Theo thông tin độc quyền được đăng tải trên nhật báo The Sunday Times(Anh), một bản báo cáo mật tiết lộ việc Qatar đã thực hiện nhiều động thái mang tính chống phá, ngăn trở các ứng viên khác trong việc đứng ra tranh quyền đăng cai World Cup 2022. Điều này đi ngược lại quy định của FIFA nghiêm cấm các quốc gia đưa ra những thông điệp hoặc bình luận về chiến dịch vận động đăng cai của đối phương.
Bản báo cáo này cho hay, Qatar sử dụng một công ty truyền thông cùng nhóm các cựu điệp viên CIA để xây dựng hẳn một chiến dịch truyền thông “đen” nhằm chống phá nỗ lực của Mỹ và Úc, hai đối thủ chính của quốc gia vùng Trung Đông này trong chiến dịch tranh quyền đăng cai World Cup 2022.
Danh tính công ty truyền thông này được xác nhận là Brown Lloyd Jones Worldwide (BLJ Worldwide) có trụ sở tại New York, Mỹ. Nhóm cựu điệp viên CIA có nhiệm vụ gây nhiễu dư luận tại Mỹ và Úc dưới nhiều hình thức, bao gồm việc thuê một chuyên gia kinh tế hàng đầu với giá 6.900 USD để người này viết một báo cáo về “chi phí kinh tế khổng lồ mà nước Mỹ phải đánh đổi nếu tổ chức World Cup”.
Song song đó, họ “chiêu mộ” một nhóm giáo viên thể chất gây áp lực lên các nghị sĩ, yêu cầu họ đăng đàn ở Thượng viện Mỹ phản đối việc đăng cai World Cup với lý do ngân sách cần được chi tiêu cho việc phát triển các môn thể thao trong nhà trường trung học thay vì dùng vào việc tổ chức World Cup. Tại Úc, nhiều cuộc biểu tình đông người xuất hiện ngay tại các sân bóng bầu dục và rugby, phản đối quyết định của chính phủ nước này tham gia chiến dịch tranh quyền đăng cai World Cup 2022.
Michael Holtzman, lãnh đạo Công ty tư vấn BLJ Worldwide từng được nhận giải thưởng “Nhân vật truyền thông của năm” từ tạp chí PR Week, chính là người đứng sau toàn bộ các hoạt động nói trên. Holtzman và BLJ Worldwide giữ thái độ im lặng trước bài báo của “The Sunday Times” trong khi Qatar ngay lập tức phủ nhận mọi liên quan, bất chấp việc tờ báo tuyên bố có đủ mọi bằng chứng và sẵn sàng cung cấp cho cơ quan điều tra.
Cựu chủ tịch LĐBĐ Anh Lord Triesman, người đứng đầu chiến dịch vận động tranh quyền đăng cai World Cup 2018 của Anh, nhanh chóng lên tiếng yêu cầu FIFA phải điều tra để làm sáng tỏ sự việc. Ông cho rằng nếu có đủ chứng cứ vi phạm của Qatar, FIFA nhất thiết phải xử lý nghiêm, kể cả việc tước quyền đăng cai World Cup 2022 của quốc gia này.
Trong khi đó, nghị sĩ Damian Collins, chủ tịch Ủy ban truyền thông, văn hóa, thể thao của Quốc hội Anh, cũng cho biết ông đã đích thân tiếp xúc với người cung cấp thông tin mật kể trên, cũng là một thành viên Ban vận động đăng cai World Cup 2022 của Qatar. “FIFA cần thành lập một bộ phận điều tra độc lập về vụ việc nghiêm trọng này, tước quyền đăng cai World Cup 2022 của Qatar nếu có đủ bằng chứng”, ông nghị này chia sẻ trên kênh truyền thanh BBC Radio 5.
Xung quanh vấn đề này, FIFA tái khẳng định, họ tôn trọng kết quả điều tra do tiểu ban độc lập của luật sư người Mỹ Michael Garcia đã công bố và không có lý do gì để “đẩy” World Cup 2022 khỏi Qatar. Không những thế, theo nhiều nguồn tin khác, đương kim chủ tịch FIFA Gianni Infantino thậm chí còn có thể tận dụng những vụ lùm xùm này để gây áp lực, buộc Qatar phải đáp ứng điều kiện nâng số đội tuyển tham dự World Cup 2022 từ 32 đội lên 48 đội. Trong trường hợp cơ sở vật chất không đáp ứng yêu cầu, Qatar có quyền “chia sẻ” một số trận đấu tại VCK này cho các quốc gia láng giềng thuộc Vùng Vịnh.
* Qatar từng bị tố cáo hối lộ các quan chức FIFA để được nhận quyền đăng cai World Cup 2022. Ở thời điểm trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu năm 2010 của FIFA, tài khoản ngân hàng của Julio Grondona – người đứng đầu LĐBĐ Argentina và là ủy viên Ban Chấp hành FIFA – ghi nhận một khoản thu ẩn danh lên đến 3,6 triệu bảng. LĐBĐ Argentina cũng từng được thanh toán “giúp” một khoản nợ lên đến 50 triệu bảng mà “nhân vật hào hiệp” này được cho là Qatar.
Một bản hợp đồng mua bán máy bay trị giá 1,1 tỉ bảng được ký kết giữa hãng hàng không Qatar Airway và tập đoàn Airbus của Pháp không lâu sau buổi trò chuyện bí mật giữa Tổng thống Pháp lúc bấy giờ Nicolas Sarkozy và Hoàng thân Sheik Tamin, có sự chứng kiến của Chủ tịch UEFA lúc bấy giờ Michael Platini. Tất cả đều diễn ra trong khoảng vài tuần lễ trước cuộc bỏ phiếu năm 2010 của FIFA. Nhật báo The Sun (Anh) tố cáo nguyên Chủ tịch LĐBĐ Thái Lan Worawi Makudi có liên quan đến một hợp đồng trị giá nhiều triệu bảng mà Qatar và Thái Lan ký kết nhằm cung cấp 2 triệu tấn khí gas tự nhiên hóa lỏng cho xứ sở Chùa vàng.
Chỉ xếp thứ… 9 trong số các ứng viên, Qatar đã cán đích ngoạn mục, bất kể quốc gia này diện tích còn nhỏ hơn Xứ Wales, dân số chỉ vỏn vẹn 2,6 triệu người cũng như chẳng phải là xứ sở có bề dày truyền thống về bóng đá. Quốc gia dầu mỏ giàu có này cam kết xây dựng hàng loạt sân bóng tiện nghi, hiện đại, trang bị đủ máy điều hòa không khí để đảm bảo các đội bóng được thi đấu trong điều kiện bình thường nhất dù mùa hè ở Qatar nhiệt độ thường xuyên đạt mốc 42oC!