VFF đã có những động thái răn đe các CLB tại V-League, nhằm bảo vệ các trọng tài, khi suốt những vòng đấu vừa qua, nhiều trọng tài đã bị các huấn luyện viên và cầu thủ công kích, thậm chí có trường hợp xô đẩy trọng tài.
[su_dropcap]V[/su_dropcap]iệc bảo vệ trọng tài là việc làm rất đúng và cần thiết, bất kỳ nền bóng đá chuyên nghiệp nào cũng phải làm như thế. Cũng giống như ngoài xã hội việc chống người thi hành công vụ luôn phải được xử lý nghiêm, vì lẽ đơn giản, người bảo vệ pháp luật mà anh không coi ra gì thì chắc chắn anh sẽ không tuân thủ và thi hành luật.
Tuy nhiên, cái gì cũng có nguyên nhân của nó. Đành rằng nhiều đội bóng, từ ông chủ đến huấn luyện viên, cầu thủ, có thói quen chỉ trích trọng tài, xem trọng tài là nguyên nhân chính dẫn tới sự thua thiệt của họ, và sẵn sàng gây áp lực ngay trên sân. Nhưng nó xuất phát từ đâu? Chắc hẳn là từ những tiếng còi “méo”, những trận đấu trọng tài thiên vị đội này đội kia mà ngay cả người xem truyền hình cũng có thể nhận ra được, dù tất nhiên, không có bằng chứng gì. Và cũng còn từ nguyên nhân thiếu kinh nghiệm, chuyên môn yếu của trọng tài nữa. V-League năm nào đã chứng kiến một CLB phản đối quyết liệt, bỏ ra ngoài khi trận đấu vẫn diễn ra, đến cuối cùng trọng tài đành phải “bẻ còi” để làm vừa lòng CLB đó. Trách ai đây? Trách CLB, trách huấn luyện viên thiếu chuyên nghiệp, nhưng cũng cần trách trọng tài yếu tâm lý, thiếu kinh nghiệm và chưa thật bản lĩnh.
Nhìn sang nước láng giềng Thái Lan, những giải bóng đá của họ đều được cho là chuyên nghiệp hơn Việt Nam. Thế nhưng các trọng tài ở đó lại hay đối diện với những vụ tấn công, thậm chí bị đánh đến đổ máu từ các cổ động viên và cả giới xã hội đen, mà nguyên nhân không gì khác ngoài tiếng còi thiên vị của họ.
Mới đây trọng tài Thanom Borikut còn bị Liên đoàn bóng đá châu Á AFC treo còi, và họ còn đề xuất lên FIFA phạt Thanom trên phạm vi toàn thế giới. Điều thú vị là Thanom từng đến ngôi chùa thiêng Emerald ở thủ đô Bangkok đề thề nguyện về tấm lòng “trong sáng” của mình, nhưng có vẻ ông đã không giữ lời thế đó. Lời thề của các trọng tài Thái Lan ở ngôi chùa thiêng, có lẽ cũng như lời hứa của các trọng tài Việt Nam trước người hâm mộ bóng đá nước nhà về những quyết tâm đóng góp, xây dựng nền bóng đá, chi là những lời nói tựa như gió thoảng. Thề, hứa là một chuyện, có làm được hay không lại là chuyện khác. Thế nên ngoài việc cho trọng tài đi “thề”, liên đoàn bóng đá Thái Lan cũng quyết tâm nâng cấp giới trọng tài, kiểm tra nâng cao trình độ chuyên môn, thể lực, để các trọng tài bắt kịp diễn biến trận đấu. Đồng thời xem xét đến khía cạnh đời sống kinh tế của các trọng tài, nhằm tránh để họ rơi vào các vụ hối lộ, hoặc mua chuộc.
VFF, trong bối cảnh hiện tại, cũng nên quan tâm hơn đến vấn đề chuyên môn và đạo đức của các trọng tài, nâng cao được trình độ cũng như thể lực cho họ, vì suy cho cùng, cách bảo vệ trọng tài tốt nhất chính là giúp họ hạn chế được những sai sót ở mức thấp nhất.
(Bạn đọc: Phan Huỳnh Tuấn)
[box type=”shadow”]* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.
Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.
Trân trọng,
Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam[/box]
[related_posts_by_tax format=”list” taxonomies=”post_tag” posts_per_page=”10″]