Tại giải đấu này, Việt Nam là chủ nhà bảng I cùng với các đội Hàn Quốc, Timor Leste và Macau (Trung Quốc). Các trận đấu của Việt Nam diễn ra lần lượt vào các ngày 19, 21 và 23/7.
Để chuẩn bị cho Vòng loại U23 châu Á 2018, đội tuyển U22 Việt Nam đã tập trung tại Hà Nội từ 3/7 và mới di chuyển vào TP.HCM hôm 13/7 mới đây. Quá trình tập luyện tại TP.HCM của đội tuyển U22 Việt Nam, sân vận động Thống Nhất bị đánh giá có chất lượng không tốt. Cụ thể, mặt sân không phẳng mịn, cỏ cứng, khiến cầu thủ có khả năng bị chấn thương.
Theo tìm hiểu, kế hoạch ban đầu của VFF, Vòng loại U23 châu Á 2018 sẽ được tổ chức trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Nhưng do giá thuê sân cao, VFF đã đổi sang phương án sân Thống Nhất.
Chuyện tranh cãi về giá cả giữa Mỹ Đình với VFF vốn dĩ xảy ra nhiều năm nay, nhưng không được giải quyết dứt điểm. Bên cạnh lý do trên, VFF cũng tính toán việc tổ chức trên sân Thống Nhất sẽ thu hút lượng CĐV nhiều hơn. Điều này xuất phát từ thực tế, các trận đấu gần đây của đội tuyển Việt Nam tổ chức trên sân Thống Nhất có lượng khán giả tương đối tốt.
Giám đốc Khu Liên Hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa hôm nay phân trần: “Đầu năm VFF có gửi công văn đề nghị chúng tôi sử dụng sân để tổ chức Vòng loại U23 châu Á 2018. Chúng tôi nhất trí ủng hộ ngay. Nhưng sau đó khi làm việc họ nói chi phí an ninh, giá thuê sân… cao, trong khi không bán được vé. Đấy là vấn đề của họ thôi, chứ tôi nói thật VFF tổ chức, tiền thuê sân không đủ tiền điện. Chúng tôi xác định lỗ rồi thì lỗ thêm tí cũng không sao.”
Theo ông Cấn Văn Nghĩa, Mỹ Đình luôn ưu tiên phục vụ ĐTQG. Chính vì thế mặt sân luôn được chăm sóc tốt, tốt hơn nhiều so với sân Thống Nhất. “Vừa rồi Viettel yêu cầu đá trận của họ hôm 27/7 tới, nhưng tôi dứt khoát từ chối. Vì ngày 29/7 đội tuyển U22 Việt Nam đã đá với đội Các ngôi sao K.League rồi, nếu 27 đá một trận thì sân không thể đảm bảo chất lượng tốt được,” ông Cấn Văn Nghĩa nói thêm.
Trong khi đó theo TTK VFF Lê Hoài Anh, Việt Nam là chủ nhà Vòng loại U23 châu Á 2018. Vì vậy, BTC không thể không tính toán chi phí bỏ ra để đảm bảo giải thành công.
Một quan chức VFF khác phàn nàn, vài năm trở lại đây giá thuê sân Mỹ Đình quá cao. “Thời anh Thu (nguyên Giám đốc Mỹ Đình Nguyễn Hữu Thu – PV), giá cả và các vấn đề khác không khó khăn như thế này. Chúng tôi cũng vì lợi ích của quốc gia, chứ không phải tư nhân thuê để kiếm lời,” vị này cho hay.
Theo ông Cấn Văn Nghĩa, giá thuê sân Mỹ Đình theo ba-rem có sẵn. “Với VFF giá đáng 350-400 triệu, chúng tôi đã giảm xuống còn 200 triệu đồng rồi. Chúng tôi cũng không có đồng lãi nào cả,” ông Nghĩa cho biết.
Theo quyết định năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, Khu Liên Hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình trực thuộc Tổng cục TDTT. Tuy nhiên từ năm 2011, Mỹ Đình xin trực thuộc Bộ VHTTDL và được chấp thuận. Trong những lần Mỹ Đình và VFF “cãi nhau”, Bộ có lúc phải can thiệp chỉ đạo mới xong. Tuy nhiên, kế hoạch chuẩn bị của đội tuyển Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.