Nguyễn Công Phượng đã ghi 5 bàn cho CLB TP.HCM mùa này, đứng đầu danh sách ghi bàn. Tiền đạo sinh năm 1995 lập công ở 3 sân chơi (V-League, siêu cúp quốc gia, AFC Cup) và CLB TP.HCM thắng 80% số trận mỗi khi Công Phượng ghi bàn. 2 bàn thắng và 1 kiến tạo của cầu thủ mang áo số 21 cũng giúp đội nhà có 6 điểm trong 2 trận gần nhất.
CLB TP.HCM tự tin trên đỉnh bảng nhờ cảm hứng Công Phượng, còn đội chủ quản HAGL của anh đang chìm trong khó khăn, có nguy cơ rơi vào cuộc chiến trụ hạng nếu không cải thiện phong độ.
HAGL đá thế nào khi không có Công Phượng?
Mùa gần nhất thi đấu ở V-League, Công Phượng có 12 pha lập công, so kè với Nguyễn Tiến Linh đến phút cuối cùng cho danh hiệu “Vua phá lưới nội”. Sau 5 tháng xuất ngoại không thành công ở Incheon United và thêm 5 tháng khó khăn ở Sint-Truidense, Công Phượng mất cảm giác bóng, nhưng khả năng săn bàn vẫn còn nguyên vẹn.
HAGL trải qua mùa 2019 với thứ hạng cao nhất từ năm 2015 mà không cần Công Phượng trong đội hình. Đội bóng của HLV Lee Tae-hoon ghi bàn nhiều thứ 2 tại V-League với Nguyễn Văn Toàn, Trần Minh Vương trên hàng công. Đó có thể là cơ sở về mặt chuyên môn để bầu Đức hào phóng cho CLB TP.HCM mượn Công Phượng đến hết mùa.
Tuy nhiên, lực lượng HAGL đang rất mỏng. Trên ghế dự bị của HLV Lee Tae-hoon, dễ thấy chiến lược gia này khó lựa chọn nếu đội hình chính có vấn đề. Nguyễn Kiên Quyết, Trần Bảo Toàn đều non kinh nghiệm, chưa đủ khả năng đá V-League. Bộ khung chính của HAGL chỉ còn Văn Toàn là phần nào giữ phong độ. Minh Vương đánh mất sự bùng nổ, Châu Ngọc Quang trận được trận không.
Sức tấn công của đội bóng phố Núi gần như phó mặc cho Chevaughn Walsh và Văn Toàn. Hai cầu thủ này góp dấu giày vào 4 bàn, một nửa tổng số pha lập công của HAGL. Riêng công thức Văn Toàn kiến tạo, Walsh đã giúp HAGL ghi 2 bàn, nhưng cũng chỉ có vậy.
Nhờ sự trở lại của Nguyễn Tuấn Anh, HAGL đã kiểm soát tuyến giữa tốt hơn, đá sáng nước và nhịp nhàng, nhưng khả năng luân chuyển bóng ở 1/3 sân đối thủ vẫn là dấu hỏi.
HAGL thiếu những bài đánh vỗ mặt trung lộ và tấn công trực diện. Bóng thường được đẩy ra biên tạt vào cho Walsh xoay xở. Bốn trận gần nhất, HAGL ghi 3 bàn, trung bình 0,75 bàn thắng/trận, con số quá ít nếu đội bóng của bầu Đức muốn mơ cao.
HAGL thiếu tính đột phá, sáng tạo trên hàng công. Đó lại là phẩm chất Công Phượng có thừa. Sự tinh quái, lắt léo của cầu thủ sinh năm 1995 có thể gây khó dễ cho bất cứ hàng phòng ngự nào.
Hai bàn của Công Phượng trong 2 trận vừa qua là minh chứng cho giá trị của anh, với một pha đi bóng đầy nỗ lực qua hai hậu vệ Viettel và một pha chạy chỗ thông minh để dứt điểm tung lưới thủ môn Nguyễn Văn Hoàng (SLNA). Ở sân Pleiku, không thấy cầu thủ nào có phẩm chất tương tự như vậy.
Điều quan trọng là Công Phượng có mối dây liên kết với những đồng đội quen thuộc như Văn Toàn, Tuấn Anh, Minh Vương hay Lương Xuân Trường. Nếu gọi Công Phượng về cho giai đoạn hai, HAGL sẽ không cần chờ anh hòa nhập.
Cùng với Walsh, Văn Toàn và Phượng tạo thành đinh 3 tấn công lợi hại. Công Phượng cũng sẽ mang lại cho ông Lee Tae-hoon nhiều lựa chọn chuyên môn hơn thay vì loay hoay với những Trần Bảo Toàn hay Lê Minh Bình, nhưng bầu Đức lại không làm như vậy.
Dấu hỏi cho HAGL
Kinh tế có thể là nguyên nhân HAGL đẩy Công Phượng đến CLB TP.HCM. Để chân sút này đá ở sân Thống Nhất, HAGL tiết kiệm được khoản lương đáng kể trong 12 tháng, chưa kể thu lại số tiền từ thương vụ cho mượn. Khi nhiều đội gặp khó khăn tài chính sau dịch Covid-19, HAGL có thể tận thu từ Công Phượng.
Tuy nhiên, bóng đá vẫn là câu chuyện về chuyên môn. Xét trên góc độ này, HAGL cho CLB TP.HCM mượn Công Phượng cùng Lê Đức Lương, Lê Văn Sơn hay cho Công an Nhân dân mượn 9 cầu thủ trẻ thật khó để giải thích.
Văn Sơn, Đức Lương có thể khó cạnh tranh với Nguyễn Phong Hồng Duy và Vũ Văn Thanh, song vẫn đủ tốt để dự bị, thay thế khi cần. Đinh Thanh Bình, Trần Thanh Sơn cũng là những cầu thủ tấn công không tồi. Về trình độ và kinh nghiệm, những cái tên này “ăn đứt” Bảo Toàn, Kiên Quyết hay Nguyễn Văn Anh.
Không HLV nào có thể tự tin với 11 cầu thủ đá chính. V-League tồn tại vô số rủi ro, mà khi cầu thủ trên sân gặp vấn đề, chất lượng băng ghế dự bị chính là sự khác biệt. Đội đầu bảng CLB TP.HCM có lực lượng dày đến mức Trần Phi Sơn, Ngô Hoàng Thịnh còn phải ngồi ngoài. Khi gặp khó khăn, CLB Viettel nhìn lên ghế dự bị vẫn thấy cựu tuyển thủ quốc gia Vũ Minh Tuấn hay Nguyễn Trọng Đại.
Còn với HAGL, HLV Lee Tae-hoon có gì lúc HAGL bế tắc ngoài băng ghế dự bị non kinh nghiệm? HAGL có dư dả đến mức cho mượn 12 cầu thủ mà vẫn không ảnh hưởng đến sức mạnh, khi ở chiều về, họ chỉ có Damir Memovic đủ bản lĩnh?
Đó là lý do đội bóng phố Núi chỉ chơi hay khi có bàn dẫn trước. Khi HAGL bị đẩy vào thế dẫn bàn, họ toàn thua: 0-3 trước CLB Hà Nội, 1-3 trước SHB Đà Nẵng, 0-2 trước Nam Định. HAGL không có sức bật chống lại nghịch cảnh, không đủ con người để thay đổi khi cần thiết.
Chuyện trao đổi cầu thủ giữa các CLB phổ biến trong bóng đá. Các đội cùng hạng cũng có thể gửi gắm cầu thủ cho nhau, như trường hợp Manchester United cho Sheffield United mượn Dean Henderson. Dẫu vậy, có 2 khác biệt cơ bản. Một, CLB chỉ cho mượn những cầu thủ ít được ra sân ở đội một. Hai, hiếm khi các đội cùng mục tiêu (đua vô địch, trụ hạng) cho nhau mượn cầu thủ.
Để CLB TP.HCM mượn không chỉ một, mà đến ba cầu thủ như bây giờ, không lẽ HAGL xác định ngay từ đầu là không thể đua ngôi cao với đối thủ? Cách cho mượn cầu thủ dường như đang phản chiếu chính tham vọng HAGL mùa này.
HAGL có thể lấy lại Công Phượng từ mùa 2021, khi thỏa thuận cho mượn kết thúc, nhưng tính gì xa xôi mùa tới, khi thầy trò ông Lee Tae-hoon đang khó khăn ngay thời điểm này.