Nội dung các video quảng cáo, bán hàng trên TikTok khuyến khích người tiêu dùng hãy làm mọi cách để sở hữu những món đồ mong muốn, dù tài chính có dư dả hay không.

“Vòng lặp vô hạn của giải trí và mua sắm” là cách mà nhà báo tài chính người Anh Iona Bain kiêm tác giả sách, người sáng lập blog Young(ish) Money nói về các quảng cáo tiếp thị chạy trên TikTok.

Là một phần trong nỗ lực bán hàng cho các thương hiệu, nền tảng do Trung Quốc sở hữu tuyên bố với khách hàng rằng họ “đi đầu” trong việc thuyết phục người tiêu dùng trực tuyến chi tiêu tiền, theo The Guardian.

Tuyên bố này dựa trên mô hình kinh doanh đặc trưng của nền tảng video này, bằng cách không ngừng lôi kéo người xem liên tục xem quảng cáo, mua những món đồ mới với tần suất thường xuyên.

gioi tre nghien TikTok anh 1
Lời mời gọi “mua ngay, trả sau, không lãi suất” từ các sản phẩm tài chính đã thu hút nhiều người trẻ. Ảnh: Brent Lewin/Bloomberg.

Thuật toán phức tạp của TikTok tạo ra các nguồn cấp dữ liệu được cá nhân hóa, thiết kế nội dung có thể “giữ chân” người dùng dành hàng giờ liên tục vuốt, lướt xem các video.

Câu hỏi đặt ra là liệu thuật toán gây nghiện này có đang góp phần vào xu hướng người tiêu dùng Gen Z lạm chi, tiêu xài quá mức và mắc vào vòng xoáy nợ nần.

TikTok thay đổi hành vi mua sắm

Guillaume Chaslot, người sáng lập AlgoTransparency có trụ sở tại Paris (Pháp), một nhóm chuyên nghiên cứu hệ thống đề xuất của YouTube và TikTok, nói với New York Times: “Thuật toán cố gắng khiến người dùng trở nên nghiện xem video hơn là cung cấp cho người xem những gì họ thực sự muốn”.

Theo một cuộc khảo sát vào tháng 12 năm ngoái của ngân hàng TSB, hơn một nửa số người 18-24 tuổi đã mắc nợ mới hoặc nợ bổ sung trong 12 tháng qua hoặc dự kiến có thêm nợ trong 12 tháng tới.

Nhóm tuổi này có khả năng mắc nợ cao gấp 7 lần so với thế hệ ông bà của họ. Tỷ lệ khách hàng trong nhóm 18-24 tuổi của TSB bị thấu chi vào tháng 10/2022 cao hơn 10% so với một năm trước đó.

gioi tre nghien TikTok anh 2
Các video bán hàng, gắn link sản phẩm là một phần không thể thiếu của TikTok. Ảnh: HuffPost.

Điều dễ quan sát thấy là thói quen, nhu cầu mua sắm của thế hệ trẻ tuổi hiện giờ bị ảnh hưởng, chi phối nhiều từ những gì họ xem được trên mạng xã hội.

Nghiên cứu riêng của TikTok cho thấy 52% người dùng thuộc thế hệ Y ở Vương quốc Anh đã mua một sản phẩm vì họ nhìn thấy chúng trên mạng vào năm ngoái. Ở Gen Z, tỷ lệ này là 60%.

Một cuộc khảo sát của Adweek năm 2021 tại Mỹ cho thấy người dùng TikTok có khả năng là “nhóm người mua trung thành nhất từ ​​mạng xã hội” và cũng có khả năng cao mua các mặt hàng được quảng cáo trên các nền tảng khác, bao gồm Pinterest, YouTube, Snapchat, Reddit và LinkedIn.

Một influencer có tên Paige Pritchard, gần đây đã gây sốt khi thảo luận về cách TikTok có thể thúc đẩy việc chi tiêu quá mức: “Càng dành nhiều thời gian cho ứng dụng này, tôi càng thấy những video đi theo motip chung: giới thiệu sản phẩm, cùng những lời review tốt đẹp, khuyến khích người mua dùng thử và nhanh tay đặt hàng, tận dụng khuyến mãi trước khi những người khác mua mất”.

Tâm lý hối thúc chi tiền

Điều rõ ràng là các biện pháp kích thích tiêu dùng, bao gồm quảng cáo được nhắm mục tiêu cao dựa trên dữ liệu người dùng và liên kết mua sắm trong video, là trọng tâm của mô hình kinh doanh của TikTok.

Doanh thu quảng cáo toàn cầu của nền tảng này đã tăng từ 4 tỷ USD vào năm 2021 lên hơn 11,6 tỷ USD vào năm ngoái, trong đó bao gồm 205 triệu USD doanh thu từ mua hàng trong ứng dụng, cao hơn so với doanh thu cùng hạng mục của Facebook, Twitter và Instagram cộng lại.

gioi tre nghien TikTok anh 3
Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi liệu TikTok có gián tiếp khiến giới trẻ tiêu dùng quá tay, dẫn đến nợ nần nhiều hơn. Ảnh: The Guardian.

Thuật toán của TikTok đã hình thành suy nghĩ “hàng dễ khan hiếm” trong trí óc người dùng khi mua sắm trên nền tảng này, như một người đăng trên diễn đàn MakeUpRehab của Reddit gần đây chia sẻ: “Tôi thấy mình có cảm giác thôi thúc ‘cần phải mua cái này ngay trước khi nó cháy hàng'”.

Ngoài ra, thanh, thiếu niên và những người ở độ tuổi dưới 30 luôn dễ bị áp lực từ bạn bè, sợ bị bỏ lỡ những thứ hay ho, thịnh hành và dễ dẫn đến việc vung tiền quá trán, tiêu xài nhiều hơn thu nhập và dẫn đến lạm chi; nhất là với việc mua hàng giờ nhanh gọn bằng một cú nhấp chuột và vay dễ dàng thông qua các lựa chọn “mua ngay, trả sau”.

Mua trước trả sau (buy now, pay later) là hình thức thanh toán trong đó người tiêu dùng mua hàng và trả dần trong một khoảng thời gian thành nhiều đợt. Nhiều công ty sẽ cung cấp các gói không tính lãi suất, nhưng sẽ tính các phụ phí và phí trả chậm cao.

Chính cách thức này đang đẩy nhiều người tiêu dùng trẻ tuổi vào cảnh nợ nần.

Trong khi đó, những người trẻ tuổi đang đối mặt với áp lực về tài chính do lạm phát, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt gây ra. Một cuộc thăm dò của Sky News-Ipsos cho thấy những người trẻ tuổi đang cắt giảm giao tiếp xã hội, đảm nhận nhiều công việc hơn và quay trở lại chung sống với cha mẹ khi phải vật lộn để trả các hóa đơn.

Dữ liệu từ Khảo sát toàn cầu về Thế hệ Z và Millennial năm 2022 của Deloitte cho thấy một phần ba số người được hỏi thuộc Thế hệ Z lo lắng về chi phí sinh hoạt hơn tất cả các mối quan tâm khác; 45% cho biết các khoản lương chỉ đủ để họ sống qua ngày và 25% nghi ngờ khả năng có thể nghỉ hưu một cách thoải mái trong tương lai.

Theo Iona Bain, các cơ quan quản lý ở một số nước như Anh, Mỹ đang để mắt đến các chương trình mua ngay, trả tiền sau và cam kết sẽ có các quy định chặt chẽ hơn để bảo vệ người tiêu dùng.

Tuy vậy, để giảm thiểu tình trạng người trẻ sống trong nợ nần, nữ nhà báo cho rằng Gen Z cần được tiếp cận với nền giáo dục tài chính tốt hơn và nâng cao nhận thức về tác động của mạng xã hội, nếu muốn thoát khỏi vòng xoáy bội chi không lối thoát.

Theo: Zing.vn .