Cương vị mới tại Philippines hoàn toàn trái ngược so với bất kỳ công việc nào chiến lược gia người Thụy Điển từng đảm nhiệm trước đó. HLV Eriksson đã chọn đặt chân đến một đất nước yêu thích cuồng nhiệt bóng rổ nhưng thờ ơ và ít kiến thức về bóng đá, dù đây là môn thể thao vua của toàn thế giới.
Nhưng sau 5 năm “chung sống” và chịu đựng báo chí Anh, bị giới truyền thông săn đuổi và cuộc sống đời tư phơi bày lên khắp trang nhất các mặt báo, Eriksson lại đang được tận hưởng những ngày tháng lặng lẽ ít ồn ào này.
Tận hưởng sự lạnh lùng
Ông chia sẻ với Reuters trước buổi tập luyện thứ 3 của mình với đội tuyển Philippines. “Không ai nhận ra tôi cả, điều đó thật tuyệt vời. Bạn thấy đấy, đây không phải là đất nước của môn bóng đá. Nếu tôi ở Anh, Italy hay nơi nào đó, mọi người sẽ biết tôi là ai”.
Ngoài nhiệm vụ dẫn dắt “Azkals” tranh tài tại AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019, Eriksson còn ấp ủ hy vọng sẽ cải thiện mối quan tâm của người hâm mộ Philippines với bóng đá, trong bối cảnh đội tuyển lần đầu xuất hiện tại cúp châu lục và thủ môn Neil Etheridge trở thành cầu thủ Đông Nam Á đầu tiên thi đấu tại giải Ngoại hạng Anh.
Sau khi cựu hậu vệ người Anh Terry Butcher rời khỏi băng ghế huấn luyện hồi đầu tháng 8 mà không giành được một chiến thắng nào, Eriksson đã đến Philippines với tư cách người kế nhiệm. Theo chiến lược gia 70 tuổi, bầu không khí ảm đạm nơi ĐTQG sẽ là một phần hấp dẫn trong công việc mà ông đã lựa chọn.
Cựu HLV “Tam sư” chia sẻ: “Đây là điều hoàn toàn mới mẻ với tôi. Philippines là một đất nước hơn 100 triệu dân và bóng đá không được hưởng ứng nhiều. Tôi muốn cố gắng làm cho bộ môn này trở nên quan trọng hơn”.
“Tôi nghĩ tại sao mình không cố gắng làm điều gì đó tốt đẹp cùng đội tuyển Philippines? Họ đứng ở vị trí 116 rất thấp trên bảng xếp hạng FIFA. Tôi biết bóng rổ mới là môn thể thao lớn nhất ở đây, nhưng tại sao không thử thay đổi điều đó? Nếu chúng ta thành công, bóng đá sẽ phát triển rất mạnh mẽ”, Eriksson lạc quan cho biết.
Eriksson có nên lạc quan?
Tuy nhiên, theo Malay Mail, việc ông Eriksson cùng đội tuyển Philippines giành chiến thắng có lẽ vẫn sẽ dễ dàng hơn nhiều so với mong muốn cải thiện sự quan tâm của người dân nước này dành cho bóng đá.
Bài viết về lần đầu tiên Eriksson ra mắt nhận nhiệm vụ chỉ xuất hiện ở trang trong các tờ báo ở Philippines, xếp sau những tin bóng rổ ở các trường đại học Mỹ, một cảnh sát chủ trì cuộc thi bắn súng, thậm chí là câu chuyện về một vận động viên thể thao nào đó lo lắng vì có thể không xin được thị thực.
Thái độ hời hợt của người dân Philippines với môn thể thao vua thậm chí còn thể hiện rất rõ qua các phương tiện thông tin đại chúng. Các đài truyền hình cáp phát World Cup xen kẽ những phút nghỉ giữa giờ bằng việc giải thích thuật ngữ bóng đá, trong khi những trận chiến mang tính sống còn của vòng bảng có thể dễ dàng bị thay thế bằng những trận đấu bóng chuyền địa phương.
Philippines tại AFF Cup 2018 được đầu tư rất bài bản về nhân lực. Liên đoàn bóng đá nước này “chịu chơi” khi tuyển mộ một chiến lược gia từng tham dự World Cup. Đội hình của “Azkals” sở hữu nhiều cái tên gốc châu Âu với thể hình vượt trội, từng được học việc tại các lò đào tạo nổi tiếng như Chelsea, Fulham.
Tuy nhiên, chừng ấy cũng khó lòng vực dậy được bộ môn bóng đá tại Philippines. Nếu “Azkals” không thể tạo nên kỳ tích tại AFF Cup, có lẽ quyết tâm phát triển môn thể thao vua tại nơi đây mãi mãi là một viễn cảnh xa vời.