơ nhiễm trùng đường miệng.
Những vị trí trong nhà nên đề phòng nấm mốc mà ít ai biết:
1. Cửa tủ lạnh
Phần gioăng cao su ở cửa tủ lạnh là nơi rất dễ cho nấm mốc phát triển. Nếu không được vệ sinh kịp thời, nấm mốc có thể lan ra toàn bộ tủ lạnh, gây ô nhiễm thực phẩm bên trong. Vậy làm cách nào để làm sạch? Bạn có thể pha hỗn hợp rượu và Coca theo tỉ lệ 1:1. Sau đó, lấy một miếng vải hoặc giấy thấm nước quấn quanh một cái dĩa, nhúng vào dung dịch và lau dọc theo các khe cửa tủ lạnh để loại bỏ nấm mốc. Chú ý, không nên sử dụng thuốc tẩy để làm sạch gioăng cao su, vì nó có thể khiến cao su nhanh lão hóa, giảm khả năng giữ kín tủ lạnh, ảnh hưởng đến chất lượng bảo quản thực phẩm và gây mùi khó chịu.
2. Máy giặt
Theo khảo sát từ Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Thượng Hải, 81,3% máy giặt trong các gia đình chứa lượng vi khuẩn vượt mức an toàn, trong đó 100% mẫu thử phát hiện vi khuẩn E.coli và hơn 60,2% xuất hiện nấm mốc. Vì vậy, sau khi giặt, bạn nên lau khô nước còn đọng, mở nắp máy để thông gió, và thường xuyên lấy túi lọc ra phơi khô để tránh ẩm mốc trong lồng giặt. Nên sử dụng chất tẩy rửa và khử trùng chuyên dụng cho máy giặt, tránh dùng các sản phẩm không rõ nguồn gốc vì có thể gây hỏng hóc. Hãy tuân thủ hướng dẫn sử dụng để pha đúng tỷ lệ chất tẩy rửa và tiến hành vệ sinh lồng giặt định kỳ. Nếu máy giặt có mùi khó chịu, đó là dấu hiệu máy cần được làm sạch kỹ. Khi đó, bạn nên gọi dịch vụ chuyên nghiệp để tháo và vệ sinh lồng giặt đúng cách.
3. Ban công
Mặc dù ban công có không gian thoáng, nhưng nó lại dễ trở thành môi trường phát sinh nấm mốc, đặc biệt khi trồng cây hoặc để nhiều đồ đạc. Đất trồng, nhất là đất mùn, thường chứa nhiều bào tử nấm mốc. Nếu ban công bừa bộn với nhiều vật dụng, đây sẽ là nơi lý tưởng để nấm mốc phát triển. Ban công kín kết hợp với nấm mốc từ đất càng dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi. Để ngăn ngừa tình trạng này, bạn nên dọn dẹp ban công thường xuyên, thu dọn lá cây rụng và tránh bày biện quá nhiều đồ vật. Nếu trong nhà có người dị ứng với nấm mốc, tốt nhất nên hạn chế trồng cây trong nhà hoặc ban công khép kín.
Trúc