VAR
VAR (Video assistant referee – Hệ thống ghi hình hỗ trợ trọng tài) đã được thử nghiệm rộng rãi trong nhiều năm trở lại đây, và kết quả mà nó mang lại vẫn đang vấp phải rất nhiều tranh cãi. Đúng như tên gọi, VAR thực sự đã hỗ trợ rất nhiều cho các trọng tài trong việc xử lý các tình huống một cách chuẩn xác hơn. Tuy nhiên bên cạnh đó, VAR lại đang được cho là nguyên nhân ‘giết chết’ cảm xúc trong các trận đấu.
Cụ thể khi các trọng tài sử dụng VAR, trận đấu sẽ buộc phải dừng lại trong vài phút để xem xét và đánh giá lại tình huống. Hãy tưởng tượng khi một cầu thủ vừa đưa bóng vào lưới đối thủ, thay vì được chạy đi ăn mừng cùng các CĐV, thì lúc này họ sẽ phải tập trung toàn bộ thời gian để hướng mắt và chờ đợi những tín hiệu từ các trọng tài. Nếu chẳng còn những khoảnh khắc thăng hoa bùng nổ đó, liệu bóng đá có còn là bóng đá.
Chính vì điều này nên khi FIFA xác nhận VAR, một công nghệ vẫn còn chưa được đón nhận rộng rãi, sẽ được sử dụng tại World Cup 2018 lần này, ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh phải 4 năm mới được tổ chức một lần, thật khó có thể tránh khỏi những phản đối.
Bóng thông minh
Đến với World Cup 2018, Adidas cũng đã trình làng quả bóng mới mang tên Teslar. Ngoài việc hỗ trợ các cầu thủ điều khiển và xử lý bóng tốt hơn, bên trong Teslar cũng tồn tại một thiết bị mà trước đến chưa quả bóng nào có, đó là chip NFC – công nghệ truyền tín hiệu không dây giữa hai thiết bị đặt gần nhau. Với công nghệ này, toàn bộ thông tin về các tình huống trên sân từ quãng đường di chuyển của cầu thủ, số lần chạm bóng,… đều sẽ được ghi lại một cách chính xác nhất để phục vụ cho công tác chuẩn bị của các nhà cầm quân.
Chất xịt tan
Đây là một dụng cụ được dùng vẽ vạch giới hạn vị trí của cầu thủ trong các tình huống đá phạt, lập hàng rào và mất màu ngay sau khi tình huống được thực hiện xong. Khác với VAR, chất xịt tan giờ đây đã được giới mộ điệu đón nhận, thậm chí chính món ‘vũ khí’ mới của các trọng tài này thỉnh thoảng cũng đã tạo ra rất nhiều khoảnh khắc hài hước mang lại tiếng cười cho người hâm mộ.
Quãng đường di chuyển kỷ lục
Nga là một trong những quốc gia có lãnh thổ rộng nhất trên thế giới và trải dài trên cả châu Âu lẫn châu Á, do đó không khó hiểu khi đây sẽ là kỳ World Cup có quãng đường di chuyển dài nhất trong lịch sử. Để dễ hình dung, hãy lấy ví dụ về khoảng cách từ sân Central đến sân Kaliningrad là khoảng 2.500km, tương đương với quãng đường từ London (Anh) tới Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Theo ước tính trong giai đoạn 3 trận vòng bảng, Ai Cập là đội tuyển bị ‘hành xác’ nhiều nhất trong việc thi đấu với tổng quãng đường di chuyển lên tới 9.137km. Xếp ngay sau Ai Cập trong danh sách những đội tuyển có quãng đường di chuyển nhiều nhất tại vòng bảng World Cup 2018 lần lượt là Nigeria (8.986km), Saudi Arabia (7.465km) và Brazil (7.433km).
Giải đấu tốn kém nhất trong lịch sử
Giải đấu tại Nga lần này là kỳ World Cup tốn kém nhất trong lịch sử, khi tổng mức chi phí tổ chức sự kiện này đã lên tới 14 tỷ USD (chưa bao gồm chi phí xây sân vận động), con số này cũng đã vượt 30% so với khoản chi phí tổ chức kỳ World Cup tại Brazil cách đây 4 năm.
Song song đó, World Cup 2018 cũng sẽ tiếp tục chứng kiến những khoản tiền thưởng kỷ lục cho các đội bóng tham dự với 400 triệu USD, vượt xa mức 358 triệu USD ở World Cup 2014. Trong đó, đội vô địch sẽ nhận được tổng cộng 38 triệu USD, và vị trí á quân, 3, 4 sẽ lần lượt nhận mức 28, 24 và 22 triệu USD.