Không phải là câu chuyện về em trai của một nam ca sĩ đình đám, không phải câu chuyện về một tân binh “ngậm thìa vàng”, MONO ở đây hôm nay, trong bài viết này, sẽ kể câu chuyện về âm nhạc – thứ đã được cậu tạo tác từ những câu chuyện của mình, của người và quay trở lại kết nối tất cả những con người ấy bằng thứ ngôn ngữ của âm nhạc.
Ngày MONO – ở tuổi 22, debut với album “22”, mạng xã hội “dậy sóng” vì tân binh vốn không phải cái tên xa lạ.
Ngày đó, công chúng nhắc đến cậu với cụm từ gắn liền với tên của một nam ca sĩ nổi tiếng khác. Là em trai của một nghệ sĩ đình đám như thế, ngay từ khi quyết định bước vào con đường nghệ thuật đầy hào nhoáng nhưng cũng lắm thị phi này, hơn ai hết, có lẽ MONO là người hiểu rõ nhất: Xuất phát điểm càng cao thì kỳ vọng của công chúng sẽ càng nhiều.
Ngày đó, báo chí, cộng đồng mạng nhắc rất nhiều đến cụm từ “em trai Sơn Tùng” và cho rằng đó là thử thách lớn mà cậu chàng tuổi đôi mươi phải vượt qua, rằng MONO phải làm thế nào để “thoát khỏi” cái bóng của anh trai?
Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ, câu giới thiệu đầu tiên của MONO trong ngày debut là: “Mình là Việt Hoàng, con của bố Thiện, mẹ Bình và là em của anh Tùng”. Vậy nên, rõ ràng, với MONO, anh trai hay gia đình chưa và sẽ không bao giờ là thử thách hay là “cái bóng” mà cậu phải tìm cách “thoát” ra.
Thử thách duy nhất với MONO hiện tại, có chăng chính là định nghĩa bản thân mình bằng âm nhạc. Ở thời điểm này, ngồi lại với chúng tôi – là MONO sau 2 tuần chính thức debut với MV đầu tay thành công lập thành tích Top 1 Trending YouTube, cả 8 ca khúc trong album đều lọt vào charts và hơn hết, là tân binh được khán giả nhớ đến với cái tên MONO, thì chàng trai trẻ ấy đã có thể tự hào rằng mình đã thành công vượt qua thử thách đầu tiên.
Và cũng có lẽ vì xuất phát điểm cao, nhiều người kỳ vọng một câu chuyện nào đó nhiều thăng trầm hơn phía sau màn debut của MONO, rằng cậu đã có quãng đường nào lệch ra khỏi quỹ đạo trước khi thẳng tiến đến mục tiêu âm nhạc của mình. Nhưng rất tiếc, sẽ chẳng có câu chuyện nào quá phức tạp hay “drama hóa” phía sau sân khấu của MONO.
Trên sân khấu là một MONO cháy bỏng thế nào với âm nhạc thì phía sau sân khấu, cũng là một MONO đầy đam mê, đầy nhiệt huyết với âm nhạc như thế ngay từ khi còn bé.
“Đó là một hành trình từ khi tôi còn bé cho đến khi tôi nhận thức được mình yêu âm nhạc và muốn trở thành một nghệ sĩ như thế nào. Từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ đi lệch khỏi quỹ đạo con đường âm nhạc của mình. Tôi luôn luôn theo đuổi, luôn luôn đam mê và luôn luôn yêu nó”.
Giữa làng giải trí đã có quá nhiều cái tên của người trẻ – và đôi khi cũng không còn trẻ nữa, nhưng vẫn khao khát đến tham vọng thể hiện cái tôi của bản thân, vẫn có một nghệ sĩ trẻ chọn bắt đầu bằng việc học cách lắng nghe.
Đó cũng là cách MONO sáng tạo nên âm nhạc của mình: “Tôi thích lắng nghe, tất cả mọi thứ. Không quan trọng đó là câu chuyện gì hay câu chuyện của ai. Miễn là nó mới mẻ và thu hút. Tôi lắng nghe và đắm chìm trong những suy nghĩ nếu mình là chủ thể trong câu chuyện đó, mình sẽ cảm thấy thế nào. Đó cũng là những góc nhìn, những cảm xúc giúp tôi làm nên âm nhạc của mình”.
“22” vì thế có thể xem như quyển nhật ký được viết bằng âm nhạc của MONO – nơi ghi lại tất cả những cảm xúc, câu chuyện của chính bản thân cậu và những người xung quanh mà cậu được nghe.
Khi những xúc cảm ấy được gom góp, được sáng tạo, được nuôi dưỡng bằng âm nhạc và quay trở lại nuôi dưỡng, kết nối những tâm hồn khác – những trái tim mà MONO gọi là “cùng năng lượng, cùng tần số”.
Nghe có vẻ đơn giản nhưng vốn dĩ, ranh giới giữa “sáng tạo” và “phản ánh” rất mong manh. Nói cách khác, nếu MONO chỉ đơn thuần là kể lại những câu chuyện hay cảm xúc của người khác, đó chỉ là sự miêu tả. Những chất liệu đó chỉ có thể biến thành nghệ thuật khi MONO mang tư duy âm nhạc, cái tôi nghệ thuật cùng sự lao động sáng tạo của mình vào.
Thật may, tư duy của chàng trai 22 tuổi trong album đầu tay đã có rất nhiều thứ đáng để lưu tâm. Riêng việc quyết định debut bằng một album đã là việc hiếm thấy ở một tân binh. Để làm được điều đó, ngoài khả năng ca hát hay sáng tác, nó còn đòi hỏi một tư duy sáng tạo sâu sắc hơn để liên kết, thống nhất và tạo nên câu chuyện riêng cho album của mình.
Với “22” của MONO, đó là câu chuyện về những giai đoạn trong tình yêu. Ngoài nội dung, tư duy âm nhạc của MONO còn được chứng minh qua cách cậu thể hiện âm nhạc của mình. Những đoạn intro tưởng như “vô thưởng vô phạt” lại là sự kết hợp phá cách nhưng cũng rất hài hòa giữa cảm hứng tình yêu của thế hệ trước và thế hệ hiện tại, thậm chí là kết hợp giữa âm nhạc và điện ảnh.
Tất cả những tố chất đó cùng với sự cầu tiến, khán giả hoàn toàn có thể kỳ vọng nhiều hơn ở chàng trai này. Ở tuổi 22, con đường phía trước chắc chắn còn nhiều thử thách và cả những biến số khó đoán trước. Song,chỉ cần MONO vẫn giữ tinh thần của hiện tại – một tinh thần không ngừng nỗ lực để trở thành phiên bản tốt hơn thì 5 năm sau, ở tuổi 27, cái tên MONO đã có một vị trí riêng trên bản đồ V-Pop, thậm chí xa hơn là ở thị trường quốc tế có lẽ sẽ không chỉ là một giấc mơ.
Bài viết: Thục Vy
Thiết kế: Thiên Trúc
Vy