Trong khi các đối thủ trong khu vực tích cực thi đấu giao hữu quốc tế nhằm cọ sát, thì ĐT Việt Nam của HLV Park Hang-seo lại án binh bất động. Chúng ta chỉ có sự chuẩn bị duy nhất là chuyến tập huấn tại Hàn Quốc cùng 3 trận giao hữu với 3 CLB tại K-league, tất nhiên là đội hình dự bị của họ.
Thành tích 1 thắng, 2 thua của thầy trò HLV Park Hang-seo không nói lên được nhiều điều, bởi tất cả chỉ nằm ở mức thử nghiệm và rà soát. Tuy nhiên, quãng thời gian ngắn ngủi đó là đủ để thầy Park nhận ra được 5 cái tên không còn phù hợp là Trần Minh Vương, Phạm Văn Thành, Đinh Viết Tú, Nguyễn Hoàng Quốc Chí và thủ môn Phạm Văn Cường. Bây giờ thì ông còn thêm một bài toán cần giải nữa, đó là điểm rơi phong độ của những người ở lại.
Ai cũng biết, với bất kỳ môn thể thao nào chứ không riêng gì bóng đá, VĐV luôn có giai đoạn ngắn đạt đỉnh, tức thời điểm họ thi đấu với 100% thậm chí hơn khả năng của bản thân, nhiệm vụ của HLV là đưa “thởi điểm vàng” ấy vào trong giải đấu. Một vài trường hợp, VĐV lúc đấu thử thì rất xuất sắc, nhưng khi làm thật thì lại mang đến sự thất vọng.
Bài học về điểm rơi phong độ của ĐT Việt Nam tại Tiger Cup 2004 vẫn còn đó. Năm ấy HLV người Brazil Edson Tavares cho đội tuyển tập trung trước… 4 tháng. Quãng thời gian dài không tưởng ấy khiến các cầu thủ không chỉ mệt mỏi, mà còn bão hòa về cả cảm xúc lẫn động lực. Để rồi khi bước vào Tiger Cup, mặc dù sở hữu lợi thế sân nhà, nhưng chúng ta lại chơi bạc nhược và nhanh chóng rời giải ngay sau vòng bảng.
Từ đó trở đi, VFF rút ra bài học xương máu, chỉ cho các cấp độ đội tuyển tập trung ngắn hạn trước giải đấu, thường là một tháng. Hai giải đấu gần nhất của HLV Park Hang-seo đều cho thấy ông làm rất tốt khâu chọn điểm rơi phong độ, với hai giải giao hữu khởi động M150 ở Thái Lan và Cúp VinaPhone. Bây giờ khi không được cọ sát thực tiễn, liệu rằng các cầu thủ có bị ngợp khi đá thật?
Gần đây, buổi tập của ĐT Việt Nam chủ yếu là nhồi thể lực, đó cũng là cách để đẩy điểm rơi phong độ lùi lại, tuy nhiên việc thiếu tính thực chiến sẽ khiến sự gắn kết có vấn đề. Mặc dù đã ký hợp đồng với VFF hơn một năm, nhưng đây là lần đầu tiên thầy Park cầm quân ĐTQG, nó khác hoàn toàn cấp độ trẻ như U23 Châu Á hay ASIAD.
Các giải đấu khu vực gần nhất, ĐTVN đều bước vào với kỳ vọng rất cao, rồi lại không thể đáp ứng, chỉ vì hụt hơi trong giai đoạn quyết định. Tâm lý yếu là nguyên nhân được HLV Park Hang-seo chỉ ra, mặc dù vậy ở sân chơi mà các đội tuyển đã có trình độ xích lại gần nhau, phong độ sẽ là yếu tố quyết định thắng bại. Và bài toán về cách chọn “điểm rơi” sao cho thích hợp, vẫn chờ HLV người Hàn Quốc cho lời giải.