Phần một: 10 cầu thủ Arsenal xuất sắc nhất kỷ nguyên Premier League (P1): Nạn nhân của Giáo sư
Phần hai: 10 cầu thủ Arsenal xuất sắc nhất kỷ nguyên Premier League (P2): Tiếc cho một số 7
Phần ba: 10 cầu thủ Arsenal xuất sắc nhất kỷ nguyên Premier League (P3): Quý ông đuôi ngựa tại Highbury
4. Tony Adams.
17 năm sau khi được xuất bản, cuốn tự truyện “Addictive” của cựu danh thủ Tony Adams vẫn được xem là chứa đựng những góc khuất lớn nhất trong sự nghiệp của ông, từ chứng nghiện rượu đã gây ra một tai nạn giao thông, đến rắc rối trong phòng thay đồ của Arsenal. Tuy nhiên, mỗi khi nhắc đến một trong những người đội trưởng xuất chúng nhất của đội bóng Bắc London, không ai có thể bỏ qua trung vệ cao trên 1m90 này.
Sự tiến bộ không ngờ của ông sau khi gây ra tai nạn được xem là một phép màu, với sự giúp đỡ không nhỏ của Arsene Wenger trên băng ghế huấn luyện vào năm 1996. Vị huấn luyện viên người Pháp tập trung vào chế độ ăn uống và lập kế hoạch để giúp Adams chống lại thói quen cũ trong khi vẫn để cho người đội trưởng của Arsenal thể hiện bản thân trên sân cỏ.
Lối đá dưới hai thời HLV cũng hoàn toàn khác nhau, trong khi Graham muốn trung vệ người Anh phải tập trung vào một vị trí cố định trên sân, Wenger lại khuyến khích Adams chơi rộng hơn và sử dụng khả năng chỉ huy để phát động những đường bóng lên phía trên.
Một trong những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của trung vệ 52 tuổi là khi khoác áo đội tuyển Anh tại World Cup 1998 trên đất Pháp, nơi ĐT Anh dừng bước trước Argentina trên chấm penalty.
Với những cống hiến vĩ đại của mình cho CLB, 504 lần ra sân và mang về phòng truyền thống bốn chức vô địch nước Anh cùng ba cúp FA, vào năm 2011, ban lãnh đạo chính thức công bố bức tượng Tony Adams bên ngoài sân Emirates dành cho sự nghiệp trọn đời của ông.
3. Patrick Vieira.
Nếu nói về điểm đặc biệt của giải Ngoại Hạng đầu thế kỷ 20, không ai không nhớ về màn đụng độ nảy lửa giữa hai con quái thú trên sân, Patrick Vieira và Roy Keane. Mỗi khi Arsenal và Man Utd gặp mặt, dù là tại Old Trafford, Highbury hay tại bất kỳ SVĐ nào khác, đây luôn là một trận chiến không khoan nhượng thật sự nơi giữa sân.
Tuy nhiên, cần nhìn lại, trước khi được Arsene Wenger phát hiện và cùng ông về với Arsenal vào năm 1996, chẳng ai biết Vieira là cầu thủ nào. Nổi lên rất sớm tại Cannes, chàng trai trẻ người Pháp không thể cưỡng lại trước sức hút quá lớn của màu áo sọc đỏ đen và đến với kinh đô thời trang của nước Ý.
Nhưng một mùa bóng tại đây chẳng khác nào ác mộng với cầu thủ lúc đó chỉ 20 tuổi, trong suốt cả năm anh ra sân vỏn vẹn hai lần và nhiều người còn cho rằng không còn cách nào cứu vãn sự nghiệp.
Bước ngoặc đến với Vieira khi HLV đồng hương phát hiện ra anh và mang về Highbury cùng ông. Lúc đó, chẳng ai hiểu một tân HLV quyết định đem về một cái tên xa lạ như vậy làm gì, cho đến hiện tại những ai có ý nghĩ đó có thể được xem là đầu óc chẳng bình thường.
Dưới bàn tay của Arsene, số 4 của Arsenal nhanh chóng tiến bộ và trở thành một trong những tiền vệ đáng sợ bậc nhất tại nước Anh lúc đó.
Như lời của cựu tiền đạo Ian Wright khi nói về người đàn em gia nhập đội bóng năm 1996: “Đã từ rất lâu rồi, chúng tôi mới có được một tiền vệ luôn biết tiến về phía trước với sự dũng mãnh và đáng sợ đến vậy. Cậu ấy luôn là người đầu tiên nhìn thấy những khoảng trống tôi tạo ra và chuyền bóng thuận lợi đưa tôi vào thế đối mặt với thủ môn.”
Với chín năm tại Highbury, Vieira dần trở thành một trong những biểu tượng sống tại đây với 279 lần ra sân và 29 bàn thắng, đóng góp lớn vào ba chức vô địch Premier League và bốn lần đăng quang tại FA Cup.