Chuyên gia, Th.S Đặng Tuấn Tiến – Viện Khởi nghiệp Thực tế RSI đã có nhiều chia sẻ thú vị về vấn đề trên.
Nhiều bạn trẻ hiện nay lao vào kiếm tiền khá sớm ngay khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Các bạn chấp nhận các công việc bán thời gian, thời vụ nhằm có tiền tiêu vặt và trau dồi kỹ năng sống. Chuyên gia có quan điểm thế nào về vấn đề này và có khuyến khích các bạn nên trải nghiệm môi trường làm việc từ sớm không?
Trong những dịp về trường đại học chia sẻ Kỹ năng phỏng vấn ứng tuyển, tôi thấy nếu trước đây, tham dựchương trình chủ yếu là các bạn sinh viên năm 3 và năm cuối thì hiện nay, các bạn sinh viên năm 1 đã chiếm đông đảo hơn rất nhiều.
Môi trường đại học khuyến khích sinh viên chủ động lựa chọn chương trình, thời gian và phương pháp học tập, cũng như tìm kiếm cơ hội việc làm trên ghế nhà trường. Việc các bạn làm công việc bán thời gian như phục vụ, bán hàng, hay gia sư đều sẽ trang bị cho bạn những kinh nghiệm, kỹ năng riêng. Đó là những hành trang quý giá cho các bạn khi ra ngoài xã hội.
Bên cạnh đó, đi làm sớm giúp các bạn hiểu được giá trị đồng tiền, biết đồng cảm với sự vất vả của cha mẹ và có ý thức trách nhiệm hơn cho bản thân. Ngoài ra, nếu làm việc tốt và thái độ tích cực, các bạn sẽ có cơ hội được giữ lại doanh nghiệp khi ra trường.
Tôi khuyến khích và ủng hộ các bạn nên đi trải nghiệm môi trường làm việc từ sớm, tôi ngày xưa cũng thế.
Theo chuyên gia, nên vừa đi làm vừa đi học để lấy kinh nghiệm, hay học xong rồi mới đi làm?
Đây là câu hỏi quen thuộc mà tôi được nhận khi đi chia sẻ tại trường đại học. Câu trả lời của tôi là, bạn lựa chọn điều gì cũng đúng cả. Đó là lập trường của bạn. Miễn là bạn dốc hết sức và có trách nhiệm cho lựa chọn của mình.
Chọn vừa đi học vừa đi làm, bạn sẽ không có nhiều thời gian nghỉ ngơi hay thời gian giải trí cùng bạn bè. Đổi lại, bạn có mối quan hệ, trải nghiệm và thu nhập.
Chọn học xong rồi mới đi làm, bạn có thể không có quá nhiều vốn sống khi nhà tuyển dụng thường ưu tiên ứng viên đã có kinh nghiệm. Nhưng nếu học tập nghiêm túc, thì bạn sẽ có một tấm bằng đẹp cho hồ sơ của mình.
Nhiều bạn trẻ ngày nay không chú trọng việc học, nhưng lại kiếm tiền rất giỏi nhờ vào các yếu tố và công việc khác nhau như trở thành các Hot Tiktoker, Livestream, Bán hàng online… Nhiều bạn trẻ bám vào quan điểm “Học giỏi chưa chắc kiếm nhiều tiền” và xem nhẹ việc học. Chuyên gia có suy nghĩ thế nào về vấn đề trên?
Điểm số vốn không dùng để kiếm tiền ngoài xã hội. Mặc dù việc học giỏi thường đi kèm với nhiều lợi ích, bao gồm cơ hội tốt hơn để theo đuổi sự nghiệp và có thu nhập cao hơn.
Để kiếm được nhiều tiền, bạn cần có nhiều yếu tố khác như kỹ năng sống, cách đối nhân xử thế, sống tử tế và tạo quan hệ tốt đẹp với mọi người, hay tinh thần cầu tiến luôn vươn lên trong công việc, v.v..
Và tiền chỉ là một trong những yếu tố giúp bạn có một cuộc sống ổn định, nhưng không phải là thước đo của sự thành công. Sếp của tôi từng nói: “Thành nhân trước khi thành công” và tôi đồng ý với quan điểm này.
Thành công đôi khi là bạn được làm đúng lĩnh vực mình yêu thích, được cống hiến giá trị cho xã hội, được cộng đồng công nhận, hay đơn giản hơn là có một nơi để về, có một gia đình yên ấm. Tức là, hài lòng với những gì mình đang có và Biết Đủ cũng chính là một loại thành công.
Chuyên gia có lời khuyên thế nào cho giới trẻ hiện nay, đặc biệt là đối với các bạn lần đầu đi làm, trong việc cân bằng chiếc cân “đam mê – tiền bạc”. Vậy thì, chúng ta đi làm vì đam mê, hay đi làm để kiếm tiền?
Mỗi người có những hoàn cảnh khác nhau, môi trườngsống khác nhau, nền tảng giáo dục khác nhau và điều kiện kinh tế cũng khác nhau.
Nếu may mắn sinh ra với một nền tảng tốt, điều kiện cuộc sống dư dả hơn so với người khác, thì có thể việc đi làm với bạn chỉ để trải nghiệm và tìm kiếm đam mê của bản thân. Nhưng nếu bạn sinh ra trong một hoàn cảnh khó khăn hơn, thì điều kiện tiên quyết đầu tiên, đó là bạn phải có tiền và lo được cho bản thân, kế đến là lo cho gia đình.
Thành công là một hành trình và bạn sẽ học được rất nhiều điều trên hành trình đó. Có thể là bài học về sự kiên trì theo đuổi mục tiêu, là lòng quyết tâm không bao giờ từ bỏ, là sự gan lì bám lấy đích đến.
Hãy nhớ, cuộc sống vốn không bao giờ công bằng, nhưng nhờ đó bạn sẽ học được cách thích nghi và trưởng thành.
thuongnt