Ngay ở World Cup đầu tiên tổ chức năm 1930 tại Uruguay, công tác trọng tài đã có vấn đề. Trong trận đấu giữa Pháp và Argentina, khi đội tuyển Argentina đang dẫn trước 1-0, đội tuyển Pháp tràn lên tấn công với quyết tâm tìm bàn gỡ.
Nhưng nhịp độ lên bóng của Pháp bất ngờ bị chặn lại bởi tiếng còi… kết thúc trận đấu của trọng tài. Khi các cầu thủ Pháp phản ứng dữ dội, ông trọng tài mới giải thích là mình nhìn nhầm đồng hồ và đã thổi còi hơi sớm, khi trận đấu mới diễn ra được 84 phút. Sau đó, ông trọng tài đã cho thi đấu nốt những phút còn lại, nhưng Pháp chẳng còn tâm trạng nào mà đá bóng nên chấp nhận thất bại.
Tại World Cup 1978, trọng tài Clive Thomas đã “lưu danh sử sách” với một quyết định có một không hai. Ở trận đấu Brazil – Thuỵ Điển, khi hai đội đang hoà 1-1 thì Brazil được hưởng một quả phạt góc ở phút 90. Các cầu thủ Brazil đã thực hiện tình huống rất nhanh và đưa được bóng vào lưới đối phương.
Nhưng đội Brazil nhanh đến mấy thì cũng còn chậm hơn… tiếng còi của ông Thomas. Khi quả bóng còn đang bay trên không trung, dù đích đến là khung thành của đội tuyển Thuỵ Điển, trọng tài Thomas vẫn tuýt còi thông báo hết giờ. Tỷ số cuối cùng là 1-1, còn trọng tài Thomas ngay sau đó được đưa vào viện để chữa những vết bầm tím trên mặt, hậu quả của việc hứng chịu “cơn mưa” đồng xu từ các cổ động viên ngồi trên khán đài.
Ở World Cup 1982, trận đấu giữa Pháp và Kuwait diễn ra đang yên đang lành thì ông trọng tài Miroslav Stupar tạo “đột biến”. Từ một pha tấn công, Alain Giresse sút tung lưới Kuwait, giúp Pháp nâng tỷ số lên 4-1. Đúng lúc ấy, hoàng tử Fahid, Chủ tịch LĐBĐ Kuwait đã lao xuống sân phản ứng và cho rằng bàn thắng này không hợp lệ. Hoàng tử Fahid còn doạ sẽ cho đội mình bỏ cuộc nếu khiếu nại của ông không được công nhận.
Điều không ai ngờ tới đã xảy ra: Trọng tài Stupar đã… thay đổi quyết định khi không công nhận bàn thắng ấy, trong sự ngỡ ngàng của đội Pháp. Rất may là tình huống kỳ quặc này không ảnh hưởng quá lớn đến kết quả chung cuộc, khi Pháp vẫn ghi được bàn thắng nâng tỷ số lên 4-1, còn Kuwait tất nhiên không tránh khỏi thất bại và bị loại khỏi giải.
Đến World Cup 1986, Diego đã dùng tay đẩy bóng vào lưới ở trận tứ kết giữa Argentina và Anh. Các cầu thủ Anh, trong đó có thủ môn Peter Shilton đã phản ứng mạnh mẽ, nhưng trọng tài vẫn bảo lưu quan điểm đây là… bàn thắng hợp lệ. Maradona sau đó đã gọi bàn thắng này được ghi bởi “bàn tay của Chúa”, còn chính anh ở trận đó đã ghi 1 bàn thắng khác, vốn được coi là bàn thắng đẹp nhất lịch sử các vòng chung kết World Cup để giúp Argentina loại Anh và sau đó đăng quang ngôi vô địch.
World Cup 2002 là giải đấu mà đồng chủ nhà Hàn Quốc đã đạt được thành tích xuất sắc khi lọt tới bán kết. Nhưng chặng đường thành công của Hàn Quốc đã được tạo nên bởi không ít tai tiếng, khi các trọng tài đã liên tiếp đưa ra các quyết định có lợi cho họ.
Tại vòng bảng, Bồ Đào Nha bị phạt 2 thẻ đỏ trong trận đấu ở lượt cuối với Hàn Quốc, khiến họ suy sụp và bị thua 0-1. Ở vòng knock-out, tới lượt Italia bị xử ép khi trọng tài Byron Moreno bỏ qua hàng loạt tình huống đá ác ý của Hàn Quốc, sau đó rút thẻ đỏ đuổi Francesco Totti vì cho rằng anh ăn vạ trong vòng cấm (dù đây là tình huống Totti bị phạm lỗi thực sự). Ức chế vì trọng tài bẻ còi, Italia sau đó đã thua bởi bàn thắng vàng của Ahn Jung Hwan.
Vòng tứ kết, chạm trán Tây Ban Nha, đội tuyển Hàn Quốc lại được trọng tài người Ai Cập “giúp đỡ”. Đã có 2 lần, Tây Ban Nha đưa được bóng vào lưới nhưng đều bị từ chối. Các pha quay chậm sau đó cho thấy, trí tưởng tượng của ông trọng tài Al Ghandou đã được phát huy và Tây Ban Nha chịu thiệt thòi. Hàn Quốc sau đó vượt qua Tây Ban Nha ở loạt sút luân lưu và phải đến khi gặp Đức tại bán kết, chiêu trò của họ mới hết tác dụng (thua 0-1).
Nhưng tình huống gây tranh cãi nhất trong lịch sử các vòng chung kết phải là quyết định của ông trọng tài Tofiq Bahramov. Trong trận chung kết giữa Anh và Tây Đức, khi tỷ số là 2-2, tiền đạo Geoff Hurst của Anh đã có một cú dứt điểm rất nhanh về khung thành Tây Đức. Quả bóng đập xà ngang, dội xuống đất rồi… bật ra.
Hai đội tất nhiên đưa ra những ý kiến trái ngược nhau. Ông trọng tài chính Dienst không kịp quan sát nên hỏi ý kiến giám biên Bahramov. Rất quyết đoán, ông Bahramov cho rằng, đó là một bàn thắng. Đến nay, tranh cãi về “bàn thắng ma” này vẫn chưa kết thúc, chỉ biết rằng nhờ có bàn thắng ấy, Anh đã đoạt chức vô địch, còn tên của ông Bahramov sau này được đặt cho sân vận động quốc gia của Azerbaijan.