Kể từ ngày 6/1 năm nay, các chủ xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sẽ phải trang bị bình chữa cháy trên xe. Liệu quy định này có thực sự mang lại an toàn cho xe lưu thông hơn hay không khi nhiều chủ xe lo ngại, bình chữa cháy có thể gây nổ ô tô.
Phần lớn các quốc gia trên thế giới không yêu cầu trang bị bình cứu hỏa trên ôtô. Một số nước như Anh, Thụy Điển, Đan Mạch, Nauy chỉ khuyến cáo mỗi xe ôtô nên có ít nhất một bình chữa cháy, nhưng không bắt buộc với xe cá nhân. Ở Anh, bình cứu hỏa của họ được chế tạo với nhiệt độ tiêu chuẩn từ -40 độ C đến 120 độ C, có ghi rất rõ giới hạn này ở ngoài vỏ bình. Nhà sản xuất cũng giải thích rằng, tiêu chuẩn thử nghiệm dây chuyền của bình cứu hỏa phải chịu được nhiệt độ lên đến 175 độ C, vỏ bình phải chịu được áp suất gấp ba lần so với quy định. Nhưng riêng Việt Nam, thì trang bị bình chữa cháy trên ô tô lại là việc bắt buộc.
Theo quy định trong Thông tư 57 hướng dẫn của Bộ Công an, có hiệu lực kể từ ngày 6/1/2015, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 4 chỗ ngồi trở lên, xe rơmoóc hoặc sơmi rơmoóc chở khách được kéo bởi xe ôtô, máy kéo; xe vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ nằm trong danh mục bắt buộc phải trang bị phương tiện PCCC.
Căn cứ theo danh mục thiết bị PCCC, ôtô từ 4 chỗ trở lên phải được trang bị một bình bột loại dưới 4kg hoặc bình bọt loại dưới 5 lít hoặc bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5 lít, bình khí CO2 loại dưới 4kg.
Và Ô tô không trang bị phương tiện PCCC sẽ bị xử lý như thế nào? Việc xử lý sẽ căn cứ vào Nghị định 167/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, PCCC. Cụ thể, phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi như, trang bị phương tiện PCCC không đầy đủ hoặc không đồng bộ, không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho phương tiện giao thông cơ giới theo quy định. Bắt đầu từ ngày 6/1, thông tư này đã chính thức có hiệu lực. Tại nhiều nơi, cảnh sát giao thông đã được phép dừng để xử lý những ô tô sai phạm khi không lắp bình cứu hỏa.
Theo Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó cục trưởng Cục cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), cảnh sát PCCC được phép phối hợp với cảnh sát giao thông dừng ôtô để kiểm tra, xử lý nếu phương tiện không lắp bình cứu hỏa.
Tuy nhiên, vấn đề cần phải có bình cứu hỏa hay không đang tạo nên một cuộc tranh cãi với nhiều luồng ý kiến trái chiều. Trong khi một số người cho rằng cần phải trang bị phương tiện PCCC để đảm bảo an toàn khi ô tô xảy ra sự cố thì đa số không đồng tình vì một số bất cập mà nó mang lại.
Số đông không đồng tình
Theo Bác sĩ Trần Văn Phúc, Cháy xe có nhiều nguyên nhân, nhưng phổ biến nhất vẫn là động cơ, liên quan đến cháy nhiên liệu và chập điện. Để hạn chế tối đa rủi ro, các chuyên gia ôtô luôn khuyên các tài xế giữ bình chữa cháy trong xe như một biện pháp phòng cháy an toàn.
“Tôi cho rằng, quy định bắt buộc trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cũng xuất phát từ mối lo ngại đó. Tuy nhiên, các tài liệu phòng cháy chữa cháy lại khiến tôi băn khoăn. Ví dụ, bình chữa cháy bọt khí CO2 được khuyên: “Đặt ở nơi khô ráo, thoáng gió, tránh những nơi có ánh nắng và bức xạ nhiệt mạnh, nhiệt độ cao nhất là 50 độ C”. Thực tế trong điều kiện nước ta, xe ôtô đa số để ngoài trời, mùa hè nhiệt độ trong xe có thể lên tới 70 – 80 độ C, thì bình chữa cháy CO2 có đặc điểm khí nén áp suất cao liệu có trở thành quả bom phát nổ?”
Theo Ông Yoshihisa Maruta – Tổng Giám Đốc Toyota Việt Nam đã nhận xét rằng trên cả thế giới chỉ Việt Nam là đặc thù quy định phải có bình chữa cháy trên ôtô.
Trong phần trao đổi với báo chí trong lễ ra mắt xe mới là Lexus RX 2016 tại Hà Nội hôm qua, Tổng Giám Đốc TMV – ông Yoshihisa Maruta bất ngờ nhận được câu hỏi liên quan đến Thông tư 57 bắt buộc ôtô từ 4 chỗ trở lên phải trang bị bình cứu hỏa. “Trên cả thế giới, tôi chỉ thấy bắt buộc trang bị bình cứu hoả trong xe ôtô là một quy định đặc thù của Việt Nam,” ông Maruta đưa ra nhận xét. Đồng thời ông cũng cho biết VAMA đang tiến hành nghiên cứu về Thông tư này và khi có đủ điều kiện sẽ có những ý kiến gửi cơ quan chức năng.
Khi gõ cụm từ “bình chữa cháy trên ô tô” tìm kiếm trên Google, trong thời gian 0,45 giây, ta có được khoảng 1.420.000 kết quả.
Sở dĩ, vấn đề trên nhận được sự quan tâm sâu sắc của dư luận, bởi nó tác động trực tiếp đến cuộc sống bình thường của hàng triệu người đang sở hữu ô tô. Họ sẽ phải thực hiện nghĩa vụ bắt buộc “trang bị bình chữa cháy”, nếu không tới đây sẽ bị xử phạt. Đối với chủ xe ô tô, việc bỏ ra vài trăm ngàn đồng để trang bị một bình chữa cháy không phải là vấn đề lớn. Song, việc mua bình chữa cháy loại nào khi mà thị trường đang nhiễu loạn, chất lượng ra sao, đặt ở vị trí nào trên xe cho dễ thao tác, cho chắc chắn, nhất là đối với các gia đình có con nhỏ đi cùng xe… là những câu hỏi khiến nhiều người phân tâm, lo lắng.
Không thể không phân tâm, bởi nhiều chuyên gia hàng đầu về ô tô cho rằng: mang bình chữa cháy trong xe loại nhỏ có thể tiềm ẩn thêm nguy cơ cháy nổ. Muốn lắp đặt bình chữa cháy thì phải thay đổi thiết kế xe. Mua bình chữa cháy để dưới gầm ghế, vào hộc cửa xe sẽ rất nguy hiểm, vì khi xe chạy xảy ra rung lắc, va đập có thể dẫn đến nguy cơ nổ bình, nếu bình chữa cháy lăn ra ngoài, chèn vào chân phanh sẽ dẫn đến tai nạn tức thì. Một số nhà khoa học phân tích, với xe dưới 9 chỗ ngồi, nơi phát hỏa thường xảy ra ở động cơ nằm phía trước xe. Khi đã cháy thì rất khó dập tắt vì động cơ và bình xăng được thiết kế khép kín…
Thực tế hiện nay trên thế giới mới chỉ có 14 quốc gia có quy định tương tự như ở Việt Nam. Ở khu vực Châu Á chưa có nước nào quy định, ngoại trừ Chính phủ Ấn Độ “đang đề xuất”. Ngay ở các nước châu Âu như Anh, Đức, Ý, Pháp… người sở hữu xe hơi cá nhân không cần có bình cứu hỏa trên xe, chỉ có taxi và phương tiện vận tải cỡ lớn mới có quy định trang bị bình cứu hỏa. Ở Canada, xe thương mại có trọng lượng từ 2.500kg mới phải gắn một bình cứu hỏa. Ở Mỹ cũng chỉ có xe tải, xe buýt mới phải trang bị bình cứu hỏa…
Nên ưu tiên PCCC trong các trường hợp khác
Người dân cho rằng, cái đáng lo ngại nhất hiện nay là công tác phòng cháy, chữa cháy ở các chợ, chung cư, khu dân cư đông đúc ở các đô thị, trường học, bệnh viện, các hầm mỏ, công trường… Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cần làm tốt công tác quản lý nhà nước ở những lĩnh vực, địa bàn này. Bởi, cháy ở những nơi này thiệt hại là vô cùng lớn về người và tài sản. Chỉ tính 9 tháng của năm 2015, cả nước xảy ra 2.240 vụ cháy, làm chết 50 người, bị thương hơn 200 người, gây thiệt hại về tài sản trên 1.300 tỷ đồng.
Thiệt hại vô cùng lớn nêu trên đã khiến cho lực lượng Cảnh sát PCCC hết sức vất vả, nay lại “căng sức” ra kiểm tra hàng triệu xe ô tô có trang bị bình chữa cháy hay không để rồi xử phạt, là vấn đề cần tính toán lại nhiệm vụ “ưu tiên”. Nói cách khác, việc kiểm tra xử phạt tài xế không trang bị bình chữa cháy sẽ tốn thêm nhân lực mà hiệu quả xã hội không cao.
Bình chữa cháy trên xe có thể thành ‘bom’
Gần đây nhất là vụ nội thất xe BMW tự dưng tan nát do bình chữa cháy tự phát nổ, đây là 1 ví dụ điển hình cho việc rước “bom” lên xe. Nguyên nhân vẫn đang điều tra, có người bảo do chất lượng bình chữa cháy “zỏm”, có người kêu nhiệu độ trong xe vượt quá mức cho phép….
Vẫn là câu hỏi quen thuộc: Kể từ ngày 6/1 năm nay, các chủ xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sẽ phải trang bị bình chữa cháy trên xe. Liệu quy định này có thực sự mang lại an toàn cho xe lưu thông hơn hay không khi nhiều chủ xe lo ngại, bình chữa cháy có thể gây nổ ô tô.
Nói về quy định bắt buộc các xe con dưới 9 chỗ cũng phải mang theo bình chữa cháy của Bộ công an, thạc sĩ Nguyễn Minh Đồng, nguyên là chuyên gia thiết kế máy ô tô của hãng xe Volkswagen- Đức; Giám đốc Công ty tư vấn công nghệ ô tô Đức- Việt tại Tp HCM cho hay: hoàn toàn phản đối và không đồng ý về vấn đề khoa học và an toàn cho người sử dụng ô tô.
Tất cả các xe ô tô ở trên thế giới trước khi được sản xuất và bán ra thị trường luôn phải kiểm định rất ngặt nghèo trong công tác phòng cháy. Tức là ngay cả khi tông vào một bức tường hay bị tông trước hoặc sau bởi một phương tiện khác với tốc độ cao khoảng 60km/h cũng không được bốc cháy. Ngay cả bình xăng cũng không được bể và khi có tai nạn thì ô tô sẽ có một hệ thống tự động ngắt bơm nhiên liệu, để xe không thể bốc cháy được.
Chúng ta đã thấy nhiều vụ tai nạn liên hoàn nhưng không thấy xe nào cháy cả. Vấn đề để một bình chữa lửa bên trong xe là cực kỳ nguy hiểm. Trong khi tai nạn xảy ra, bình chữa cháy này có thể là một vũ khí và có thể làm chết người ngồi phía trong.
Ở Việt Nam, do đặc thù thời tiết của nước nhiệt đới nên nhiệt độ mùa nắng nóng bên ngoài có thể lên tới 40-43 độ C và nhiệt độ trong xe có thể tới 70-80 độ C. Thứ nhất, nó là hết sức nguy hiểm cho tài xế và những người ngồi trong xe và thậm chí, còn nguy hiểm hơn rất nhiều về vấn đề cháy xe. Tại vì, những xe hiện đại thì vấn đề phòng cháy chữa cháy đã được quan tâm tới từ khi thiết kế.
Còn vấn đề bình chữa lửa ở ở Việt Nam hay các nước trên thế giới thì chưa có bình chữa cháy nào chịu được nhiệt độ cao tới 80-100 độ C. Do đó, nó hết sức nguy hiểm cho người tài xế, mức độ cao gấp nhiều lần so với việc không mang bình phòng cháy chữa cháy.
CŨNG CÓ NGƯỜI ỦNG HỘ
Trước tình trạng ô tô, xe máy đang đi trên đường… bỗng dưng bốc cháy, việc tìm giải pháp để hạn chế, ứng phó với tình huống nguy hiểm này là vô cùng cần thiết. Chỉ tính riêng trong năm 2015 đã có 123 vụ cháy ô tô. Nguy cơ xảy ra tình trạng tương tự với hơn 2,6 triệu ô tô trên cả nước là rất lớn.
Trong hầu hết các trường hợp trên, chủ phương tiện tham gia giao thông đều không trang bị bất kỳ dụng cụ PCCC nào, vì thế khi xảy ra sự cố sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng và thiệt hại về tài sản không đáng có.
“Thông tư trên quy định, phương tiện PCCC trang bị trên xe được bố trí tại nơi dễ thấy, dễ lấy để sử dụng khi chữa cháy nhưng không ảnh hưởng tới thao tác, tầm nhìn của người lái, an toàn của người đi trên xe. Thế nên mọi người cố gắng mua lấy một bình mini, để khi có nguy hiểm hay cháy nổ gì thì còn có thể sử dụng ngay được chứ”, một cư dân mạng bình luận.
“Bao nhiêu vụ cháy nổ đã xảy ra, nhưng lúc đó đều không có bất kì phương tiện nào dập lửa, đang đi trên đường thì không có nước. Thế nên tài xế chỉ biết ngậm ngùi và bất lực đứng nhìn ô tô của mình cháy. Chưa kể đến trường hợp chính bản thân cũng bị mắc kẹt trong ô tô luôn mà không biết làm sao. Nếu giờ có bình cứu hỏa, chí ít sẽ có dụng cụ hỗ trợ khi xảy ra cháy nổ, giảm thiểu thiệt hại cả về người và tài sản”, một người khác cho hay.
Tổng hợp