Trong vòng một thập kỉ qua, nước Nga đã suy yếu đi rất nhiều về thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. Ở Thế vận hội Rio 2016, Nga bật khỏi top 4, đứng sau Mỹ, Anh, Trung Quốc trong bảng tổng sắp huy chương. Trước đó, 4 năm tại London, người Nga vẫn còn nằm trong top 3, chỉ chịu thua Trung Quốc và Mỹ.
Nền bóng đá của xứ sở Bạch dương cũng chịu số phận tương tự. Sau mùa Hè 2008 thần thánh với “sóc nhỏ” Andrey Arshavin (tiến tới Bán kết), Nga gần như mất hút trong những giải đấu lớn. Họ không thể vượt qua vòng loại World Cup 2010 và dừng chân ở vòng bảng 4 năm sau đó. Tại EURO, Nga cũng không thể lọt đến vòng loại trực tiếp trong hai kì liên tiếp (2012, 2016). Tuy nhiên, thống kê cũng chỉ ra, NHM nước Nga có thể kì vọng đôi chút bởi họ là… “đội chủ nhà”.
Cụ thể, 16 trong 20 đội chủ nhà trước đây đều vượt qua vòng bảng, bao gồm cả Nhật – Hàn Quốc năm 2002. 6 lần các quốc gia tổ chức, đăng quang trên chính quê hương mình (Uruguay 1930, Italia 1934, Anh 1966, Tây Đức 1974, Argentina 1978 và Pháp 1998).
Ngoài ra, 8 lần chủ nhà vào đến Chung kết và 13 lần họ tiến đến trận Bán kết. Đến lúc này Nam Phi là đội bóng duy nhất đứng ra đăng cai nhưng bị loại chỉ sau 3 trận. Tính đến nay, nước chủ nhà tạo ra những cơn địa chấn thật sự tại các vòng Chung kết World Cup là Chile năm 1962 và Hàn Quốc 2002. Cả hai đều lọt vào top 4. Đáng tiếc, chiến tích không tưởng của đội bóng xứ Kim chi đã bị che mờ đi phần nào bởi những sự cố liên quan đến trọng tài tại giải năm đó.
Trở lại với những vấn đề của tuyển Nga tại giải lần này. Họ thi đấu khá bết bát trong những trận giao hữu tiền World Cup. Từ tháng 11 năm 2017, các học trò của ông Stanislav Cherchesov chưa biết đến mùi chiến thắng. Họ thi đấu 6 trận với kết quả thua 3 hòa 3. Thậm chí, hàng thủ của tuyển Nga không có trận nào giữ được sạch lưới.
Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn chưa phải là dấu chấm hết với Nga. Sân nhà và khán giả nhà là hai thứ mà bất kì đội bóng cũng cần phải dè chừng. Khỏi nói cũng biết độ cuồng nhiệt khi xem bóng đá của người Nga. Thế nên, cứ tưởng tượng với hơn 80 người “chiếc loa” cùng vang lên một lúc tại Luzhniki, dù đó là Luis Suarez hay Mohamed Salah đều phải có những “bấn loạn” nhất định. Thực tế, ngoài Uruguay vượt trội về mặt sức mạnh, Ai Cập và Saudi Arabia không nhỉnh là bao nếu đem so sánh với tuyển Nga. Chỉ cần thi đấu chặt chẽ cộng thêm đôi chút may mắn, Nga hoàn toàn có thể đứng nhì tại bảng A.
Xem lại trận hòa gần nhất giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ: