Vào lúc 4 giờ sáng nay (18/11), tâm bão đã ở trên vùng biển phía đông của khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất gần tâm bão đạt cấp 11-12 (103-133 km/h), giật cấp 15. Trong những giờ qua, bão di chuyển rất nhanh theo hướng tây bắc, với tốc độ khoảng 25 km/h mỗi giờ.
Hiện nay, các dự báo từ các đài khí tượng lớn trên thế giới và Việt Nam đều có sự tương đồng cao về đường đi của bão Manyi. Tuy nhiên, diễn biến của bão còn phụ thuộc vào sự tương tác với khối không khí lạnh, do đó vẫn có thể thay đổi và khó lường.
Theo nhận định hiện tại, khi bão vào Biển Đông, sẽ tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng tây tây bắc. Tuy nhiên, vào khoảng ngày 20/11, do tác động của không khí lạnh, bão có thể chuyển hướng tây tây nam, đi chậm lại và tiến về vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ, đồng thời suy yếu dần.
Dự báo đến khoảng 4 giờ sáng ngày 20/11, tâm bão sẽ nằm trên khu vực phía tây Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 210 km về phía tây bắc, với cường độ giảm xuống còn cấp 8, giật cấp 10.
Trong ngày và đêm 20/11, bão Manyi di chuyển chủ yếu theo hướng tây nam, tương tác với không khí lạnh và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó biến thành vùng áp thấp trên khu vực biển Trung Trung Bộ của nước ta.
Mặc dù suy yếu khi gần bờ, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, vùng áp thấp ven biển Trung Trung Bộ (suy yếu từ bão Manyi) kết hợp với không khí lạnh sẽ gây mưa lớn kéo dài tại các tỉnh miền Trung, có khả năng gây ngập úng cục bộ.
Do ảnh hưởng của bão Manyi, vùng biển phía đông Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8-9, khu vực gần tâm bão có gió cấp 10-12, giật cấp 15, sóng biển cao từ 3-5m, vùng gần tâm bão có sóng cao 5-7m, biển động dữ dội. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm này có thể chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh và sóng lớn.
Bão Manyi hình thành từ một áp thấp ngoài khơi Philippines, mạnh lên thành bão và nhanh chóng tăng cấp. Khi áp sát đảo Luzon của Philippines, bão đạt cấp 16, giật trên cấp 17, trở thành siêu bão tiếp theo trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương trong năm nay.
Hằng