Chúng ta vẫn nghĩ rằng cá là phải sống dưới nước. Tuy nhiên, vẫn có một số loài cá thuộc trường hợp ngoại lệ, mặc dù mang hình hài của một chú cá nhưng chúng lại có thể sống trong môi trường khô cạn hàng tháng trời.
Đó chính là cá phổi Châu Phi, loài cá có khả năng sống trên cạn mà không cần tới nước trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm.
Cá phổi hay còn được gọi là Lungfish, là một loại cá nước ngọt nổi tiếng nhờ khả năng đặc biệt kể trên. Chúng thường sống ở các vùng nước nông như đầm lầy. Cá phổi sống ở nhiều nơi tại châu Phi, trong những hồ nước nhỏ thường khô cạn khi trời không mưa trong thời gian dài. Khi điều này xảy ra, cá phổi tạo một chiếc kén bao quanh cơ thể bằng chất nhầy. Nhờ đó, nó có thể “ngủ hè” tới mấy tháng trời mà không cần nước. Mục đích của chiếc kén là bảo vệ cá phổi khỏi bị khô trong lúc chờ môi trường ẩm ướt trở lại.
Theo các nhà khoa học, hệ thống hô hấp của cá phổi đã tiến hoá ở mức cao. Chúng lấy oxy thẳng từ không khí giống như các động vật trên cạn. Khi di chuyển trong nước, cá phổi thở bằng mang. Sau khi rời khỏi mặt nước, cá phổi thở bằng bong bóng cá. Giống như động vật có vú trên cạn, không khí được hít vào từ lỗ mũi của cá phổi và đi vào bong bóng với “chức năng của phổi”.
Bong bóng của cá phổi rất độc đáo, nó chứa đầy các phế nang với các kích thước khác nhau, đồng thời được bao phủ bởi các mạch máu nhỏ hình lưới. Từ cấu tạo và chức năng sinh lý, nó hoàn toàn giống phổi của động vật có vú trên cạn.
Trong thời gian ngủ hè, chúng sẽ giảm nhu cầu trao đổi chất xuống mức tối thiểu. Khi mùa mưa tới, nước khiến lớp bùn mềm đi, chúng mới phá kén chui ra. Một số tài liệu cho thấy, cá phổi có thể sống dưới lòng đất tới 5 năm.
Tại châu Phi, người dân địa phương thường bắt cá phổi bằng cách đào đất khô và moi chúng lên. Tuy nhiên, loài cá này được cho là có mùi nặng, khó ăn nên không phải du khách nào cũng có thể dễ dàng thích nghi khi ăn cá phổi.