Chương trình ‘Hát mãi ước mơ’ mang đến câu chuyện khó tin về người đàn ông vớt xác trên sông Sài Gòn hơn 40 năm. Câu chuyện của ông Nguyễn Văn Chúc vừa ly kỳ, rờn rợn tóc gáy, vừa đậm tính nhân văn về cái tâm của một con người.
Dành cả cuộc đời để vớt xác trên sông Sài Gòn
Ông Nguyễn Văn Chúc, thường gọi là ông Ba Chúc, tuổi xấp xỉ 60, dáng người gầy, làn da sạm đi vì nắng gió cùng những nếp nhăn hằn đầy trên khuôn mặt khắc khổ. Dù vậy, nụ cười sảng khoái của ông lại sáng bừng, tạo thiện cảm lập tức cho người đối diện. Bên cạnh nghề chài lưới được truyền lại từ người cha, ông Chúc còn tiếp nối việc vớt xác trên sông Sài Gòn, đến nay đã ngót nghét 40 năm.
Ông Nguyễn Văn Chúc
Ông Chúc và vợ
Ngày còn nhỏ, cậu bé Chúc thường được cha gọi theo cả khi chài lưới lẫn khi cần vớt xác vì cậu là đứa nhanh nhảu, dạn dĩ, lại bơi giỏi nhất trong số các anh chị em trong nhà. Cậu bé cảm thấy sợ khi thấy cha mình làm những việc như thế và lắm khi phải giả bệnh để từ chối đi cùng. Tuy nhiên, khi biết được ý nghĩa của việc này và thương cha vất vả, cậu bé Chúc lại không né tránh, quen dần và cứ thế cùng cha rong ruổi trên chiếc ghe nhỏ.
Đến khi trưởng thành, lấy vợ là bà Nguyễn Thị Hinh, hai vợ chồng dọn ra riêng trên một chiếc ghe ở gần cầu Bình Lợi, quận Bình Thạnh. Lần đầu tiên thấy chồng mình vớt xác, bà Hinh phát hoảng vì sợ. Tuy vậy, sau nhiều lần chứng kiến, bà quen dần và không sợ nữa. Càng ngày, bà càng thấy nể chồng vì luôn xả thân vì việc nghĩa, đồng thời ông cũng… gan quá, không sợ hãi gì cả. Hiện tại, bà còn hào hứng khoe từng theo chồng đi vớt xác và hô hấp nhân tạo giỏi hơn “ổng” nữa. Gia đình ông Chúc sinh được 5 người con gái nhưng gia cảnh nghèo, chỉ cho con học được đến cấp 2. Vợ chồng ông buồn lắm vì không lo cho con đến nơi đến chốn, để chúng lại khổ như mình. Giờ đây, những đứa con đều đã lớn và đều làm nhiều công việc chân tay như công nhân, giúp việc… cuộc sống cũng nhiều phần vất vả. Ngày xưa, nước sông còn chưa ô nhiễm nặng như bây giờ, ông Chúc chài lưới cũng đủ rau cháo qua ngày cho cả gia đình. Bây giờ, cá ngày càng hiếm, ông làm thêm nghề “ghe ôm” để kiếm thêm. Ai thuê ông chở ra xà – lan hay phóng sanh, ông đều làm rồi được người ta trả công vài chục nghìn.
Những câu chuyện vớt xác ly kì đến “rợn tóc gáy”
Ông Chúc bồi hồi kể rằng mỗi khi nhận được điện thoại, ông lập tức phóng ghe đi mong cứu được người nhảy cầu tự vẫn. Hành trang đi vớt xác chỉ vỏn vẹn chiếc ghe mộc, một sợi dây thừng, ngoài ra chẳng có gì. Khi thấy được đối tượng, ông nhảy xuống sông, lồng dây thừng vào cổ chân, thít lại rồi giật máy ghe chạy đến nơi có thể đưa họ lên. Nhiều khi, con người ta đối diện cận kề với cái chết bám quá chặt, gỡ không nổi nên ông phải cột dây vào, nổ ghe lướt đi để giữ mạng sống cho bản thân mình. Nếu họ bất tỉnh, ông hô hấp nhân tạo tại chỗ, nếu không có dấu hiệu thở, ông báo công an để đưa vào bệnh viện. Ông còn ngồi lại chờ đến khi có tin tức của họ rồi mới về. Lắm khi, chiếc ghe dở chứng mãi mới nổ máy, không cứu được người để trôi mất, ông về bần thần ăn cơm không nổi, day dứt lắm. Khi thuận lợi, cứu được người lên lắm lúc còn bị “dỗi” vì sao không để họ chết đi khiến ông phải khuyên mãi mới yên.
Đó là những trường hợp cứu được, còn những trường hợp xác đã thối rữa, trương sình cũng khiến ông ám ảnh. Ông Chúc nhớ lại cách đây khoảng chục năm, nghe có xác chết trôi, ông đánh ghe ra ngay và cột dây vào một người phụ nữ kéo đi nhưng bỗng thấy đứa con lòi ra, thì ra hai mẹ con chết cột với nhau. Ông bật khóc tức tưởi vì thương đứa nhỏ không tội tình chi mà bị người lớn buộc chết chung với mình. Mùi tử thi hôi thối đến rợn người cũng chính là nguyên nhân ông không thể bỏ thuốc lá. Nhờ mùi thuốc cay nồng cánh mũi mà ông có thể tiếp cận, đưa xác đã phân hủy vào bờ. Cuộc đời vớt xác cũng lắm chuyện vui, buồn nhưng đôi vợ chồng luôn tâm niệm làm vì cái tâm mà làm nên khó khăn thế nào cũng bình thản vượt qua.
Trải qua 40 năm vớt xác trên sông Sài Gòn, số lượng xác chết trôi ông Chúc vớt được đã lên đến con số vài trăm. Ông cười hiền bảo đây chẳng phải cái nghề, cũng chẳng phải cái nghiệp mà chỉ là cái tâm, thấy khó thì giúp cho đời, cho xã hội. Nhiều người hỏi vui ông là khắc tinh, cướp cơm của hà bá có sợ không nhưng lão ngư này chỉ cười trừ, cứu được thì cứu thôi. Ông cũng tự nghĩ người ta chết rồi thì cũng nên cho họ có cái mồ, cái mả để người thân còn thăm nom, nhang khói. Niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống của vợ chồng ông là thỉnh thoảng lại có người được ông cứu sống tới thăm. Ông nhớ hồi Tết có cô gái mang thai từng được ông vớt lên đã dẫn con đến thăm và tặng chút quà. Hay có một lần, cô ông được chàng trai từng nhảy cầu mời đi Hà Nội chơi để tỏ lòng biết ơn đã cứu giúp. Nhiêu đó thôi cũng đủ làm ông Chúc, cô Hinh ấm lòng và biết điều mình đang làm có ý nghĩa đến dường nào. Để ghi nhận nghĩa cửa cao đẹp của ông, chính quyền địa phương cũng nhiều lần trao tặng bằng khen và hỗ trợ để ông tiếp tục cống hiến cho xã hội.
Mơ ước xa vời là có một căn nhà nhỏ ở tuổi xế chiều
Ở tuổi 60, dù còn khá nhanh nhẹn và bơi rất giỏi nhưng ông Chúc tiết lộ sức khỏe không còn được như xưa. Ông giờ đây biết tự lượng sức mình, tìm cách để cứu người và cũng an toàn cho bản thân vì còn phải lo cho vợ, cho con. Gia đình ông hiện sống với con gái út, mọi sinh hoạt của gia đình đều trên chiếc ghe nhỏ đã mấy chục năm. Nhiều khi, ông chạnh lòng vì cả đời lênh đênh sông nước, vợ bệnh cũng không có được nơi chốn nghỉ ngơi. Thế nhưng, nghĩ đến lúc lên bờ thuê nhà một tháng vài triệu, ông lại thôi vì tiền đâu mà trả. Không thể sống mãi bằng nghề chài lưới, ông “chạy ghe ôm”, nuôi thêm vịt để trang trải. Mơ ước của ông là có một miếng đất nhỏ, cất nhà đơn sơ để gia đình có mái nhà, có nơi đi ra, đi vào mà không sợ nắng, mưa. Khi ấy, nếu còn sức khỏe, ông sẽ đi bán vé số để sinh sống. Mơ ước như thế nhưng ông Chúc biết rằng, nó còn rất xa vời.
Nơi sinh sống của gia đình ông Chúc
Người bạn lâu năm Trần Công Sơn, từng có một cuộc đời sông nước như thế nên đồng cảm với ông Chúc. Ông Công Sơn quyết định tham gia Hát Mãi Ước Mơ để phần nào giúp người bạn đặc biệt này vơi đi phần nào khó khăn trong cuộc sống. Ông thể hiện lần lượt những ca khúc như Cát bụi, Biển, nỗi nhớ và em, Phượng hồng bằng chất giọng cao đầy tình cảm, chinh phục Trấn Thành, Cẩm Ly và khán giả tại trường quay. Kết quả, ông Công Sơn đã đạt giải thưởng cao nhất 50 triệu đồng, dành tặng cho bạn mình. Mặc dù số tiền không lớn nhưng cũng phần nào giúp ông Chúc có số vốn nho nhỏ, cải thiện cuộc sống.
Ông Trần Công Sơn tham gia chương trình ‘Hát mãi ước mơ’ với mong muốn hỗ trợ gia đình ông Chúc
Về phần thưởng 50 triệu, ông Chúc vui mừng cho biết sẽ dành tiền sửa máy ghe, để khi có ai gọi là máy móc sẵn sàng, ứng cứu kịp thời. Còn lại, ông sẽ lo cho vợ đang mắc bệnh tiểu đường và dành dụm một ít. Ông cũng khẳng định sẽ tiếp tục làm công việc đặc biệt này, đến khi không còn sức lực nữa mới thôi. Ông còn một điều băn khoăn là không tìm được người nối nghiệp. Cả 5 đứa con đều là con gái, 4 đứa cháu ngoại cũng là con gái. Duy nhất một đứa cháu trai nên ông thường xuyên đem cháu theo cùng. Tuy nhiên, đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi, việc nó có chấp nhận làm việc vớt xác hay không là điều khó nói.
Quả thực, câu chuyện người đàn ông Nguyễn Văn Chúc vớt xác suốt 40 năm trên sông Sài Gòn thật quá khó tin, như một câu chuyện cổ tích. Câu chuyện đầy phép màu đến từ cái tâm của một người đàn ông không màng hiểm nguy cứu người và xem đó như một việc hiển nhiên phải làm. Cuộc sống rất cần những người như ông Chúc và cũng cần những người như ông Sơn để tình người đầy nhân văn cứ thế lan tỏa, đến mọi ngõ ngách trong cộng đồng.
Theo Hoàng Gia/Xe và Thể Thao