Giấc mơ Tiki-Taka có lẽ vẫn chỉ là ảo vọng, nếu bộ mặt của V-League hiện tại không có gì thay đổi so với 5, hay thậm chí là 10 năm trước đây.
[dropcap]T[/dropcap]rên mạng xã hội, có một độc giả nào đó nói rằng, Hải Phòng đang nắm ngôi đầu V-League với sơ đồ 8-0-2 .Kiểu như là 8 ông cầu thủ nội ở phần sân nhà, và khoán trắng cho hai “ông Tây” phía trên. Một lối đá vô cùng đơn giản (có thể nói là tiến hóa ngược trong dòng chảy hiện tại của bóng đá thế giới) nhưng lại đang làm cỏ cả V-League.
Tất nhiên đó chỉ là cách nói có phần hơi cường điệu và cực đoan thái quá (hoặc là cố tình mang tính châm biếm). CLB thành phố Hoa phượng đỏ vẫn là một đội bóng, một tập thể với lối chơi khó chịu và thực dụng tới mức tối đa, và sẽ là không công bằng khi đánh giá thấp những gì thầy trò HLV Trương Việt Hoàng đang làm được cho tới lúc này. Họ đã ghi tới 13 bàn, và chỉ để thủng lưới có 2 bàn sau 5 trận toàn thắng, một hiệu suất rất khủng.
Nhưng vấn đề ở đây là, ở V-League không chỉ có mỗi Hải Phòng. Mà còn là SHB Đà Nẵng, FLC Thanh Hóa hay XSKT Cần Thơ. Đó là 4 cái tên đang vững vàng trên các vị trí đầu tiên của BXH V-League sau 5 vòng đấu. Và đều được tạo nên bởi công thức chung: bóng dài + tiền đạo ngoại chơi theo kiểu “yếu trâu hơn khỏe bò”.
Hải Phòng có bộ đôi Fagan-Stevens. SHB Đà Nẵng có Gaston Merlo, người mà đỉnh cao đã tưởng như thuộc về nhiều năm trước. FLC Thanh Hóa với Omar hay Ivan. Và một ngạc nhiên khác, là Cần Thơ. CLB vừa ngấp nghé trụ hạng mùa trước đang gây ngỡ ngàng cho cả V-League với vị trí thứ 4. Và họ vừa hủy diệt Đồng Tháp bằng bộ ba Hoàng Max, Patiyo và Oseni.
Trải dài hơn, trong trận SLNA – Sài Gòn FC chúng ta có người hùng Odat, tội đồ Andrew. Lại là 2 cái tên ngoại quyết định trận đấu. Ở Hàng Đẫy, mọi chuyện cũng không có gì khá khẩm hơn khi một mình Nsi solo từ gần giữa sân rồi sút tung lưới Hà Nội T&T. Cách đó vài chục cây số, Fagan và Stevens khiến các trung vệ nội hoa mắt chóng mặt đuổi theo những bước chạy đến từ Jamaica.
Tiki-taka (cụm từ từng được một nhà báo của Tây Ban Nha đặt tên cho lối chơi của ĐTQG nước này, mô phỏng theo tiếng đồng hồ kêu tích tắc) là một lối chơi mang tính đặc thù, đòi hỏi sự đồng bộ rất lớn từ lối chơi của các CLB ở giải VĐQG, ở các tuyến trẻ.
Tham vọng của Hữu Thắng và VFF là tạo ra một lối chơi “phù hợp với thể trạng người Việt”.Nhưng thế nào là phù hợp? Phù hợp trong bối cảnh V-League bị thống trị bởi những CLB chơi bóng dài và phụ thuộc vào tiền đạo da màu. Hay phù hợp trong bối cảnh những cầu thủ nội thua thiệt trong hầu hết trong những pha tranh chấp cơ bản trên sân bóng?
[related_posts_by_tax format=”list” taxonomies=”post_tag” posts_per_page=”10″]