Trong trận giao hữu giữa đội tuyển Pháp và Italy mới đây, tiền vệ Florian Thauvin bị chính các cổ động viên Pháp la ó, dù đá không hề tệ. Lên mạng xã hội tìm lời giải thích cho những tiếng la ó khó hiểu này mới biết, Thauvin bị người hâm mộ của Nice la ó chỉ vì thi đấu cho Marseille.
Tại giải vô địch quốc gia Pháp, Marseille và Nice ghét nhau. Chuyện quá đỗi bình thường trong bóng đá. Nhưng ngay cả khi Thauvin khoác trên mình màu áo của đội tuyển quốc gia, fan Nice vẫn lấy thâm thù cá nhân để đối đãi với cầu thủ này.
Chuyện của Thauvin một lần nữa làm rõ hơn khái niệm “đồng sàng dị mộng”, tồn tại ở những góc khuất trong nhiều đội tuyển quốc gia. Và cứ mỗi dịp World Cup, người hâm mộ lại có cơ hội kiểm chứng.
Mới đây, tiền vệ Radja Nainggolan của huấn luyện viên trưởng đội tuyển Bỉ, ông Roberto Martinez loại khỏi danh sách triệu tập tuyển Bỉ, dù đạt phong độ rất cao ở Serie A. Như muốn trêu tức Nainggolan, HLV Martinez lại điền tên một số cầu thủ đã dạt sang tận Trung Quốc chơi bóng như Witsel hay Carrasco.
Lý do Nainggolan bị loại rất phi chuyên môn. Anh có lần đi tập muộn 37 giây và bị ông thầy Martinez mắng. Nainggolan “bật” lại, HLV Martinez càng cáu hơn, dẫn tới mâu thuẫn. Chuyện khó tin như vậy cũng có thể xảy ra tại giải đấu số một thế giới như World Cup.
Đó là chuyện giữa thầy và trò, giữa người đi World Cup và người ở lại. “Đồng sàng dị mộng” được tô rõ hơn khi chúng ta có cơ hội đi sâu vào nội bộ của những đội tuyển lớn. Tây Ban Nha là ví dụ. Ở Tây Ban Nha, xứ Basque và xứ Catalan không ưa gì nhau và càng không ưa thành Madrid.
Vậy nên nếu có dịp bước vào phòng ăn tập thể của “La Roja”, đừng ngạc nhiên khi thấy nhóm Barca ngồi một góc, nhóm Real chiếm một góc, Bilbao cũng có không gian cho riêng mình.
Câu chuyện sau đây của đội tuyển Tây Ban Nha sẽ khắc họa rõ nét hơn: tháng 03/2017, Tây Ban Nha gặp Pháp. Hôm đó, Pháp bị trọng tài từ chối bàn thắng vì lỗi việt vị. Sau trận, chưa cần chờ các cầu thủ Pháp đả động tới việc mất oan bàn thắng, trung vệ Gerard Pique đã tìm tới báo chí và nói: “Nếu Pháp mặc áo trắng, có lẽ họ đã được hưởng penalty.”
Câu nói của Pique có nghĩa gì? Theo Sergio Ramos, anh bạn đang khoác áo Barcelona muốn ám chỉ Real Madrid thường xuyên được các trọng tài bênh vực ở La Liga. Theo một số tuyển thủ Tây Ban Nha, Pique và Ramos sau đó xích mích, thậm chí từ chối đứng chung một khuôn ảnh khi cả đội chụp.
Đã rõ như ban ngày. Đừng nghĩ rằng khi khoác chung trên mình lá cờ tổ quốc, các cầu thủ – những người lẽ ra phải là đồng đội – sẽ trở thành đồng đội thật sự với nhau. Họ thậm chí tận dụng cả truyền thông để mỉa mai chính đồng đội của mình.
Nhưng Tây Ban Nha còn đỡ chán nếu so sánh với những đội tuyển có nhiều cầu thủ nhập tịch. Đức chẳng hạn. Đội tuyển Đức được hình dung là sự tập hợp giữa những người Đức chính gốc và người nhập cư (phần đông là Thổ Nhĩ Kỳ). Vậy nên khi huấn luyện viên trưởng triệu tập đội hình, bằng bất kỳ giá nào ông cũng sẽ cho gọi nhiều tuyển thủ gốc Đức hơn so với người nhập cư, kể cả họ không phải là những cầu thủ tốt nhất.
Người hâm mộ bao nhiêu năm vẫn lầm tưởng rằng, xem World Cup là xem màu cờ sắc áo. Thời thơ ấu, những người đọc truyện tranh Subasa hẳn đã in hằn vào đầu sự thiêng liêng, niềm tự hào khi được khoác trên mình chiếc áo in cờ tổ quốc. Đại cục phải được đặt làm trọng, mâu thuẫn cá nhân không còn. Hóa ra, đó chỉ là truyện tranh mà thôi.