Hiện tượng Hy Lạp, Đan Mạch
Hy Lạp tại EURO 2004 và Đan Mạch tại EURO 1992 thực sự là một hiện tượng lạ của bóng đá châu Âu và thế giới thời điểm đó. Hy Lạp vốn là đội top dưới của VCK mỗi mùa EURO, rất vất vả mới vượt qua vòng loại để tham dự EURO và luôn bị xem là đội bóng lót đường cho những Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Italia, Bồ Đào Nha,… thì năm 2004 họ đã có một giải đấu xuất thần để đi thẳng một mạch đến chức vô địch với một đội hình không có ngôi sao nhưng thi đấu vô cùng kỷ luật.
Tuy nhiên khi thời điểm đó qua đi, lứa cầu thủ 2004 cũng không còn giữ phong độ. Ngay lập tức họ quay trở về hình hài của một đội bóng yếu kém và sa sút trong các đấu trường lớn sau đó là EURO và World Cup.
Nếu như xem Hy Lạp là một hiện tượng thì Đan Mạch của năm 1992 thậm chí còn được coi như là một kỳ tích của bóng đá. Họ thậm chí còn không qua được vòng loại EURO và trong khi các cầu thủ đều đã lên kế hoạch để nghỉ hè xem EURO thì đột nhiên… Đan Mạch được gọi vào đá VCK EURO vì Nam Tư do chiến tranh không thể tham dự. Năm ấy với người hùng là thủ thành Peter Schmeichel, những chú lính chì Đan Mạch đã viêt nên một câu chuyện cổ tích thật sự khi từ vai trò của một đội chỉ gọi tham gia cho đủ số họ đã đi thẳng đến chức vô địch EURO vô cùng cảm xúc của mình.
Thế nhưng bóng đá hay những môn thể thao khác đều có chung một quy luật “Phong độ chỉ là nhất thời,…”. Từ sau chức vô địch năm ấy, người Đan Mạch cũng đã chú trọng hơn vào khâu phát triển nền bóng đá của mình nhưng họ cũng không thể che giấu được hình hài chỉ là đội bóng tầm trung ở châu Âu và về sau không bao giờ có thể tiến sâu tại một giải châu lục.
U23 Việt Nam không phải là một hiện tượng nhất thời
Quay lại với Olympic – U23 Việt Nam, sau trận thua trước Hàn Quốc chúng ta có một vài điều luyến tiếc nhưng phải nói rằng đẳng cấp vẫn còn chệnh lệch và kết quả đó thực sự xứng đáng. Tuy nhiên người hâm mộ đã có thêm những cơ sở để đặt niềm tin và hi vọng.
Thật sự chúng ta cần phải cảm ơn thành tích của Olympic Việt Nam tại ASIAD 2018 vì thành tích ấy đã giúp chúng ta trả lời được thành tích tại U23 châu Á 2018 của U23 Việt Nam không đơn thuần chỉ là một hiện tượng như Hy Lạp hay Đan Mạch – vụt sáng rồi vụt tắt.
Nhìn rộng ra có thể thấy thành công của Hy Lạp và Đan Mạch xuất phát từ sự xuất thần của một số cá nhân đi cùng một đội hình tổ chức kỷ luật còn U23 Việt Nam là thành quả của hàng chục năm làm lại và đào tạo bóng đá, lứa Công Phượng, Quang Hải đều là sản phẩm của các lò đào tạo bài bản, cầu thủ vừa có kỹ năng tốt, đạo đức tốt và chuyên nghiệp trong thi đấu.
Rõ ràng với 2 thành tích vẻ vang liên tiếp ở đấu trường châu lục người hâm mộ có quyền tin yêu và hy vọng vào nền bóng đá khởi sắc hơn trong những năm tiếp theo. Thứ mà người hâm mộ cần là tinh thần và ý chí thi đấu hết mình của đội tuyển. Thứ mà người làm bóng đá cần là một sự tiến bộ vững vàng, khẳng định thực lực thật sự của nền bóng đá chứ không phải thành công ở một trận bán kết, chung kết. Một tấm huy chương vàng để rồi mãi mãi vụt tắt như Hy Lạp, Đan Mạch.
(Bạn đọc: Nhữ Phương)