Mới đây, bóng đá Trung Quốc đã có cầu thủ nhập tịch đầu tiên trong lịch sử. Đó là John Hou Saeter (Hou Yongyong), tiền vệ có cha người Na Uy còn mẹ là người Trung Quốc và trưởng thành từ lò đào tạo của CLB Rosenborg danh tiếng tại Na Uy.
Trong 3 mùa bóng khoác áo đội bóng này, Saeter từng cùng Rosenborg giành cú đúp danh hiệu quốc nội ở mùa giải 2015. Anh cũng là thành viên quen mặt của các đội tuyển trẻ Na Uy từ U15 tới U18 và tràn trề cơ hội khoác áo đội tuyển quốc gia nước này khi năm nay mới bước sang tuổi 21.
Thế nhưng, với chính sách mời gọi các cầu thủ có nguồn gốc Trung Quốc hồi hương thi đấu của Liên đoàn bóng đá Trung Quốc (CFA), Saeter quyết định trở về quê mẹ thi đấu cho CLB Beijing Guoan. Và mới đây, tiền vệ này cũng xin lại thành công quốc tịch và đủ điều kiện cống hiến cho đội tuyển Trung Quốc.
Đây là trường hợp xin quốc tịch thành công đầu tiên trong lịch sử bóng đá đất nước này và rất có thể, sẽ là tiền đề cho một làn sóng cầu thủ nhập tịch ồ ạt tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Nico Yennaris và Tyias Browning là hai cái tên tiếp theo nhiều khả năng sẽ tiếp bước Saeter.
Với các CĐV Arsenal, Nico Yennaris (Li Ke) không còn là cái tên xa lạ khi từng có 11 năm ăn tập cùng lứa với những Jack Wilshere, Francis Coquelin hay Emmanuel Frimpong trước khi có màn ra mắt đội một tại Ngoại hạng Anh năm 19 tuổi.
Với lối chơi thông minh cùng sự đa năng khi có thể chơi tốt ở cả vị trí tiền vệ phòng ngự cũng như hậu vệ phải, Yennaris được kỳ vọng sẽ là quân bài hữu dụng trong đội hình HLV Arsene Wenger.
Thế nhưng, những chấn thương gặp phải khiến Yennaris không phát triển được đúng như kỳ vọng. Cầu thủ này phải dạt sang thi đấu cho CLB Brentford tại giải hạng Ba của Anh trước khi trở về Beijing Guoan thi đấu vào tháng 1 năm nay.
Cũng giống như Saeter, Yennaris có mẹ là người Trung Quốc. Hơn nữa, cầu thủ sinh năm 1993 được đánh giá là rất am hiểu về văn hóa nơi đây. Điều này phù hợp với tiêu chí lựa chọn cầu thủ nhập tịch của CFA, và theo truyền thông nước này, quá trình xin lại quốc tịch của Yennaris đang diễn ra vô cùng thuận lợi.
Một cái tên khác cũng trở về Trung Quốc vào tháng Một năm nay là hậu vệ trái Tyias Browning, với điểm đến là nhà đương kim á quân Chinese Super League, CLB Guangzhou Evergrande.
Trưởng thành từ lò đào tạo CLB Everton, hậu vệ 25 tuổi có 7 mùa bóng gắn bó với đội bóng vùng Merseyside và từng có thời điểm là sự lựa chọn thứ hai bên hành lang trái của CLB sau Leighton Baines.
Thế nhưng, cũng giống Yennaris, Browning không thể phát triển đúng với tiềm năng vốn có và phải phiêu dạt tới những đội bóng ở các hạng đấu thấp hơn như Wigan, Preston North End hay Sunderland trước khi trở về Trung Quốc thi đấu.
Quá trình xin lại quốc tịch của cầu thủ này cũng đang diễn ra rất thuận lợi. Và nếu thành công, trong tương lai, người hâm mộ bóng đá Trung Quốc hoàn toàn có thể được chứng kiến đôi cánh mang tiêu chuẩn Ngoại hạng Anh là Nico Yennaris – Tyias Browning trong đội hình đội tuyển quốc gia nước này.