Thế giới sẽ không bao giờ quên câu chuyện Sir Alex Ferguson tự lùng sục tìm cho cậu học trò Wayne Rooney khóa học guitar. Fergie tin rằng chơi guitar sẽ giúp cho bản tính nóng nảy của Rooney giảm tông đi vài phần.
Người hâm mộ MU vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện Sir Alex lái xe xuyên đêm đến nhà của Ryan Giggs thuyết phục anh gia nhập học viện đào tạo của MU thay vì Man City. Công việc đó Sir Alex có thể giao cho bất kỳ ai, nhưng ông vẫn muốn đích thân làm.
Báo giới Anh từng lan truyền câu chuyện kể rằng ban lãnh đạo Arsenal từ chối lời đề nghị mua tiền vệ trung tâm của Wenger, buộc “Giáo sư” phải đảo một vòng đội trẻ tìm cái tên đôn lên đội một. Chỉ là vị trí dự bị số 3 mà thôi.
Wenger sau đó dành tới 8 tuần liên tiếp, ngày nào cũng dành thời gian rỗi dự khán các trận đấu của đội trẻ. Ông nhắm được một nhân vật. Tiếc rằng, sau 8 tuần theo dõi, ông vẫn không thể duyệt được cầu thủ trẻ kia. Mùa bóng năm đó, Wenger chỉ có 3 tiền vệ trung tâm.
Chỉ là một vị trí dự bị số 3, Wenger hoàn toàn có thể chọn đại cái tên nào đó, khá khẩm nhất từ đội trẻ. Tuy nhiên, trách nhiệm và tình yêu với Arsenal không cho ông làm vậy.
“Ở Anh, tôi tin rằng CLB bóng đá mà bạn yêu chính là một phần quyển hộ chiếu của bạn. Với tôi, đó là Arsenal”, Wenger nói.
Thế giới bóng đá đã chứng kiến 2 tình yêu vĩ đại lần lượt chia tay Premier League. Người hâm mộ nhớ họ. Trong sâu thẳm nhiều người còn trăn trở thêm với câu hỏi: Thế giới huấn luyện viên có còn tình yêu hay không?
Jose Mourinho làm việc ở Manchester, nhưng gia đình ông vẫn sống ở London. Cứ mỗi dịp rảnh rỗi, Mourinho lại bay về London hội ngộ với gia đình thay vì dành thời gian xích lại gần các học trò.
Ông không có nhu cầu làm vậy, bởi đơn giản việc dẫn dắt MU là do hợp đồng quy định, và Mourinho nhận lương để làm việc đó. Chấm hết. Tình cảm, sự gắn kết như Sir Alex năm xưa là điều xa xỉ.
Antonio Conte bỏ Chelsea đi nghỉ hè mà không thèm liên lạc với đội bóng trong suốt thời gian dài. Khi báo chí Anh hỏi Conte về Diego Costa, ông trả lời xanh rờn: “Tôi không biết cậu ta đang ở đâu“. Nếu là Wenger, chắc chắn ông luôn biết những cậu học trò của mình đang ở chốn nào.
“Tuổi thọ” trung bình của một huấn luyện viên tại đội bóng cụ thể đang ngày càng ngắn đi. Chelsea thay tới 13 huấn luyện viên trong 14 năm “trị vì” của ông chủ người Nga Roman Abramovich.
Man City cũng sẵn sàng trảm bất kỳ huấn luyện viên nào không thể mang thành công về cho đội bóng. Hôm nay Pep Guardiola có thể là thánh, nhưng nếu ngày mai ông thất bại, lập tức CĐV Man City sẽ quay lưng lại với ông.
Ở Manchester có đồn đại một câu chuyện thế này. Thời Man City còn được dẫn dắt bởi Manuel Pellegrini, ông thầy người Chile này vốn đam mê đánh golf nên có xin gia nhập vào CLB golf thành phố Manchester.
Theo quy định, muốn có thẻ thành viên thì Pellegrini phải sinh hoạt đều đặn trong 2 năm liên tiếp. Trước thềm trận derby Manchester, chủ tịch CLB golf này hứa tặng Pellegrini thẻ thành viên nếu ông giúp Man xanh hạ Man đỏ.
Tiếc rằng Man xanh thua trận đấu đó, và Pellegrini không những không có thẻ thành viên, ông còn bị gạch tên khỏi danh sách chờ. Từ khi nào mà những mối quan hệ giữa HLV và người hâm mộ lại dựa trên lợi ích thế này?
Năm xưa, Sir Alex mất tới 6 năm mới mang chức vô địch Premier League đầu tiên về MU. Nếu Fergie sinh ra trong thời đại này, có lẽ ông đã bị sa thải ngay từ năm thứ 3.
Bóng đá đang thiếu đi cái tình giữa người thầy và đội bóng, cũng như chính các cầu thủ với ông thầy của mình. Theo lời Per Metersacker, nhiều cầu thủ Arsenal đã khóc khi Wenger tuyên bố ra đi.
Thử xem nếu là Jose Mourinho chia tay MU, Pep Guardiola tạm biệt Man City hay thậm chí Jurgen Klopp kết thúc mối lương duyên với Liverpool, có ai nhỏ giọt nước mắt nào không? Bóng đá sẽ chỉ còn xót lại những huấn luyện viên làm việc như những cỗ máy vô hồn.