Được trang Transfermarkt định giá 120 triệu bảng, Raheem Sterling nằm trong top 5 cầu thủ dưới 25 tuổi đắt nhất thế giới. Với 20 bàn thắng và 7 kiến tạo trên tất cả đấu trường mùa này, Sterling là một trong những ngòi nổ lợi hại nhất Man City. Xét về lý thuyết, Sterling là siêu sao mà bất kỳ đội bóng nào cũng cần.
Vậy nên, không có gì bất ngờ khi Man United ngỏ ý mua tiền đạo này. “Quỷ đỏ” muốn nhân cơ hội Man City đang bận kháng án phạt cấm thi đấu tại Champions League để chiêu mộ cầu thủ từng công khai nhận là “fan cứng của Man United”.
Tuy nhiên, liệu MU có thật sự cần cầu thủ như Sterling hay không? Sau đây là 3 lý do sẽ khiến “Quỷ đỏ” phải suy nghĩ lại về Sterling.
Sterling không hợp với hệ thống của MU
Trước khi trở thành một trong những ngòi nổ lợi hại của Man City mùa này, Raheem Sterling từng nổi tiếng ở Premier League về khả năng bỏ lỡ cơ hội. Kỹ năng dứt điểm của cầu thủ này luôn có vấn đề. Những con số sau đây sẽ chứng minh.
Tại Premier League 2019/20, tỷ lệ dứt điểm trúng đích của Sterling chỉ là 32,3% (theo thống kê từ ban tổ chức Premier League). Anh mất trung bình 6,4 lần dứt điểm để ghi được 1 bàn thắng và đã bỏ lỡ tới 13 cơ hội lớn (Big chances: Theo định nghĩa của Premier League là những cơ hội có trên 75% khả năng trở thành bàn thắng).
Vấn đề là những thống kê không quá đẹp mắt trên thực tế lại chính là sự tiến bộ của Sterling so với những mùa bóng trước. Nếu xét toàn bộ chiều dài sự nghiệp, Sterling mất tới 7 lần dứt điểm để ghi 1 bàn thắng tại Premier League.
Để chúng ta có mốc mà so sánh, đồng đội của Sterling là Sergio Aguero mất 5,5 pha dứt điểm để ghi 1 bàn. Trong nội bộ Man United, Anthony Martial thậm chí mất 5,3 cú dứt điểm cho mỗi lần ghi bàn. Càng bất ngờ hơn khi biết, tiền đạo từng được mệnh danh là “chân gỗ” Romelu Lukaku cũng mất 6 cú dứt điểm/bàn thắng.
Như vậy, 7 cú dứt điểm/bàn của Sterling là hiệu suất tệ. Nó cho thấy bản năng săn bàn của Sterling tầm thường.
Còn Man United mua Sterling để trao vai trò kiến thiết thì lại càng thảm họa hơn. Bởi Sterling mất tới trung bình 182,2 đường chuyền mới tạo ra 1 kiến tạo thành bàn thắng. Trung bình mỗi trận, Sterling chỉ có 0,23 big chances created (đường chuyền mở ra cơ hội trở thành bàn thắng). Tất cả đều ở ngưỡng trung bình.
Sở dĩ Sterling đang tỏa sáng ở Man City toàn bộ đều nhờ vào hệ thống hoàn hảo mà HLV Pep Guardiola đang xây dựng. Trong khi đó, nếu Man United mua Sterling, họ lại không có hệ thống tương tự như Man City để tiền đạo này tỏa sáng.
Giá của Sterling chắc chắn sẽ đắt
Nếu Man United thật sự muốn mua Sterling, số tiền họ phải chi ra chắc chắn không thể dưới con số 100 triệu bảng. Sterling đang được định giá cao. Đây được cho là một trong những chiến dịch của truyền thông Anh trong cuộc đua về giá trị so với những ngôi sao lớn trên thế giới.
Thậm chí, tờ Daily Mail còn dự kiến Man City sẽ hét giá Sterling lên tới 150 triệu bảng. Nếu MU chấp nhận chi số tiền này, họ sẽ không còn ngân quỹ cho những thương vụ sáng giá khác như Jadon Sancho (Dortmund), Kai Havertz (Leverkusen) hay James Maddison (Leicester).
Điều Ole Gunnar Solskjaer cần bây giờ là đội hình có chiều sâu, dày về quân số và đồng đều về chất lượng chứ không phải một ngôi sao đắt giá. Hơn thế nữa, Sterling thực tế không phải mẫu cầu thủ có thể một tay kéo cả đội đi lên.
Lịch sử chuyển nhượng “không thân thiện”
Lần gần nhất Man United mua cầu thủ từ Man City là khi nào? Câu trả lời là cách đây 8 năm và đó là một bản hợp đồng không ai biết tới: Trung vệ Frederic Veseli, gia nhập khi 19 tuổi theo dạng chuyển nhượng tự do. Vậy trước Veseli là trường hợp của cầu thủ nào?
Đó là thủ thành Tony Coton – vụ chuyển nhượng từ tận năm 1996. Anh này được Man City bán cho Man United khi đã 34 tuổi. Nói chung, trong toàn bộ lịch sử, Man United mới có đúng 3 lần mua cầu thủ từ Man City và đều không thành công. Ở chiều ngược lại, thương vụ Carlos Tevez từ MU sang Man City đã tạo ra ầm ĩ kéo dài.
Lịch sử chuyển nhượng giữa Man United và Man City không phải là chỗ dựa niềm tin vững chắc để người hâm mộ tin vào khả năng “Quỷ đỏ” có thể mua được Raheem Sterling. Nếu MU mất quá nhiều thời gian vào thương vụ này và để tuột những vụ khác, họ sẽ phải trả giá đắt.
Vì tất cả lý do trên, mua Sterling là nước cờ tối của MU.