Từ khi ông Lê Hùng Dũng gặp vấn đề về sức khỏe, người ta đã không còn thấy ông trong các sự kiện lớn của bóng đá nước nhà, thế nhưng dường như VFF vẫn hoạt động một cách bình thường dù không có mặt chủ tịch.
[su_dropcap]Ô[/su_dropcap]ng Lê Hùng Dũng là một doanh nhân thành đạt, một người đam mê bóng đá, những đóng góp của ông cho Liên đoàn bóng đá thành phố Hồ Chí Minh (HFF), hay VFF sau này là rất to lớn và không thể phủ nhận. Kể từ khi ông lên nắm quyền ở VFF, những tuyên bố về đường lối học hỏi và hợp tác với bóng đá Nhật Bản, phương hướng chú trọng cầu thủ trẻ,… của ông đã khiến người hâm mộ bóng đá Việt Nam rất hứng khởi và thêm phần tin tưởng vào tương lai.
Tiếc là vì lý do sức khỏe, ông Lê Hùng Dũng không tiếp tục tham gia vào công cuộc phát triển nền bóng đá nước nhà nữa. Đáng lẽ khi chủ tịch đã lui vào hậu trường như vậy, VFF phải bàn tính đến việc thay thế ông, và bầu người khác lên để tiếp tục gánh vác trọng trách, nhưng điều lạ là đại hội thường niên của Liên đoàn vẫn diễn ra mà không có sự bàn bạc gì về việc thay đổi vị trí lãnh đạo cả. Hoạt động của VFF vẫn bình thường và không thấy ai có ý kiến gì.
Không lẽ một tổ chức như Liên đoàn bóng đá mà vị trí chủ tịch có cũng được, không có cũng được? Dĩ nhiên là không thể như thế, những vị lãnh đạo ở VFF, chủ tịch, phó chủ tịch, những người trong thường trực Ban chấp hành phải cùng nhau thảo luận, thống nhất nêu phương hướng để bóng đá nước nhà phát triển, phải làm chiến lược, đồng thời xây dựng, tổ chức nền bóng đá, và rất nhiều nhiệm vụ khác, trong đó tiếng nói của chủ tịch là rất quan trọng, ảnh hưởng đến quyết định của tổ chức. Chứ nếu như hiện nay, VFF khác gì các cơ quan hành chính, có sự vụ thì ta giải quyết, không có thì… thôi!
Điển hình cho những vụ giải quyết kiểu… hành chính là việc CLB Cà Mau gửi đơn xin bỏ giải hạng Nhất, VFF đồng ý. Thế rồi ông Võ Quốc Thắng, chủ tịch VPF xuống tận Cà Mau, bàn bạc, thảo luận, tháo gỡ vướng mắc khó khăn của các doanh nghiệp địa phương, lãnh đạo đội bóng, và cuối cùng bóng đá Cà Mau được cứu. Giúp một đội bóng không phải bỏ giải, đó là nỗ lực là của VPF, của cá nhân bầu Thắng, chứ không phải của VFF. Đáng lẽ ra trong trường hợp này VFF phải sâu sát với các thành viên của mình, phải tìm hiểu và tìm cách giải quyết các vấn đề của thành viên, nếu không được thì mới tính đến chuyện chấp nhận cho họ bỏ giải, đằng này VFF đồng ý một cách dễ dàng và chỉ tính tới việc đôn đội khác lên đá để hạng Nhất đảm bảo số lượng CLB tham dự.
Liên đoàn bóng đá chịu trách nhiệm về cả một nền bóng đá, đó là trách nhiệm nặng nề chứ không phải công việc làm “cho vui”. Hãy nhìn sang Thái Lan, đội tuyển nữ của họ thua Việt Nam, không được dự vòng loại thứ 3 Olympic, ngay lập tức dư luận chỉ trích liên đoàn bóng đá Thái, bà trưởng đoàn bóng đá nữ quyết định từ chức vì cảm thấy liên đoàn không quan tâm đủ đến bóng đá nữ, trong khi trên thực tế, sự đầu tư của họ hơn đứt Việt Nam.
Hy vọng rằng VFF sớm cho người hâm mộ thấy được những sự cố gắng và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm của một tổ chức lớn đối với sự phát triển của nền bóng đá nước nhà, chứ không phải chỉ đơn thuần là một cơ quan hành chính, còn các vị lãnh đạo thì chỉ để góp mặt tại các sự kiện.
(Bạn đọc: Phan Huỳnh Tuấn)
[box type=”shadow”]* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.
Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.
Trân trọng,
Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam[/box]
[related_posts_by_tax format=”list” taxonomies=”post_tag” posts_per_page=”10″]