Đây là một kết quả quá bất ngờ nếu biết rằng chỉ 4 năm trước đây, câu lạc bộ này đã chính thức tuyên bố phá sản và bị giáng xuống thi đấu ở hạng nghiệp dư, Serie D.
Sự trở lại của thế lực một thời bóng đá Ý đang khiến các Tifosi háo hức chờ đợi thời điểm khai màn của Serie A mùa bóng 2018 – 2019.
Những ai yêu mến Serie A không ai không biết đến Parma. Đây là một trong những đội bóng có truyền thống lịch sử và giàu thành tích nhất ở đất nước hình chiếc ủng (xét những danh hiệu ở đấu trường châu Âu, Parma là câu lạc bộ giàu thành tích thứ 4 nước Ý, sau 3 “ông lớn” Milan, Juventus và Inter).
Trong khoảng thời gian từ năm 1992 cho đến 2002, Parma được xếp vào nhóm “7 chị em” của Serie A bên cạnh các câu lạc bộ Juventus, AC Milan, Inter, Napoli, Fiorentina và AS Roma. Đây là giai đoạn mà Serie A luôn được xem là giải đấu số 1 thế giới bởi sự cạnh tranh quyết liệt trong cuộc chiến giành Scudetto.
Mặc dù chưa từng 1 lần vô địch Serie A (vị trí cao nhất ở Serie A trong lịch sử câu lạc bộ chỉ là vị trí thứ nhì ở mùa giải 1996-1997), nhưng ở thời điểm đó Parma vẫn luôn được đánh giá là một trong những đội bóng hàng đầu của thế giới.
Không chỉ bởi những danh hiệu mà họ đã giành được (gồm 3 Coppa Italia, 1 Siêu cúp nước Ý, 2 cúp UEFA, 1 Siêu cúp châu Âu và 1 Cúp C2), mà còn cả cái cách họ đã đánh bại các đội bóng hàng đầu thế giới giai đoạn này.
Chứng kiến sự bất lực của “gã đầu bạc” Marcello Lippi, một kẻ luôn có thừa sự “cáo già” và toan tính cùng với “tam tấu” tấn công lừng danh bên phía Juve, bao gồm cả Gianluca Vialli, Fabrizio Ravinelli và Roberto Baggio trong hai trận chung kết lượt đi, lượt về của UEFA cup mùa bóng 1994 – 1995, mới thấy được sức mạnh thực sự của đội bóng đến từ xứ Emilia-Romagna.
Thành công và danh tiếng đã khiến Parma thời điểm đó trở thành nơi có sức hút khó cưỡng đối với các ngôi sao hàng đầu của thế giới.
Với sự đầu tư mạnh mẽ của nhà Tanzi, rất nhiều ngôi sao tiếng tăm đã cập bến đội bóng, từ Hristo Stoichkov, Faustino Asprilla, Gianfranco Zola, Nestor Sensini cho đến những hảo thủ như Thuram, Chiesa, Crespo, Fabio Cannavaro … bên cạnh Gigi Buffon, một sản phẩm ưu tú từ lò đào tạo trẻ câu lạc bộ.
Thế nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, sau quãng thời gian thành công, câu lạc bộ bước dần vào giai đoạn khủng hoảng và đi xuống.
Đội bóng giàu truyền thống của Italy đã không thể tìm ra “Mạnh Thường Quân” để chi trả cho món nợ 22,6 triệu euro. Ngày 22/6/2015, câu lạc bộ Parma chính thức tuyên bố phá sản và bị giáng xuống thi đấu ở hạng nghiệp dư – Serie D.
Nỗi đau, sự tức giận của các CĐV Parma khi đó thật không có cụm từ nào có thể diễn tả được. Từ vị thế của một trong những đội bóng mạnh không chỉ ở nước Italy, mà còn trên cả bình diện Châu Âu, giờ đây họ phải chứng kiến đội bóng con cưng thi đấu tại một hạng đấu nghiệp dư với những điều kiện về vật chất hết sức thiếu thốn.
Trong mùa giải phải chơi tại Serie D, đã có thời điểm Parma gặp khó khăn tới nỗi không thể thuê lực lượng an ninh sân vận động trong ngày thi đấu và đành chấp nhận chơi bóng trên sân không người.
Họ thậm chí đã phải nhờ đến sự hỗ trợ tài chính tự nguyện của nhiều câu lạc bộ Serie A khác để có xe buýt di chuyển trong các trận sân khách.
Trong hoàn cảnh đó, ngay cả những người mơ mộng nhất cũng không dám nghĩ rằng họ sẽ có cơ hội trở lại sân chơi danh giá nhất nước Italy.
Thế nhưng những điều có lẽ chỉ có trong giấc mơ lại được các cầu thủ Parma thực hiện bằng những nỗ lực phi thường và không biết mệt mỏi. Họ đã tạo ra một trong những chuyến hành trình trở lại vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Italia khi thăng liền 3 hạng trong 3 mùa giải.
Chuỗi thành tích ấn tượng đó bắt đầu từ chức vô địch hạng nghiệp dư Serie D, cho đến hạng nhì Serie C và kết thúc bằng vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng của Serie B.
Chưa biết mùa tới Parma có trụ lại được tại giải đấu cao nhất Italy hay không. Bởi ngoài những hạn chế về kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao, sự thiếu chiều sâu và chất lượng của đội hình hiện có, đội bóng còn vấp phải một trở ngại rất lớn khi tiền đạo Emanuele Calaio của Parma bị cấm thi đấu 2 năm vì bán độ dàn xếp tỉ số ở trận Parma gặp Spezia vào ngày 16/05/2018.
Bản thân câu lạc bộ cũng bị trừ 5 điểm trước khi Serie A 2018-19 khởi tranh kèm theo khoản tiền phạt 20.000 euro.
Tất nhiên, vụ việc vẫn đang được phía Parma kháng cáo. Dẫu vậy các cổ động viên hãy cứ yên tâm, bởi đội bóng dù mang danh nghĩa tân binh nhưng vẫn là gương mặt đáng gờm tại Serie A, không chỉ vì truyền thống mà còn bởi tiềm lực tài chính mạnh mẽ đang có.
Nếu được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của nhà tài phiệt Trung Quốc Jiang Lizhang, biết đâu chừng họ sẽ làm được những điều vượt quá sự mong đợi, giống như cách mà họ đã tạo ra một trong những chuyến hành trình trở lại vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Italy.
(Bạn đọc: Đức Tuấn)