Có người mất mấy tháng trời, đọc bao nhiêu sách, tra cứu bao nhiêu trang mạng, nhờ bao thầy phong thủy tướng số để đặt tên cho con, cho cháu. Nhưng cũng có những người lại quá xem nhẹ về đặt tên khiến con khổ sở.
Khách hàng của chúng tôi có cái tên rất khiến người ta muốn từ chối hợp tác. Bởi em tên là… Ngán. Hóa ra ngày trước bố mẹ đã sinh tới lần thứ năm vẫn là con gái nên gọi trêu là Ngán (ngao ngán), nào ngờ nhờ người họ hàng đi khai sinh thì cũng ghi luôn là Ngán (thực ra bố em ghi ra giấy chữ Ngân, nhưng chữ loằng ngoằng nên người họ hàng nghĩ là Ngán). Lúc nhận giấy khai sinh về, bố mẹ em cũng chỉ lướt qua nhìn Ngân và Ngán hao hao giống nên chẳng để ý. Khi em đi học thì mới phát hiện ra, đổi giấy khai sinh lại phiền phức nên bố mẹ đành thôi. Mỗi lần nghe khách hàng gọi, em cũng thấy phiền lòng. Em đã nhiều lần giới thiệu với khách hàng rằng tên mình là Ngân, nhưng việc giao dịch trên giấy tờ thì không thể lấy tên đó, lại phải giải thích phiền phức, khó khăn. Chỉ còn biết trách bố mẹ em đã quá vô tâm và trách tâm lý trọng con gái đã để lại “di chứng” tội nghiệp cho em!
Hôm trước chúng tôi có phỏng vấn một em gái cho vị trí phụ trách đối ngoại. Em trông khá xinh xắn và nhanh nhẹn. Nhưng tên Đỗ Bưởi của em lại trở thành cái cớ rất vô duyên khiến sếp “lăn tăn”. Nếu vào vị trí ấy, em sẽ phụ trách nhiều buổi gặp gỡ, giao tiếp, không chỉ với khách trong nước mà với cả đối tác nước ngoài. Và cái tên Đỗ Bưởi (Do Buoi) của em bỗng trở thành một điều tế nhị khi giữ vị trí đối ngoại cho công ty. Có khi nào bố mẹ em biết cái tên họ đặt cho con đã là một sự bất công cho em không?!
Cậu em họ của tôi thì lớn rồi vẫn cứ trách bố đặt cho cái tên thật dễ bị trêu chọc, là Tạ Văn Thế. Vậy là bọn bạn học cứ suốt ngày gọi nó là Tạ Thế. Còn có một em trai vào chỗ tôi thực tập lại tên là Nguyễn Thanh Thúy (mọi người đều hỏi lại là Quý à). Một lần giám đốc nhờ đi lấy giấy tờ quan trọng. Giám đốc đã hẹn với họ là có em Thúy tới nhận. Họ nghe Thúy thì mặc định là em gái nên báo về cho đầu giao hàng là có cô Thúy tới. Thế nên khi thấy một cậu con trai to đùng lực lưỡng tới, người giao hàng nhất định không giao vì “nghe rõ tên là Thúy, con gái mà”. Thật khổ, lúc ấy giám đốc vừa lên máy bay nên cuộc gọi xác nhận danh tính càng trở nên khó khăn. Thế là Thúy đành phải quay về công ty lấy chứng minh thư. Lúc giao giấy tờ, phía kia còn chụp ảnh, quay phim cho chắc. Hóa ra là dòng họ của em là họ Nguyễn Thanh, em là con thứ hai mà bố mẹ ham con gái, trót đặt tên con từ khi còn là thai nhi nên “cứ thế đặt thôi”.
Thời xưa, ông bà ta hay sợ tên đẹp thì ma bắt nên đều đặt tên xấu. Còn bây giờ hầu hết cha mẹ đều muốn đặt tên đẹp cho con. Nhưng có những cái tên quá đẹp, quá độc đáo cũng khiến bọn trẻ ngại ngần. Có những cái tên chẳng còn bản sắc Việt Nam, có những cái tên rườm rà vì quá dài, có những cái tên mô tả ngoại hình trái ngược hẳn với ngoại hình của bọn trẻ, như đứa bé đen mà lại tên Bạch Tuyết…
Chuyện đặt tên cho con không chỉ tính tới những cái tên trên giấy khai sinh, mà những cái tên ở nhà cũng có thể thành “vấn đề” cho bọn trẻ. Nhiều người dễ dàng gọi con bằng một biệt danh xấu xí, thậm chí thô lỗ như Hô, Đen, Dô, Toét, Lùn, Cong… Một số biệt danh có thể chỉ để hài hước, nhưng có những biệt danh sẽ làm tổn thương bọn trẻ. Thế mới nói đặt tên con cũng cần có tâm, không chỉ xem phong thủy, xem mệnh như mốt hiện thời mà còn phải xem tên đó có hợp với họ, tên đệm không, tên có mang niềm hảo vọng quá lớn, có gây phiền phức, gây cười… Có nhiều điều thay đổi trong một đời người nhưng cái tên là rất khó thay! Pháp luật cũng có những quy định về việc đặt tên, những yếu tố trên dù không vi phạm vào quy định trong luật nhưng đã gây ra nhiều phiền phức trong đời sống, vì thế đặt tên con ngoài đảm bảo quy định của luật pháp thì cha mẹ cũng cần có tâm nghĩ tới các tình huống mà con phải đối diện sau này.