Chàng trai du lịch nổi tiếng Trần Đặng Đăng Khoa có nhiều chia sẻ thú vị sau hành trình hơn 3 tháng chu du khắp thế giới trên chiếc xe máy biển số Việt Nam.
Trần Đặng Đăng Khoa, sinh năm 1987, ở Tiền Giang. Anh là phượt thủ được nhiều người biết đến qua những chuyến đi phượt dài ngày và rất đặc biệt.
Vừa qua, anh đã thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới bằng xe máy. Do dịch bệnh Covid-19, Khoa mắc kẹt 3 tháng ở Mozambique. Về lại quê nhà sau 1.111 ngày xa cách nhưng lại không thể ào vào vòng tay bạn bè, người thân mà phải đi ngay về khu cách ly và chào mọi người qua… Facebook. Tuy có tiếc vì chưa gặp được ba mẹ sớm hơn nhưng tôi không phàn nàn, bởi dịch bệnh khiến cả nước mình đồng sức đồng lòng để có được kết quả tốt đẹp mà đi tới đâu cũng được bạn bè thế giới khen Việt Nam chống dịch tốt. Khoa đã xa người thân, bạn bè 1.111 ngày thì thêm 14 ngày cũng không khác nhau là mấy.
Khoa tiếc nuối: “Mình cứ luôn chờ đợi ngày chạy chiếc xe biển số 63H2-6736 yêu quý về lại cửa khẩu Mộc Bài giống hệt như lúc khởi hành ngày 1/6/2017, nhưng người tính không bằng…virus tính, chuyến đi phải kết thúc đột ngột tại Mozambique không thể tiếp tục được nữa.”
Chiếc xe mang biển số Việt Nam của Khoa đã đi qua châu Á, châu Âu, Nam Mỹ, Bắc Mỹ và châu Phi, riêng Nam Cực thì anh đi tàu ra vì không mang xe ra được.
Anh viết trên trang cá nhân: “Mình hoàn thành chặng đường khoảng 80.000km. Chặng đường bằng 2 lần chu vi trái đất, qua 65 quốc gia, băng qua lại đường xích đạo 8 lần, tới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau từ những nước rất phát triển như Bắc Âu, Tây Âu, Bắc Mỹ, đến những nước nghèo khó ở châu Phi, Trung Mỹ, rồi vùng Trung Đông, Nam Mỹ, châu Đại Dương, những nơi xa xôi hẻo lánh như Amazon, Greenland hay đảo Svalbard ở sát Bắc Cực, xuống nơi tận cùng thế giới ở Patagonia rồi xuống luôn cả châu Nam Cực. Những hoang mạc rộng lớn giữa lòng nước Úc, từ những ngôi làng hoang vắng không ai biết, đến những đại đô thị như New York, Paris, Seoul, Sydney, Berlin, Rome, Toronto, Chicago, Los Angeles, San Francisco, nhiều nơi không kể xiết.
Mọi người nhìn hình thấy sướng nhưng thật ra mình vừa đi vừa lo đủ thứ dọc đường, đúng nghĩa sống trên đường chứ không còn là chuyến đi chơi ngắn ngày nữa. Do đi xe qua nhiều quốc gia, châu lục liên tục mà không về Việt Nam nên mình phải lo đủ thứ từ visa, giấy tờ nhập cảnh xe, bảo hiểm, bằng lái, các loại giấy khác theo yêu cầu từng nước”.
Suốt hành trình, Đăng Khoa phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ việc thay đổi thời tiết đang ở nơi rất lạnh chuyển sang nóng, rồi khô hạn, mưa đã, lũ, băng tuyết. Ngoài ra, anh cũng luôn chuẩn bị tinh thần cho những nguy cơ tai nạn, bị cướp trên đường hay có thể bị ốm bất cứ lúc nào.
Anh chia sẻ về thành quả của mình: “Nhưng bù lại là những trải nghiệm vô giá, những bài học mới, vô vàn điều mới mẻ mà không đi, không chứng kiến tận mắt thì khó lòng hiểu được. 1111 ngày là 1111 điều kì diệu, đẹp đẽ, hay ho, mà sau này khi nhìn lại, xem lại những dòng nhật ký nhỏ từng ngày chắc sẽ nhớ lắm. Hơn tất cả, món quà lớn nhất là những người bạn mới trải dài khắp các châu lục, ngồi trải lòng và chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống, về những ngày đã qua cũng như tương lai khó đoán định sắp tới, những người nhiều khả năng sẽ khó có cơ hội gặp lại lần nữa nhưng chắc chắn sẽ ghi nhớ đến mãi sau này.
Cái hài lòng nhất là đến ngày về vẫn giữ được “3 không”, mà mình hứa với lòng nếu bị một trong ba cái là đến lúc dừng cuộc chơi: Một là, không bị bất kì tai nạn, va đụng, ngã xe lớn nhỏ nào.
Hai là, không bị bất kì bệnh gì, kể cả sổ mũi, ho han, ốm đau, bệnh truyền nhiễm gì. Sức khỏe và sức đề kháng tốt thật chớ. Mình cũng không bị chấn thương nào cả, (chỉ có lần đạp trúng mấy con nhím biển ở Mauritius sưng hết hai lòng bàn chân rồi tối mua thuốc kháng sinh uống với hơ kim tự nảy mấy cái kim ra, đau chết luôn).
Ba là, không bị bất kỳ giấy phạt chạy xe sai quy định hay bất kì giấy phạt linh tinh nào khi đi lại, đi tham quan, giấy tờ visa hộ chiếu các kiểu luôn đầy đủ đúng hạn.
T.H