2020-10-08 10:56:47
{"the-thao":"Th\u1ec3 thao"}
{"chuong-mon-le-sang":"Ch\u01b0\u1edfng m\u00f4n L\u00ea S\u00e1ng","viet-vo-dao":"Vi\u1ec7t V\u00f5 \u0111\u1ea1o","vo-thuat":"V\u00f5 Thu\u1eadt","vovinam":"vovinam"}
https://media.xevathethao.vn/images/resizing_type:fill/watermark:0.5:ce:0:0:0.3/aHR0cHM6Ly94ZXZhdGhldGhhby52bi9hcHAvdXBsb2Fkcy8yMDIwLzEwL0NodW9uZy1tb24tTGUtU2FuZy5qcGc=.webp

Môn phái Vovinam Việt Võ đạo kỷ niệm 10 năm ngày mất Chưởng môn Lê Sáng

Ngày 6/10/2020, Hội đồng Võ sư chưởng quản môn phái Vovinam Việt Võ đạo và Liên đoàn Vovinam Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất của Chưởng môn Lê Sáng và Lễ an vị di ảnh của võ sư Nguyễn Văn Chiếu – Chánh chưởng quản môn phái Vovinam Việt Võ đạo tại Tổ đường môn phái tại 31 Sư Vạn Hạnh quận 10, TP. Hồ Chí Minh.

Về dự chương trình có Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới TS Mai Hữu Tín, Võ sư Nguyễn Văn Sen – chánh vụ Lễ nghi và Kỹ thuật Hội đồng Võ sư chưởng quản, Võ sư Trần Văn Mỹ – PCT/TTK Liên đoàn Vovinam Việt Nam, Tiến sĩ Võ Danh Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật thế giới cùng các võ sư cao cấp của môn phái và đông đảo lãnh đạo các liên đoàn, hiệp hội, bộ môn Vovinam trong cả nước.

Trong dịp này, các môn đồ có dịp cùng tưởng nhớ về võ sư Chưởng môn Lê Sáng người học trò, người kế nghiệp xuất sắc của sáng tổ Nguyễn Lộc. Tiếp nhận vị trí lãnh đạo môn phái Vovinam từ năm 1960 đến 2010, võ sư Lê Sáng đã dành trọn đời cho sự nghiệp xây dựng và phát triển môn phái Vovinam Việt Võ đạo từ một môn võ thuật dân tộc Việt Nam trở thành một một môn võ thuật quốc tế lan tỏa ra khắp năm châu. Cùng ngày, các môn đồ Vovinam cũng chứng kiến Lễ an vị di ảnh của Võ sư Nguyễn Văn Chiếu – Chánh chưởng quản môn phái về Tổ đường môn phái.

Các võ sư về dự Kỷ niệm 10 năm ngày mất Cố Võ sư Chưởng môn Lê Sáng.

Cũng trong ngày 6/10, Hội đồng Võ sư chưởng quản môn phái Vovinam Việt Võ đạo và Liên đoàn Vovinam Việt Nam đã tổ chức trao đai cho các võ sư vượt qua Kỳ thi thăng cấp cao đẳng Vovinam Việt Võ Đạo năm 2020. Trong số này, có 20 võ sư đạt hồng đai nhất và 46 võ sư đạt chuẩn hồng đai.

Nhân dịp này, VoThuat.vn xin đăng tải lại các bài viết về cố Võ sư Chưởng môn Lê Sáng và cố Võ sư Nguyễn Văn Chiếu để cùng nhìn lại công lao của hai vị THẦY trong việc xây dựng và phát triển môn phái Vovinam Việt Võ đạo ra khắp thế giới.

Chưởng môn Lê Sáng – Người kế nghiệp xuất sắc của Sáng tổ Nguyễn Lộc

Nguyên quán ở tỉnh Thanh Hóa, võ sư Lê Sáng chào đời vào mùa thu năm 1920 (Canh Thân) tại một ngôi nhà bên bờ hồ Trúc Bạch (Hà Nội). Ông là trưởng nam của cụ ông Lê Văn Hiển tự Đức Quang (1887-1959) và cụ bà Nguyễn Thị Mùi (1887-1993). Hai người em gái của võ sư là bà Lê Thị Xuất (1927-2004) và bà Lê Thị Dư tự Hoài Hương (sinh ngày 12-9-1937).

Đầu năm 1939, ông bị bệnh nên đôi chân đi đứng khó khăn. Nghe lời khuyên của mẹ, ông tìm thầy học võ với mục đích rèn luyện cho đôi chân cứng cáp và thân thể khỏe mạnh. Duyên may đưa đẩy ông đến với lớp Vovinam tại Trường Sư phạm Hà Nội do Sáng tổ Nguyễn Lộc trực tiếp giảng dạy vào mùa xuân năm 1940. Có tố chất thể thao, thông minh lại chịu khó học hỏi và chuyên cần luyện tập, tình trạng sức khỏe của ông sớm cải thiện và tiến bộ nhanh trên bước đường võ nghệ. Chỉ vài năm sau, ông được Sáng tổ cử tham gia huấn luyện Vovinam tại Hà Nội. Từ đó, ông luôn gắn bó với Sáng tổ như anh em ruột thịt, đồng lao cộng khổ và từng theo chân Sáng tổ đi dạy Vovinam ở một số vùng thuộc các tỉnh phía Bắc Việt Nam như: Hữu Bằng, Chế Lưu, Ấm Thượng, Thanh Hương, Đan Hà, Đan Phú, v.v.

Chân dung Chưởng môn Lê Sáng

Cuối năm 1954, ông được Sáng tổ phân công dạy một số lớp Vovinam ở Sài Gòn và tỉnh Gia Định. Đến cuối năm 1957 (Đinh Dậu), khi Sáng tổ lâm bệnh, võ sư Lê Sáng đảm đương nhiệm vụ Võ sư trưởng, tiếp tục huấn luyện cho tất cả môn sinh đang theo học với Sáng tổ lúc đó đồng thời liên tục mở thêm 3 võ đường ở đường Trần Khánh Dư (Tân Định), đường Sư Vạn Hạnh (sát chùa Ấn Quang) và góc đường Trần Hưng Đạo – Huỳnh Mẫn Đạt (còn gọi là Moulin Rouge – một vũ trường đã ngưng hoạt động). Cuối tháng 4 năm 1960, trước lúc qua đời, Sáng tổ Nguyễn Lộc đã giao nhiệm vụ lãnh đạo môn phái lại cho ông.

Đầu năm 1961, do các võ phái ở Sài Gòn bị cấm hoạt động nên Võ sư trưởng Lê Sáng phải tạm nghỉ dạy võ. Một thời gian sau, ông Nguyễn Quang Hải (em trai của Sáng tổ, 1930-2020) gặp khó khăn trong việc khai khẩn đồn điền trồng cao su và khai thác gỗ ở Buôn Ma Thuột và Quảng Đức nên đã nhờ võ sư Lê Sáng trông coi giúp ông. Mãi đến cuối năm 1963, khi các võ phái được phép hoạt động trở lại, ông mới quay về, bắt tay cùng đội ngũ cốt cán, khôi phục và phát triển môn phái.

Là môn đệ trưởng tràng, sát cánh cùng Sáng tổ Nguyễn Lộc trong gần 20 năm, Chưởng môn Lê Sáng đã tiếp thu được những tư tưởng võ đạo và võ thuật cũng như nhân cách sống của Sáng tổ một cách sâu sắc nhất. Bằng đạo đức, tâm huyết và tài năng của mình, Chưởng môn đã giữ vững tình đoàn kết trong môn phái; đồng thời với sự đóng góp công sức của nhiều thế hệ võ sư, HLV, môn sinh và thân hữu, Chưởng môn đã phát triển một số ý tưởng của Sáng tổ để xây dựng cho Vovinam Việt Võ Đạo một hệ thống triết lý võ đạo. Còn nhớ hồi giữa thập niên 1960, dù cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, nhưng song song với việc tổ chức phát triển môn phái, mỗi ngày trực tiếp huấn luyện hàng chục giờ; vậy mà biết bao đêm Chưởng môn vẫn chong đèn viết sách để hệ thống và phát triển những tư tưởng võ đạo.

Đó là hệ thống tư tưởng hướng người môn sinh Vovinam Việt Võ Đạo đến một triết lý sống tốt đẹp: “Sống, để cho người khác sống và sống cho người khác”. Theo đó, người môn sinh Vovinam Việt Võ Đạo không chỉ rèn luyện, “vượt thắng sự hèn yếu của tâm hồn và thể xác”, tổ chức cho bản thân mình một cuộc sống tốt đẹp mà còn không được xâm phạm vào cuộc sống người khác cũng như có trách nhiệm giúp người khác sống tốt đẹp và sẵn sàng hy sinh những quyền lợi tinh thần hay vật chất để phục vụ lợi ích chung của môn phái, của xã hội. Không chỉ thế, Chưởng môn còn dày công vun đắp hệ thống kỹ thuật của Vovinam Việt Võ Đạo ngày thêm đa dạng và phong phú. Ngay cả khi ở tuổi ngoại “thất thập cổ lai hy”, Chưởng môn vẫn tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hệ thống kỹ thuật cho phù hợp với nhiều đối tượng trong giai đoạn mới – giai đoạn Vovinam Việt Võ Đạo phát triển mạnh mẽ ở nước ngoài sau cột mốc đặt nền tảng ban đầu trên đất Pháp hồi năm 1973.

Các môn đồ cùng mừng sinh nhật Chưởng môn Lê Sáng

Những đóng góp hết sức quan trọng đó của Chưởng môn Lê Sáng chính là tiền đề để phong trào Vovinam Việt Võ Đạo ngày càng phát triển, thăng hoa và dần dần lan rộng ra hơn 40 nước trên thế giới như là một sự khẳng định mạnh mẽ của truyền thống thượng võ và bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Ngoài việc chăm lo cho môn phái, Chưởng môn Lê Sáng còn tham gia các công việc khác. Ông được bầu làm Tổng thư ký Tổng cuộc Quyền thuật miền Nam Việt Nam (1960-1970) và Tổng Thủ quỹ Ủy hội Olympic miền Nam Việt Nam (1970-1975). Trong thời gian đó, với tinh thần trách nhiệm cao, khéo léo và công tâm trong công việc, ông đã được nhiều quan chức thể thao và võ sư các môn phái khác kính mến.

Các võ sư cao cấp và Võ sư Chưởng môn

Không chỉ giỏi võ, có khả năng lãnh đạo và kinh doanh tốt, Chưởng môn Lê Sáng còn là một con người tài hoa. Với một tâm hồn nghệ sĩ, ông còn sáng tác nhiều bài thơ tràn đầy cảm xúc sâu lắng và thấm đượm tinh thần thượng võ. Một số bài thơ của Chưởng môn (bút danh Quang Vũ, Huy Vũ, Phương Vũ, Tần Nhu) đã được phổ nhạc. Trong đời thường, Chưởng môn sống ung dung, giản dị, thường giúp đỡ bạn bè và cư xử chân tình với những người chung quanh. Đối với môn đệ, ông chí tình dạy bảo, thương yêu và dung thứ. Những lúc cha mẹ ốm đau, ông luôn cận kề và chăm lo chu đáo. Suốt cuộc đời, Chưởng môn còn là một tấm gương khiêm tốn, không ngừng tự học, tự rèn để có thể đáp ứng với trọng trách mà Sáng tổ đã ủy thác. Ngay cả khi bản thân hay môn phái đối mặt với gian nan, thách thức to lớn, ông vẫn giữ nhân cách, bền bỉ, miệt mài làm việc với niềm lạc quan, tin tưởng vào một ngày mai tốt đẹp.

Các vĩ sư nghe thầy Chưởng môn trao đổi

Những năm 2009 – 2010, dù sức khỏe giảm sút, nhưng Chưởng môn Lê Sáng vẫn minh mẫn và sáng suốt. Trong những ngày cuối đời, tuy phải chống chọi với bệnh tật, Chưởng môn vẫn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với sự nghiệp phát triển môn phái khi chuẩn bị nhân sự và chuyển giao trách nhiệm lãnh đạo môn phái Vovinam Việt Võ Đạo lại cho Hội đồng Võ sư Chưởng quản.

Sống đơn thân, không nặng gánh gia đình, thích đọc sách báo, thấm nhuần triết lý phương Đông, và cũng là người kế nghiệp xuất sắc nhất của Sáng tổ Nguyễn Lộc; Chưởng môn Lê Sáng đã hy sinh và cống hiến trọn cuộc đời mình cho công cuộc xây dựng và phát triển môn phái Vovinam Việt Võ Đạo.

Sau một thời gian lâm trọng bệnh, Chưởng môn Lê Sáng đã theo chân Sáng tổ về cõi vĩnh hằng vào lúc 3 giờ ngày 27-9-2010, nhằm ngày 20 tháng 8 năm Canh Dần, thượng thọ 91 tuổi. Sự ra đi vĩnh viễn của Chưởng môn là một tổn thất đối với nền võ thuật và võ đạo đồng thời là sự mất mát lớn không gì bù đắp được đối với toàn thể môn đồ Vovinam Việt Võ Đạo trên khắp thế giới.

10-12-2010
Môn đồ Nguyễn Hồng Tâm

Võ sư Nguyễn Văn Chiếu – Người mang sứ mệnh đưa Vovinam ra thế giới

Võ sư Nguyễn Văn Chiếu – Chánh chưởng quản Hội đồng võ sư môn phái Vovinam Việt Võ Đạo cả đời quyết tâm gắn bó với Vovinam. Cuộc đời ông là những chuyến phiêu lưu diệu kì mang Vovinam vươn tầm thế giới, lừng danh khắp địa cầu.

Tình yêu “đất võ”

Võ sư Nguyễn Văn Chiếu (sinh ngày 4 tháng 11 năm 1949 tại Sài Gòn), từ bé ông đã là một người năng động, thích chạy nhảy, phiêu lưu. Võ sư Nguyễn Văn Chiếu đến với môn phái Vovinam từ năm 1965. Năm 21 tuổi, ông đã bắt đầu các hoạt động truyền dạy võ Vovinam trong nước.

Võ sư Nguyễn Văn Chiếu

Nhớ về những ngày đầu mới đến với môn võ của dân tộc, ông kể: “Thời trai trẻ, tôi rất thích thể thao, thích cảm giác mạnh. Tôi và chúng bạn đam mê vận động và tham gia nhiều môn thể thao như bóng đá và tập luyện võ thuật. Những năm 1965, các môn võ như Taekwondo, Judo phát triển mạnh ở Sài Gòn. Tôi là một thanh niên ham thích võ thuật nên cũng tìm đến học nhưng cảm thấy không hợp với mình. Tình cờ tôi biết đến Vovinam. Thấy môn võ này mạnh mẽ, có những đòn thế quăng quật rất hấp dẫn. Hơn nữa, Vovinam là môn võ lúc có đòn đánh, thân pháp theo tiêu chí ngoại hình của người Việt nên rất hợp với tôi. Kể từ đó, tôi theo học Vovinam”.

Nhận thấy cơ duyên với Vovinam lại chịu khó chăm chỉ tập luyện nên chỉ sau hai năm, tức vào năm 1967, khi mới 18 tuổi, ông đã được phong võ sư tam đẳng huyền đai và đi dạy võ ở trường Pétrus Ký (nay là trường Lê Hồng Phong ở TP.HCM). Năm 1969, chàng võ sư trẻ Nguyễn Văn Chiếu ngay khi được thầy cho “xuống núi” để giảng dạy đã “liều mình” rời nhà ngược ra Cam Ranh rồi đến Quy Nhơn (Bình Định) để gầy dựng phong trào Vovinam ngay trên “xứ võ”.

Đó là một quyết định táo bạo của võ sư Chiếu. Một thân một mình ông đến với miền đất của võ cổ truyền để ươm mầm Vovinam. Ông kể về quyết định lúc đó: “Khi đã theo môn võ nào, trách nhiệm của chúng ta là phải đem hiểu biết của mình để truyền dạy đi khắp nơi, góp phần phát triển môn phái. Việc chôn chân một chỗ không thể giúp Vovinam phát triển. Khi ra đi với hai bàn tay trắng, sau năm năm tôi đã đào tạo được 12 câu lạc bộ ở Bình Định. Đây chính là mảnh đất mang lại cho tôi nhiều kỷ niệm cũng như có thêm nhiều cơ duyên để phát triển môn phái”.

Trong suốt 5 năm lăn lộn trên đất võ Quy Nhơn – Bình Định, trong vai trò như một giám đốc trung tâm huấn luyện phụ trách 12 câu lạc bộ Vovinam tại Bình Định, ông đã đưa phong trào Vovinam phát triển mạnh ở đây và giúp tiếng tăm của ông cũng như Vovinam lan ra nhiều khu vực lân cận.

Mảnh đất Bình Định mang đến cho ông rất nhiều kỉ niệm của thời trai trẻ. Sau này, khi lấy vợ sinh con, ông quyết định đặt tên con mình là Nguyễn Bình Định như một cách để lưu giữ những tháng năm trên đất võ của mình. Võ sư Nguyễn Bình Định cũng là một võ sư nổi tiếng của Việt Nam khi ông là Trưởng bộ môn Vovinam Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM.

Năm 1975, ông rời Quy Nhơn về lại Sài Gòn, làm việc ở phòng Thể dục thể thao của quận 8, một quận vùng ven Sài Gòn và nỗ lực vận động mở lớp dạy Vovinam vào cuối năm 1976. Bối cảnh lúc đó khiến phong trào Vovinam gần như chìm xuống, nhưng với đam mê bất diệt với môn võ của dân tộc, võ sư Nguyễn Văn Chiếu quyết tâm làm sống dậy phong trào. Nói là làm, năm 1978, võ sư Chiếu là người đầu tiên đưa phòng trào Vovinam ở TP.HCM trở lại.

Mang Vovinam vượt ra ngoài biên giới

Thành công tại quê hương trong những năm 1980 khiến võ sư Nguyễn Văn Chiếu hướng ánh nhìn ra nước ngoài. Ông tổ chức các hoạt động biểu diễn võ thuật ở hơn 20 quốc gia, bắt đầu tại Belarus năm 1990.

Sau chuyến lưu diễn tại Nga vào năm 1990, tên tuổi võ sư Nguyễn Văn Chiếu dần được thế giới biết đến. Một số nước thích thú với môn phái võ thuật của người Việt, nên thường mời các võ sư tên tuổi của Việt Nam đến tham gia biểu diễn. Chuyến đi mở đường để Vovinam chinh phục thế giới là chuyến đi đến Tây Ban Nha của ông vào năm 1997.

Một môn võ của người Việt vốn thấp bé, nhẹ cân lại được mang ra thế giới biểu diễn, giảng dạy khó tránh khỏi những ánh mắt nghi ngờ từ dân bản xứ. Nhớ về những ngày phiêu lưu mang Vovinam ra thế giới, võ sư Chiếu kể: “Những người nước ngoài có người to con, cao đến 2 mét, có nhiều người từ môn võ khác sang học Vovinam. Để làm cho họ nể phục môn võ của mình không hề dễ. Bên cạnh việc dạy lý thuyết mình còn phải cho họ thấy môn võ của mình cũng rất thực dụng. Khi sử dụng đòn với họ mình phải mạnh dạn, phải tìm cách đánh họ té nhào thì họ mới nể. Để đánh họ té, Vovinam đòi hỏi nhiều kỹ thuật bất ngờ, đầy biến ảo.”

Tính đến nay, võ sư Nguyễn Văn Chiếu đã đến hơn 20 nước để truyền dạy Vovinam. Theo võ sư Nguyễn Văn Chiếu, yếu tố thu hút môn sinh nước ngoài đến với Vovinam ngoài vấn đề kĩ chiến thuật còn có tính triết lí ẩn chứa sâu sắc trong môn võ này. Người nước ngoài thích Vovinam vì tính đơn giản nhưng rất logic, đòn thế dễ học mà rất khoa học, bài bản phong phú, tính ứng dụng cao. Nếu Taekwondo mạnh về chân, Karate mạnh về tay thì Vovinam lại là sự tổng hòa của tất cả các yếu tố.

Không chỉ sử dụng các đòn ném, quật, đấm, đá mà Vovinam còn có thể phối hợp khi dùng vũ khí. Chiêu thức đặc trưng của môn võ là đòn khóa bằng chân có thể vô hiệu hóa đối thủ bằng việc kẹp một phần cơ thể, thường thấy nhất là cổ. Đây là chiêu thức có cả sự đẹp mắt và hiệu quả. Tuy sở hữu các chiêu thức đa dạng nhưng Vovinam vẫn đề cao sự điềm tĩnh và ý chí của bản thân. Triết lý của môn võ là đào tạo một công dân tốt cho xã hội, không phải một người chuyên chiến đấu.

Đến nay có khoảng một triệu người theo tập Vovinam tại Việt Nam và hơn nửa triệu người ở 52 quốc gia khác trên thế giới. Người góp công đầu trong việc mang môn võ của dân tộc ra xa hơn không ai khác chính là Võ sư Nguyễn Văn Chiếu. Trên hành trình đến nhiều nơi, ông đã mang môn võ với tinh thần Việt lan tỏa đầy mạnh mẽ. Giờ đây, Vovinam đã có những giải như Vô địch châu Âu, Vô địch thế giới. Đó là một bước tiến lớn trong chặng đường phát triển của mình. Dù là ở quốc gia nào, Vovinam vẫn giữ được lề thói, tinh thần của người Việt. Đó là điều là Võ sư Nguyễn Đình Chiếu cảm thấy vui nhất.

Miệt mài tuổi 70

Những năm cuối đời, Võ sư Nguyễn Văn Chiếu vẫn đảm đương vị trí Chánh chưởng quản Hội đồng võ sư môn phái Vovinam – Việt Võ Đạo. Sức khỏe không còn được tốt nhưng võ sư Chiếu vẫn miệt mài gắn bó và giải quyết mọi công việc liên quan đến Vovinam.

Võ sư tâm niệm: “Tôi đã dành cả cuộc đời cho môn võ này dù nó không mang lại cho tôi sự giàu có. So với những người làm công việc khác thì tôi thậm chí còn nghèo hơn. Tôi làm bởi đam mê và tinh thần võ học của Vovinam. Tôi đã theo học để rồi dạy lại mọi người như trả món ân huệ cho những người thầy của mình. Đây là số phận”.

Năm 2019, Phóng viên VoThuat.vn có dịp trò chuyện cùng võ sư. Nhìn lại hành trình phát triển Vovinam của mình, võ sư không khỏi tự hào. Cả một đời phát triển Vovinam, võ sư vui mừng khi thấy môn võ của dân tộc ngày càng đi lên, nhất là trong học đường. Vovinam đã được đưa vào trường học để đến với nhiều mầm non của đất nước. Hằng năm, Giải vô địch Vovinam học sinh các cấp cũng được tổ chức với rất nhiều VĐV tham gia. Môn võ cũng lan tỏa ra khắp nơi minh chứng cho sức hút vô cùng lớn mà nó mang lại.

Chỉ còn một điều mà ông trăn trở là mở một Học viện Vovinam. Võ sư Chiếu tâm sự: “Giấc mơ của tôi là mở một học viện Vovinam thật lớn cho tất cả mọi người trên thế giới có thể tới theo học và nghiên cứu môn võ này”. Đó là ước mơ còn dang dở của ông nhưng với tâm huyết của mình, ông chắc chắn sẽ quyết tâm làm đến cùng để Vovinam có thể phát triển hơn nữa, bùng nổ hơn nữa.

Dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn cố gắng giải quyết công việc qua email. Võ sư Chiếu vẫn luôn dõi theo từng ngóc ngách, từng chuyển động của phong trào Vovinam trên cả nước. Ông thấy vui vì phong trào ở đâu cũng phát triển và lan tỏa.

Ngày 4/2/2020, sau một thời gian lâm bệnh, võ sư Nguyễn Văn Chiếu đã theo chân Sáng tổ Nguyễn Lộc và Chưởng môn Lê Sáng về miền miên viễn. Với nhiều cống hiến lớn lao cho môn phái, ông đã lưu lại nhiều niềm thương tiếc, sự quý mến của các đồng môn và học trò, trong đó có những môn sinh ở xa xôi như châu Phi, châu Mỹ…

Trước giờ ly biệt, Hội đồng Võ sư Chưởng quản, Liên đoàn Vovinam Thế giới, Liên đoàn Vovinam Việt Nam và toàn thể môn sinh Vovinam Việt Võ Đạo trân trọng tri ân võ sư Nguyễn Văn Chiếu, người đã dành trọn cuộc đời mình để cống hiến cho môn phái, ông đã bền bỉ hoạt động, góp sức cho môn phái tiến bước và phát triển rộng rãi đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ như hiện nay. Môn sinh sẽ noi gương, nêu cao tinh thần đoàn kết và tiếp bước võ sư Nguyễn Văn Chiếu để xây dựng phong trào Vovinam Việt Võ Đạo ngày càng lớn mạnh.

Theo VoThuat.vn

Bài viết mới nhất

Rất nhanh, BLĐ Chelsea có quyết định về việc sa thải Pochettino

Đội bóng của Mikel Arteta đã thể hiện một màn trình diễn vượt trội trước đối thủ London khi hai bàn thắng của Kai...

5 điểm đến tiềm năng của Florian Wirtz nếu rời Leverkusen

Florian Wirtz chắc chắn là một trong những cái tên hot nhất xuất hiện trên thị trường chuyển nhượng hè này sau một mùa...

Dân gian quan niệm: 4 thứ đặt trên nóc tủ lạnh làm tài lộc tiêu tán hết, nhà bạn có không?

Theo quan niệm phong thủy, có 4 thứ không nên để trên nóc tủ lạnh kẻo hao tài tốn của, xem nhà bạn có...

Kế hoạch chuyển nhượng đổ vỡ của Chelsea

Chelsea biến Victor Osimhen trở thành một trong những mục tiêu trong kỳ chuyển nhượng mùa hè, nhưng họ phải đối mặt với sự...

Sự trở lại của Thomas Partey thực sự cần thiết cho Arsenal

Đã một thời gian dài trôi qua, chính xác hơn là 8 tháng 16 ngày, kể từ khi Mikel Arteta xếp bộ ba Martin...