Cho đến lúc này của World Cup 2018, dù Brazil đã có vé dự knock-out và Neymar cũng đã đóng góp ít nhiều trong hành trình giật tấm vé ấy, nhưng để cô đọng một ấn tượng về chàng cầu thủ này, khá nhiều người vẫn cảm thấy nó như chỉ một cơn gió thoảng qua, chưa thật sự trở thành cơn bão như Mbappe.
Rất nhiều người có chung cảm giác rằng Neymar giống như một đứa trẻ được cả đất nước Brazil nuông chiều. Anh xuất hiện vào thời điểm nền bóng đá vĩ đại này đã cạn kiệt nhân tài và đó là lý do cả nước Brazil phải “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” với Neymar.
Việc nổi tiếng và được tâng bốc từ quá sớm khiến Neymar tình cờ bỏ qua mất một giai đoạn rất quan trọng của đời cầu thủ: giai đoạn chịu khổ. Rất nhiều cầu thủ nổi tiếng đã lớn lên từ quá trình… lau giày, nhặt bóng cho các đàn anh. Họ đã từng trải qua những thời gian cực khổ để theo đuổi niềm đam mê nên khi cơ hội đến, họ rất biết cách trân trọng nó.
Trong khi đó, Neymar gần như không phải trải qua một quá trình chịu đựng hay phải oằn mình trong những lời chỉ trích. Trận thua tan nát 1-7 của Brazil trước Đức tại World Cup 2014 được cho rằng do Neymar vắng mặt mà ra nông nỗi đó. Sự tâng bốc lâu dần thành ru ngủ. Nó gieo vào đầu Neymar suy nghĩ rằng anh là ngôi sao duy nhất của vũ đoàn samba.
Nhờ đường đi quá thênh thang, Neymar dường như vẫn đang đứng trên lằn ranh giữa một cầu thủ lớn và một chàng diễn viên đá bóng. Trong một trận đấu mà Brazil kiểm soát thế trận, ghi được những bàn thắng và gần như không phải chịu sự phản kháng từ đối thủ, những gì Neymar làm trên sân thường mang tính giải trí rất cao.
Tuy nhiên, nếu Brazil gặp một trận đấu khó khăn và bất giác mọi ánh mắt đổ dồn về Neymar chờ đợi anh thể hiện bản lĩnh của một cầu thủ lớn, thường thì chúng ta sẽ nhận về sự thất vọng thường xuyên hơn là được đền đáp. Neymar vẫn giống như một diễn viên đá bóng hơn là chiến binh thật sự.
Những con số thống kê tại World Cup lần này sẽ cho người hâm mộ thấy rõ hơn diện mạo của Neymar trong mắt giới chuyên môn. Anh trải qua 3 trận, mỗi trận chỉ chuyền trung bình 49 lần, quá ít so với hơn 70 lần Neymar được nhận bóng từ đồng đội. Như vậy cứ theo logic mà suy ra: sau khi có bóng, Neymar thường có thói quen trình diễn các kỹ năng đi bóng rồi tự mất. Đó là lý do tại sao anh chạm bóng hơn 70 lần mỗi trận nhưng chỉ chuyền trung bình 49 đường.
Sau khi vòng bảng khép lại, Neymar thực hiện tổng cộng 8 cú dứt điểm và chỉ ghi được 1 bàn thắng. Đó thực tế chỉ là tình huống Neymar đệm trái bóng vào khung thành hoàn toàn bỏ trống từ cự ly 1 mét. Cùng với Lionel Messi, Neymar nằm trong top đầu những cầu thủ mất nhiều cú sút nhất cho một bàn thắng tại World Cup lần này.
Chỉ số duy nhất Neymar đang hơn tất cả cầu thủ tại World Cup 2018 là số lần… bị phạm lỗi (17 lần). Con số này là hậu quả của việc Neymar cầm bóng quá nhiều và thường xuyên lao vào đám đông chứ nó không thể hiện anh bị đối phương chăm sóc quá kỹ càng.
Neymar cũng nằm trong top những ngôi sao… rơi nhiều nước mắt nhất. Sau bàn thắng ấn định chiến thắng 2-0 trước Costa Rica, Neymar đã khóc nức nở như thể anh vừa lập công đưa Brazil lên ngai vàng World Cup. Giải thích thế nào cho những giọt nước mắt đó đây?
Vì anh cởi bỏ được áp lực nên mới vỡ òa như vậy ư? Áp lực đó là áp lực nào? Neymar không bị ép phải rực sáng bằng mọi giá ở World Cup lần này. Vì cho dù anh không rực sáng thì cũng đã có những người khác làm thay.
Đừng quên rằng bàn thắng Brazil ghi vào lưới Thụy Sỹ trận mở màn, lẫn pha làm bàn giúp Selecao gần như chắc chắn thắng Costa Rica đều do Coutinho ghi chứ không phải Neymar.
Có quá nhiều yếu tố “diễn” trong cách chơi bóng lẫn ứng xử trên sân cỏ của Neymar. Một cầu thủ sẽ không bao giờ trở nên vĩ đại khi đặt cái tôi của mình lên trên tất cả. Neymar nếu vẫn còn ưa thích được trình diễn trên tất cả sân khấu, anh sẽ mãi chỉ là chàng diễn viên đá bóng mà thôi.