Vấn đề bản quyền các giải đấu thể thao tiếp tục trở thành đề tài gây xôn xao. Chỉ có điều, lần này VTV phải “bó tay” bởi đối tác hét giá quá cao.
Cách đây chưa lâu, nhà đài lớn nhất Việt Nam suýt không sở hữu được bản quyền World Cup 2018. Cuối cùng, phải nhờ tới sự trợ giúp của 2 đơn vị kinh tế hàng đầu Việt Nam, 14 triệu USD là cái giá phải trả cho 64 trận đấu tại Nga.
Việc VTV gặp khó, thậm chí thất bại trong đàm phán bản quyền truyền hình đã được dự báo từ lâu. Từ sau thương vụ VTC mua bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh trong 3 mùa từ năm 2007 đến năm 2010, rồi sau đó là K+ có bản quyền Ngoại hạng Anh trong 6 mùa tiếp theo, nhiều người đã mường tượng viễn cảnh chát chúa của giá bản quyền sẽ sớm đến.
Cuộc chiến vì bản quyền giữa các nhà đài vô hình trung đẩy mức giá tăng cao chóng mặt. Làm kinh doanh, không ai dại khờ tới mức thấy miếng bánh béo bở trước mắt mà không tận dụng triệt để. Các đối tác nắm giữ quyền phân phối bản quyền đã tận dụng tối đa lợi thế này.
Tới ASIAD 2018, VTV thực sự bó tay bởi nhà đài này không đủ sức “kham” nổi. Dù có đủ tiềm lực, thì một đơn vị tự chủ tài chính từ lâu cũng phải tính toán đến đường thu hồi vốn. Nhưng ai cũng hiểu ASIAD không phải World Cup.
Thực tế, 2018 là năm cực kỳ sôi động với nhiều sự kiện thể thao lớn nhỏ. Từ tháng 1 với vòng chung kết U23, cho tới tận tháng 12 với AFF Cup, người hâm mộ thỏa sức theo dõi các giải đấu. Bởi vậy, việc lựa chọn “buông” hay không “buông” sự kiện nào cũng cần tính toán.
Có thông tin vòng chung kết U19 Đông Nam Á 2018 từng được VTV cân nhắc mua bản quyền. Đáng tiếc là nó diễn ra trùng thời điểm với World Cup nên sức hút không còn bao nhiêu. Đó cũng có thể là lý do khiến đài quốc gia không mặn mà với bản quyền ASIAD.
Cuộc chơi bản quyền ở những giải đấu có đại diện Việt Nam luôn đầy phiêu lưu. Chúng ta vào sâu, thì nhà đài thu được thêm tiền, thậm chí rất nhiều tiền nhờ sức hút tăng. Ngược lại, coi như ném tiền qua cửa sổ. Bởi vậy, mua bản quyền truyền hình là quyết định đầy rủi ro đối với mỗi nhà đài.
Thậm chí, bình luận viên kỳ cựu Quang Huy còn khẳng định rằng chúng ta hãy xác định trước là mọi giải đấu có sự tham dự của U23 Việt Nam, các nhà đài trong nước đều bị ép giá.
Lúc này, U23 Việt Nam là từ khóa hàng đầu tại Việt Nam. Sức hút từ tấm HCB châu Á là điều không cần bàn cãi. Điều không mấy vui vẻ là đó lại trở thành cơ hội kiếm tiền của phía đối tác giữ bản quyền. Chúng ta bị ép giá tới cùng là điều dễ hiểu.
Người ta cũng có thể hy vọng vào việc chung tay của các đơn vị kinh tế lớn, như điều đã từng xảy ra tại World Cup 2018. Tuy nhiên, theo BLV Quang Huy, đó cũng là phương án hên xui.
“Điều đó phải phụ thuộc vào đam mê và cảm hứng của người ta. Thậm chí, họ có đam mê và cảm hứng, thì tiềm lực tài chính của họ cũng phải đủ nữa”, BLV kỳ cựu này chia sẻ.
Với sức hút vô cùng lớn từ thầy trò HLV Park Hang-seo, không nhiều người có thể lạc quan với tình trạng vi phạm bản quyền một cách trắng trợn.
ASIAD 2018 còn chưa đầy 20 ngày nữa sẽ khai mạc. Trên lý thuyết, người hâm mộ vẫn có thể được theo dõi đầy đủ sự kiện thể thao này. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần xác định trước rằng Việt Nam sẽ “mù” ASIAD bởi câu chuyện giá bản quyền.