Từ lâu Việt Nam ta đã kinh doanh thể thao nhưng thật sự vẫn chưa thể làm thương hiệu mang tính toàn châu lục một cách mạnh mẽ được. Để có được một nguồn lợi từ thể thao thì Marketing là điều cốt lõi. Với sự thành công của tuyển Olympic Việt với lực lượng chủ yếu là các cầu thủ U23 thì chúng ta có quyền đặt niềm tin về các hình thức thế thao khác cùng có tiềm năng thu về bạc tỷ.
Để có được nguồn thu thì 4 chiêu thức Marketing sau đây sẽ tạo nên xu hướng mở ra hướng đi mới cho thể thao Việt.
Mạng xã hội lên ngôi
Ngày xưa, cả xóm tụ tập ngồi xem chung một kênh truyền hình là chuyện bình thường. Đến khi đất nước ổn định hơn về chính trị và kinh tế thì mỗi nhà có ít nhất 1 chiếc TV. Nhưng hiện nay với sự bùng nổ của mạng xã hội, điện thoại di động thông minh thì người người đều đắm chìm vào không gian riêng trên thiết bị cầm tay đó.
Vậy nên muốn chiếm được thị phần rating trong thời điểm hiện tại thì các nhà làm truyền hình nên đầu tư mạnh vào truyền hình xã hội (Social Broadcasting). Các mạng xã hội đều tăng tính hữu ích cho việc live trực tiếp thì tại sao truyền hình của ta không sử dụng điều đó nhiều hơn.
Đúng là việc xem trộm xảy ra khá nhiều và đài truyền hình không thể quản được nên họ cần có đội ngũ đầu tư mạng xã hội và quản lý được vấn nạn bản quyền.
Khán giả là trung tâm
Từ rất lâu, truyền thông của chúng ta đang đưa thể thao đến khán giả, độc giả bằng hình thức 1 chiều. Tức có nghĩa, một trận đấu chúng ta chỉ nghe bình luận viên nói ra rả mà đôi khi nhiều người chán ngấy cách nói của anh ta. Còn báo chí, quảng cáo thì viết theo kiểu ấn định góc nhìn vào độc giả, bắt họ phải xem.
Hiện nay CĐV cần được tương tác nhiều hơn. Họ muốn là người trong cuộc, được bình luận cùng nhau, xem số liệu cập nhật trực tiếp theo đồ hoạ. Vậy nên các nhà quảng cáo, truyền hình cần có phương cách cải tiến về tương tác. Như tập đoàn Nike đã “Nike On Demand”, bằng việc tạo ra cách tương tác của fan với VĐV.
Thể thao là câu chuyện
Không phải người nào cũng rành chuyên môn, kỹ chiến thuật thể thao được. Vậy nên làm thương hiệu thể thao phải đi từ câu chuyện giải trí. Chúng ta nên học cách làm của các thương hiệu hàng đầu là bắt nguồn từ chuyện đời, chuyện người của VĐV hay đội bóng.
U23 Việt Nam nổi tiếng một phần cũng nhờ những câu chuyện họ từng sống và trưởng thành ở CLB trẻ hay chuyện lá cờ trên Thường châu… Từ những việc rất nhỏ và tưởng chừng vụn vặt nhưng tạo làn sóng mang tầm ảnh hưởng lớn.
Mở rộng đối tượng mục tiêu
Thông thường nhắc đến thể thao người ta nghĩ ngay đến cánh mày râu năng động. Điều này có vẻ như ta đang thu hẹp đối tượng của mình. Hiện nay, nữ giới, trẻ con cũng tham gia xem và bình luận thể thao. Vậy nên cần truyền thông bằng cách đa dạng hoá giới tính trên màn ảnh và chiến dịch quảng cáo.
Marketing theo hướng phân khúc đối tượng sẽ ổn hơn. Ví dụ như tuỳ giới tính, độ tuổi mà các nhà làm thể thao, đầu tư thể thao tiếp cận phương thức truyền thông riêng.
Với thương hiệu U23 Việt Nam đang trở thành hiện tượng thì tại sao chúng ta không có quyền đặt mục tiêu biến nền thể thao Việt Nam đi xa hơn trên châu lục và thế giới để thu bạc tỷ.