Đó là World Cup 1966, thời điểm LĐBĐ thế giời (FIFA) vẫn cho rằng châu Á… không biết chơi bóng. Bằng chứng là FIFA chỉ cấp cho châu Á cùng châu Phi đúng 1 suất tham dự World Cup. Châu Phi cùng nhiều đội châu Á khác tẩy chay giải đấu và Triều Tiên giành vé khi thắng Australia.
Cơn địa chấn tại xứ sở sương mù
Hành trình tham dự World Cup 1966 của ĐT Triều Tiên khi đó gặp vô vàn khó khăn. ĐT Triều Tiên chật vật trong việc giao tiếp tìm kiếm chỗ ở và sinh hoạt. Trong hai trận đấu đầu tiên với Liên Xô (thua 0-3) và Chile (hòa 1-1), ĐT Triều Tiên thậm chí còn thi đấu với không một sự cổ vũ nào. Trận quyết định ở lượt cuối cùng, Triều Tiên gặp Italy.
Azzurri (biệt danh của ĐT Italy) khi đó rất mạnh, được đánh giá là một trong những ứng cử viên vô địch giải đấu. Đội từng vô địch 2 lần World Cup vào các năm 1934 và 1938 có nòng cốt là những cầu thủ Inter Milan lên ngôi vô địch cúp C1 châu Âu trong hai năm liên tiếp 1964, 1965 như Giacinto Fachetti, Sandro Mazzola hay nhạc trưởng Gianni Rivera của AC Milan.
Không ai nghĩ Triều Tiên có thể làm được điều bất ngờ. Nhưng đội bóng tí hon theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng bên bán đảo Triều Tiên tạo ra cú sốc lớn bậc nhất lịch sử World Cup khi đánh bại ĐT Italy hùng mạnh với tỷ số 1-0.
Người ghi bàn duy nhất là Park Do-Ik. Thắng Italy, ĐT Triều Tiên lách qua khe cửa hẹp để lọt vào tứ kết World Cup. Đó cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, châu Á có một đội tuyển lọt vào tứ kết World Cup.
Những CĐV Anh quốc tới sân Ayerosome Park (Middelsbrough) vào ngày 19/7/1966 để xem những ngôi sao ĐT Italy thi đấu nhưng màn trình diễn quả cảm của Triều Tiên đã chiếm lấy toàn bộ thiện cảm của người dân xứ sở sương mù.
Cựu nhà báo Bernard Gent nhớ lại với tờ The Guardian: “Khi mới vào sân, những CĐV Triều Tiên khá yên ắng nhưng tất cả đã thay đổi sau khi chứng kiến đội nhà vượt qua Italy.
Toàn bộ thị trấn cũng hòa chung với niềm vui ấy. Đội Triều Tiên được xem như là người hùng thực sự trong mắt những người Middlesbrough. Tới mức, sau đó, 3.000 người dân Middlesbrough đã di chuyển tới Liverpool để cổ vũ cho Triều Tiên ở trận gặp Bồ Đào Nha ở tứ kết.”
Sân Goodison Park ngày 23/7/1966 chứng kiến một trong những trận cầu kịch tính bậc nhất lịch sử World Cup. ĐT Triều Tiên chỉ mất 25 phút để dẫn ĐT Bồ Đào Nha 3-0. Nhưng bất ngờ Triều Tiên đã phải nhường chỗ cho một hiện tượng sau này trở thành một trong những huyền thoại lớn nhất bóng đá thế giới, Eusebio.
“Báo đen” của Bồ Đào Nha ghi 4 bàn giúp Bồ Đào Nha thắng ngược Triều Tiên 5-3. Thua trận, nhưng hình ảnh về ĐT Triều Tiên thi đấu quật cường với cái đầu ngẩng cao khiến tất cả còn phải nhớ mãi.
Những truyền kỳ
Sau chiến thắng này, có rất nhiều truyền kỳ sai lệch về số phận của các cầu thủ Triều Tiên khi trở về nước. Tờ Daily Star từng dẫn lời Kang Chol-hwan, một người thoát khỏi Triều Tiên kể lại rằng những cầu thủ Triều Tiên sau World Cup 1966 đã bị giam vào trại cải tạo cùng nhiều chi tiết không được kiểm chứng khác.
Song BBC, cơ quan uy tín của Anh quốc thì từng làm một phóng sự kể lại rằng toàn bộ đội hình ĐT Triều Tiên tại World Cup 1966 sau khi trở về Bình Nhưỡng đã sống an nhàn và được hưởng phúc lợi tốt cho đến sau này.
Những truyền kỳ gây tranh cãi và niềm cảm hứng về đội Triều Tiên tại World Cup 1966 đã thôi thúc đạo diễn Daniel Gordon (Anh) làm một bộ phim về chiến công của ĐT Triều Tiên tại World Cup 1966. Tờ The Guardian vào năm 2010 khẳng định, phải mất 4 năm, Gordon mới được cho phép nhập cảnh vào Triều Tiên nhưng sự chờ đợi càng thúc đẩy ông tạo nên những thước phim quý giá.
Bộ phim The Game of Their Lives (Trận đấu của cuộc đời) đã ra đời năm 2002 tạo nên tiếng vang lớn không chỉ ở Triều Tiên mà còn trên toàn thế giới. Bộ phim kéo dài 80 phút được đề cử vào hạng mục Phim tài liệu hay nhất ở Anh vào năm 2003 và sau đó đều gây tiếng vang ở các liên hoan phim tại Sevilla (Tây Ban Nha) hay Seattle (Mỹ).
Đạo diễn Daniel Gordon và nhà sản xuất Nick Bonner nhớ lại: “Tôi muốn làm điều gì đó trung lập về đất nước Triều Tiên. Ban đầu, chính quyền ở đất nước này tỏ ra tò mò nhưng sau đó, họ rất hài lòng về những gì chúng tôi đã làm.”
7 cầu thủ Triều Tiên còn sống của đội hình ĐT Triều Tiên đánh bại Italy thực sự hạnh phúc khi gặp Daniel Gordon vì họ nghĩ rằng mình đã bị lãng quên. “Câu đầu tiên họ hỏi tôi: ‘Ngài thị trưởng Middlesbrough còn sống không vậy?’. Tôi hiểu rằng đã có tình cảm của những người Triều Tiên với mảnh đất Middlesbrough nhưng không nghĩ rằng nó kéo dài tới vậy,” ông Gordon nói.
Tới khi Gordon cùng Bonner trở lại Triều Tiên trong buổi công chiếu phim vào năm 2002, ông đã nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt của người Triều Tiên. Chính quyền Triều Tiên thậm chí còn bất ngờ cấp phép cho những người chiến binh của ĐT Triều Tiên năm xưa được trở lại SVĐ Ayresome Park, để ôn lại lịch sử.
Một cậu bé đã tới Ayresome Park để xin chữ ký cho ông nội, vốn là CĐV ủng hộ Triều Tiên năm xưa. Đó là điều mà chẳng tuyển thủ Triều Tiên nào có thể hình dung tới sau gần 40 năm trở lại mảnh đất này. “Có lẽ, những người Triều Tiên không nghĩ rằng những người Middlesbrough có thể dành cho họ tình cảm đặc biệt tới vậy sau từng ấy năm,” Daniel Gordon cảm động chia sẻ.
ĐT Triều Tiên từng tạo ra điều kỳ diệu tại World Cup và truyền cảm hứng tới hàng chục năm sau như thế, không chỉ ở Triều Tiên, Anh mà còn trên toàn thế giới.