Sẽ quá sớm để nói về tương lai của Pep Guardiola vào thời điểm này? Câu trả lời là không. Mùa thứ hai của Pep tại Man City về cơ bản đã kết thúc với chức vô địch Premier League. Ông sẽ chuẩn bị bước sang mùa thứ ba, cũng là mùa quan trọng nhất với huấn luyện viên nói chung tại CLB trong bóng đá hiện đại.
Cố huấn luyện viên huyền thoại Bela Guttman, người từng đưa Benfica tới 2 chức vô địch cúp C1 châu Âu trong thập niên 60 của thế kỷ trước khẳng định ông không thể dẫn dắt CLB nào quá ba mùa. Lý do được đưa ra rất rõ ràng: 3 mùa giải là quãng thời gian đủ để huấn luyện viên đến, chinh phục, cuối cùng là rời khỏi câu lạc bộ.
Guttman cho rằng mùa đầu tiên là thời điểm để huấn luyện viên thích nghi nền văn hóa mới, làm quen với phong cách của câu lạc bộ, thử nghiệm, xây dựng đội ngũ phù hợp cho những toan tính của mình. Những cầu thủ cũng sẽ có nhiệm vụ làm quen với ông thầy mới, hiểu được nguyện vọng, triết lý và làm quen dần với chúng.
Mùa thứ hai là thời điểm thành công lên đến đỉnh khi cầu thủ, huấn luyện viên, triết lý hòa hợp sâu đậm nhất. Mùa thứ ba là thời gian để giữ mình trên đỉnh cao, sàng lọc những điểm yếu, củng cố điểm mạnh để tới vinh quang sau cùng, hoặc thất bại.
Sau mùa thứ ba, huấn luyện viên sẽ ra đi để tìm thử thách mới, hoặc đơn giản hơn là nghỉ ngơi để tự làm mới mình. Nói mùa thứ ba quan trọng nhất, bởi đây sẽ là thời điểm mà người huấn luyện viên phải đối đầu hàng loạt vấn đề trong phòng thay đồ, cùng những khúc mắc về mặt lối chơi (những cầu thủ dần không còn tin vào cách chơi từng đưa họ lên đến đỉnh cao). Cách huấn luyện viên đương đầu những thử thách ngoài chuyên môn này luôn được giới ngoại đạo theo dõi đặc biệt.
Jose Mourinho đưa Real Madrid vô địch La Liga, biến Cristiano Ronaldo thành cỗ máy ghi bàn trong 2 mùa đầu có khi giờ chẳng được nhớ tới bằng việc “người đặc biệt” mâu thuẫn với Sergio Ramos, Iker Casillas và bị đá đít ở mùa thứ ba ra sao.
Hay vẫn là Mourinho bị các học trò “tạo phản” đẩy ra đường giữa mùa thứ ba sẽ là chuyện đáng nhớ nhất trong nhiệm kỳ 2 dẫn dắt Chelsea của “người đặc biệt” thay vì chức vô địch ở mùa thứ hai.
Pep không giấu diếm việc ông là huấn luyện viên theo tư tưởng của Bela Guttman. Bayern Munich là công trình theo đúng nguyên tắc ba mùa của Pep. Sau khi ông tới Bayern, mùa đầu làm quen với các học trò, bắt đầu tìm hiểu, đưa ra những thay đổi mang tính bản lề trong mùa giải đầu tiên như đẩy Philipp Lahm lên đá tiền vệ, thử nghiệm Mario Goetze trong vai trò của Lionel Messi, đổ chất Tây Ban Nha vào Bayern với Thiago Alcantara, Juan Bernat.
Mùa thứ hai đẩy bớt đi những cái tên không phù hợp với triết lý của mình (Mario Mandzukic, Toni Kroos, bác sĩ Hans-Wilhelm Muller-Wohlfahrt), mang về những người mới phù hợp (Xabi Alonso, Robert Lewandowski). Mùa cuối cùng củng cố vị thế khi sàng lọc những công thần luống tuổi (Bastian Schweinsteiger), mang về những người mới trẻ trung (Arturo Vidal, Douglas Costa, Kingsley Coman).
Sau 3 năm, Pep rời Bayern trong sự thừa nhận của cả ban lãnh đạo lẫn các cầu thủ. Việc ông không thể giúp Bayern giành chức vô địch Champions League chỉ là thất bại với những kẻ anti-Pep. Về cơ bản, ban lãnh đạo Bayern chưa từng đặt mục tiêu cho Pep là phải vô địch Champions League.
Pep ở Barca tới 4 mùa giải, trong đó mùa cuối là thất bại toàn diện khi về nhì trước Real tại La Liga, đồng thời bị Chelsea đánh bại tại bán kết Champions League, còn cúp nhà vua Tây Ban Nha chỉ là danh hiệu mang ý nghĩa an ủi vào cuối mùa.
Có lý do để Pep chỉ chịu ký hợp đồng theo từng năm với Barca khi ấy, và rõ ràng ông đã phạm phải sai lầm khi gắn bó tới mùa thứ tư cùng gã khổng lồ xứ Catalan.
Nói lại chuyện Bella Guttman và Pep trong 2 thời kỳ gắn bó với Barcelona và Bayern Munich để thấy rằng nhà cầm quân người Tây Ban Nha sẽ phải đối đầu không ít những khúc mắc không tên trong mùa thứ ba gắn bó với đội chủ sân Etihad.
Cách ông đương đầu, xử trí với chúng sẽ quyết định tới cái nhìn của giới mộ điệu với thời gian của ông tại nửa xanh thành Manchester. Không ai dễ quên bằng các CĐV, Pep nên hiểu điều ấy.
Sau chiến thắng, sẽ là chiến đấu.