Vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á đang diễn ra với những diễn biến căng thẳng. Và sau tất cả, người hâm mộ cũng hân hoan khi thầy trò HLV Park Hang-seo đang ung dung trên ngôi đầu bảng G. “The Golden Star” thắng 3 trận, hòa 1 trận và kiếm được 10 điểm. Đó là sự khác biệt và đổi mới của Việt Nam dưới thời chiến lược gia người Hàn Quốc.
Thậm chí sau chiến thắng sát nút trước UAE, giới truyền thông châu Á cũng phải trầm trồ với những gì Nguyễn Quang Hải và các đồng đội thể hiện. Nhận định về trận đấu, trang The National xuất bản tại Ahu Dhabi cho biết: “Giờ đây, Việt Nam đã không còn là một đối thủ dễ bị bắt nạt ở đấu trường châu lục nữa rồi“.
Nếu giành chiến thắng trước Thái Lan trên sân Mỹ Đình vào tối nay (19/11), các nhà đương kim vô địch Đông Nam Á sẽ tràn trề cơ hội đi tiếp vào vòng trong. Và mỗi khi đối đầu với đội tuyển xứ “chùa Vàng”, các fan hâm mộ lại nhớ về thập kỷ đen tối của bóng đá nước nhà. Sau khi bước lên ngôi vương năm 2008, bóng đá Việt Nam đã rơi vào cơn khủng hoảng thực sự.
Vẫn là chiến dịch vòng loại World Cup. Tháng 5/2015, ĐT Việt Nam khi đó được dẫn dắt bởi Toshiya Miura đối đầu với “bầy voi chiến” đang hùng hục khí thế. Và ở Rajamangala hôm ấy, những CĐV đã chứng kiến một trong những trận đấu xấu xí nhất lịch sử. Những chàng trai áo đỏ liên tục vào bóng thô bạo để phá lối chơi ban bật, kỹ thuật của đội chủ nhà.
Theo các thống kê, các học trò của Toshiya Miura đã phạm lỗi với đối thủ không dưới 12 lần. Một trong số đó đã phải trả giá với chiếc thẻ đỏ của Nguyễn Minh Châu ở phút thứ 73. Chanathip Songkrasin cũng là “nạn nhân” của những màn chém đinh chặt sắt ấy. Ngay sau trận, “Messi Thái” còn cười một cách mỉa mai với lối chơi tiêu cực của đối thủ.
Đó không phải là đá bóng, tất cả những gì các cầu thủ Việt Nam làm được hôm đó là chạy theo bóng và… phạm lỗi. Lê Công Vinh cùng những đàn em cúi đầu rời Rajamangala, còn người Thái thêm một lần hân hoan vì thắng Việt Nam. Kiatisak Senamuang đã biến ĐTQG nước nhà thành một tập thể gắn kết, mạnh mẽ với phong cách hoa mỹ và đẹp mắt.
Nhưng sau 4 năm, câu chuyện đã khác đi và vị thế giữa hai đội cũng có sự thay đổi. Việt Nam vươn mình trở thành một anh hào của châu Á, đồng thời sẵn sàng cho mọi đối thủ phải “ôm hận” nếu chủ quan. Trong khi đó, Thái Lan có phần chững lại sau khi thất bại với tham vọng chinh phục chiếc vé tham dự World Cup 2018.
‘Thái Lan ơi, xưa rồi!” là khẩu hiệu nổi tiếng mà các CĐV thường mang ra mỗi khi hai ông lớn của Đông Nam Á gặp nhau. Vậy điều gì đã khiến cho Việt Nam thoát khỏi sự sợ hãi, từ vị thế của kẻ “chiếu dưới” để trở thành đối trọng thực sự của Thái Lan? Câu trả lời chỉ nằm duy nhất ở một cái tên đó là HLV Park Hang-seo.
Một trong những khác biệt của lứa cầu thủ hiện tại so với các đàn anh đi trước là sự tự tin. Người ta thấy Đặng Văn Lâm chắc chắn thế nào trong khung gỗ, Quế Ngọc Hải đĩnh đạc ra sao với vai trò thủ lĩnh hàng phòng ngự. Những fan hâm mộ cũng say mê với các pha xử lý đẳng cấp quốc tế, như một “nhà thơ” của Nguyễn Quang Hải trên sân.
Chiến lược gia người Hàn Quốc đã truyền lửa cho các học trò, đánh thức tiềm năng trong họ để thoải mái phô diễn tố chất sáng giá mình có được. Giờ đây, chính Thái Lan phải lo sợ mỗi khi giáp mặt với Việt Nam và đội thi đấu thô bạo hơn, tiểu xảo hơn vào lúc này cũng là người Thái. Ngoài ra, HLV Park Hang-seo cũng tạo dựng một phong cách riêng cho Việt Nam.
Tất cả các ĐTQG đều ra sân với cùng một hệ thống 3 trung vệ quen thuộc. Sau chưa đầy 3 năm, nhà cầm quân 60 tuổi đã thành công trong việc áp đặt triết lý của mình vào các học trò. “The Golden Star” thường cho thấy sự khó chịu với sự điềm tĩnh đáng kinh ngạc, tuân thủ tuyệt đối những đấu pháp mà ban huấn luyện đề ra.
Tâm lý “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” là điều dễ nhận thấy nhất ở ĐT Việt Nam vào lúc này. Và cứ thế, những chiến binh áo đỏ từng bước hoàn thành mục tiêu tối thượng là lọt vào vòng loại thứ ba của World Cup 2022.