Theo các chuyên gia, khi dùng tay miết miếng thịt, nếu thấy có màu đỏ dính ra tay thì chắc chắn đó là thịt bò giả.
Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thịt bò giả, trong đó có thịt lợn (heo) giả thịt bò. Bằng nhiều cách khác nhau, người bán đã hô biến thịt lợn thành thịt bò nhằm tăng giá thành sản phẩm. Không ít người dân hoang mang không thể phân biệt đâu là thịt bò thật, đâu là thịt bò giả.
Theo kinh nghiệm của các đầu bếp, thông tin trên Lao Động, khi mua thịt bò, cách tốt nhất cho các bà nội trợ là nhờ người bán thái hộ luôn, nếu là thịt lợn giả thịt bò, phần giữa miếng sẽ có màu trắng vì khi ngâm tiết bò sẽ không thể ngấm thấu vào cả miếng thịt bò. Còn nếu bò thật ngoài có sự đàn hồi, khi thái miếng thịt nhìn từ ngoài vào trong sẽ chỉ có 1 màu.
Theo VTC, bạn có thể nhận ra miếng thịt bò mình mua là thật hay giả qua việc kiểm tra các yếu tố dưới đây.
Màu sắc và hình dạng: Thịt bò thật màu đỏ au, tươi hồng, thịt bò giả thường được tưới huyết bò lên để tạo màu. Một số người bán hàng vô lương tâm còn dùng các loại phẩm màu không rõ nguồn gốc để tạo màu như thịt bò thật.
Dùng tay miết miếng thịt, nếu thấy có màu đỏ dính ra tay thì chắc chắn đó là thịt bò giả. Muốn chắc chắn hơn nữa, bạn có thể rửa miếng thịt đó ngay tại nơi bán, sẽ thấy miếng “thịt bò” nhạt màu dần.
Ngoài ra, bạn có thể yêu cầu người bán cắt miếng thịt ra và quan sát mặt cắt. Thịt bò giả sẽ có sự khác biệt tương đối lớn về màu sắc bề ngoài miếng thịt và mặt cắt do công nghệ nhuộm rẻ tiền không thể “biến hóa” được cả miếng thịt.
Nhiều người bán hàng còn trộn lẫn thịt bò thật và giả với nhau để lừa người mua. Cách phân biệt thịt bò thật và thịt bò giả hiệu quả là để ý thớ thịt. Thịt bò thật thớ nhỏ, dài, màu đỏ tươi, phần mỡ và bì có màu vàng nhạt. Trong khi đó, thớ thịt lợn to và ngắn, bì và mỡ có màu trắng.
Mùi vị: Kiểm tra mùi vị là một cách phân biệt thịt bò thật và thịt bò giả hữu hiệu. Có rất nhiều cách để tạo ra mùi thịt bò cho thịt không phải bò. Các cơ quan chức năng từng phát hiện mánh khóe dùng mỡ bò rán lấy nước mỡ thoa một lượt quanh miếng thịt lợn, thịt trâu chết để tạo mùi bò.
Tuy nhiên, thịt bò thật có mùi hôi rất đặc trưng của bò. “Đồ giả” không thể có được hương vị như thịt bò thật. Dù đã tưới mỡ bò lên nhưng sau khi vận chuyển nhiều và để phơi ra nhiều giờ dưới thời tiết ẩm như của Việt Nam, chắc chắn mùi này sẽ bị bay đi hoặc “biến tấu” ít nhiều.
Độ cứng: Ấn nhẹ vào miếng thịt bò khi chọn mua, miếng thịt bò thật sẽ dẻo, ít đàn hồi, cảm giác thịt dính theo tay. Nếu là thịt lợn giả thịt bò thì ấn vào sẽ thấy mềm bở, thịt không dính theo tay.
Cảm nhận khi chế biến: Tất nhiên là chẳng ai mong muốn tới tận khi nấu mới phát hiện miếng thịt bò mình phải trả hàng trăm nghìn đồng mua về đãi cả nhà hóa ra lại là thịt lợn sề hay trâu chết. Nhưng muộn còn hơn không, ít ra thì bạn cũng biết để tránh cửa hàng bán thịt bò giả trong lần sau.
Thịt bò thật sau khi chế biến vẫn giữ nguyên màu hồng sậm, vị ngọt đặc trưng. Trong khi đó, thịt lợn, thịt trâu nhuộm hóa chất giả bò sẽ bị nhạt bớt, chuyển qua màu hồng lợt hoặc trắng. Màu sắc này có thể nhìn rõ nhất khi thịt được chần lâu trong nước sôi.
Bên cạnh đó, thịt lợn sề sau khi chế biến sẽ bở, tơi hơn thịt bò. Nếu bạn không may gặp phải thịt làm giả từ con lợn hay trâu đã chết khá lâu thì miếng thịt còn có mùi tanh rất khó chịu.
Ngoài ra, có một cách phân biệt thịt bò thật và thịt bò giả rất hiệu quả, đó là mua hàng ở các cửa hàng, siêu thị uy tín.
Lưu ý khi sử dụng thịt bò
Theo các chuyên gia, không nên sử dụng thịt bò quá thường xuyên trong bữa ăn hàng ngày. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế thì tùy chế độ ăn của mỗi người mà có lượng ăn phù hợp, tuy nhiên không ăn quá 500 g thịt đỏ đã nấu chín mỗi tuần.
Bên cạnh đó, khi chế biến thịt bò cần nấu chín kỹ thịt để đề phòng ký sinh trùng hoặc sán thâm nhập cơ thể. Hơn nữa, trong nội tạng của bò có chứa lượng cholesterol cao và nguy cơ nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng như giun sán, độc chất, bạn nên cẩn trọng khi sử dụng.
Uống nước chè sau khi ăn là thói quen của nhiều người. Tuy nhiên, trong các loại chè có nhiều axit tanin, khi kết hợp với protein của thịt (đặc biệt là thịt bò) sẽ ngăn cản hấp thu hầu hết vi khoáng như sắt, kẽm, đồng… còn làm se niêm mạc ruột, giảm nhu động ruột khiến ruột tích tụ nhiều chất có hại, dễ bị táo bón. Trong trường hợp muốn uống nước chè thì chỉ nên uống sau khi ăn ít nhất 2 giờ.
Thịt bò là thực phẩm vô cùng bổ dưỡng đối với nhiều người. Tuy nhiên, với một số người bệnh, cần chú ý khi sử dụng thịt bò, vì rất có thể thịt bò sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh.