Đã 14 năm kể từ ngày chiến lược gia người Bồ Đào Nha ‘thực sự’ bước vào cuộc chiến tranh trên băng ghế chỉ đạo. Đó là khi Chelsea mời về một nhà vô địch Châu Âu đến từ FC Porto, và cũng chỉ có vậy, Jose Mourinho đã khiến làng bóng đá phải dậy sóng với câu nói ‘tôi nghĩ mình là người đặc biệt’ khi nhậm chức tại sân Stamford Bridge.
Tên tuổi của ông đã được biết đến rộng rãi từ trước đó vài tháng, đặc biệt là trận hoà oanh liệt trên sân Old Trafford trước đội chủ nhà Manchester United tại Champions League 2004. Nhưng kể từ khi đặt chân đến nước Anh, người ta mới nhận ra ‘sự đặc biệt’ đến ngạo mạn của nhà cầm quân này.
Ai cũng biết đội bóng của Sir Alex Ferguson là thế lực hùng mạnh nhất xứ sương mù vào thời điểm những năm đầu thiên nhiên kỷ mới, và chưa kể đến Liverpool và Arsenal cũng là những ông kẹ ở giải đấu cao cấp nhất nước Anh. Nhưng cá nhân Mourinho đã chứng minh được tài năng ngay khi đến với Premier League với 2 chức vô địch liên tiếp, và gần như đánh bại tất cả các đối thủ trong hành trình vinh quang đó.
Dù vậy, điểm ‘khác người’ của ông không chỉ dừng ở tài năng mà còn là tính cách có phần ngạo mạn khi rất nhiều lần gây hấn với Sir Alex, Arsene Wenger và Rafa Benitez. Thậm chí, Mourinho còn mỉa mai giáo sư người Pháp với câu nói ‘ông ta là chuyên gia thất bại’ và rất nhiều những sự châm chọc dành cho các đối thủ.
Sau những thất bại liên tiếp tại Champions League cùng Chelsea, vị thuyền trưởng 55 tuổi khi đó đã chuyển sang Inter Milan và sau đó là Real Madrid nhưng sự ‘hục hoặc’ vẫn chẳng vơi đi, và nó còn lan sang những đối tượng khác – ở đây là các học trò tại sân Santiago Bernabeu. Đỉnh điểm của sự căng thẳng là trát sa thải đến từ chủ tịch Florentino Perez.
Tưởng đâu sự đời của Mourinho đã khép lại tại Anh cách đó 6 năm, nhưng một lần nữa, đội chủ sân Stamford Bridge lại rơi vào hoàn cảnh bĩ cực và sự tái hợp cũng được diễn ra sau khi Benitez chuyển đến Napoli cầm quân (trước đó là HLV tạm thời của Chelsea).
Lần này, Mourinho đã ‘khôn khéo’ hơn khi không trực tiếp gây hấn mà ông tác động lên các học trò bằng cách phá bĩnh bằng được chức vô địch của Liverpool. Trận thắng 2-0 ngay tại Anfield ở vòng 35 Premier League 2013-14 chính là bước ngoặt giúp… Man City đăng quang với 2 điểm nhiều hơn The Kop.
Chức vô địch Ngoại hạng Anh ở mùa giải sau đó đã không thể cứu vớt được những căng thằng được đẩy lên đỉnh điểm giữa ông và các học trò trong năm thứ 3 (nhiệm kỳ 2) dẫn dắt Chelsea. Cuối cùng, lần thứ 2 Mourinho chia tay với đội bóng phía Tây London (ở giữa mùa giải) là điều không làm nhiều người bất ngờ với thành tích đứng thứ 10 trên bảng xếp hạng chung cuộc năm 2016.
Quãng nghỉ ngơi khoảng 6 tháng có vẻ như đã khiến chiến lược gia người Bồ thấu hiểu hơn về sự được – mất trong nghề. Hơn nữa, động thái tiếp quản chiếc ghế của Louis Van Gaal năm 2016 tại Man Utd cũng phần nào nói nên sự điềm tĩnh hơn trong tính cách của Mourinho, bởi đội bóng đã từng vô địch nước Anh 20 lần là nơi khác biệt so với phần còn lại với bề dày lịch sử cũng như sự tự tôn của nhà vô địch vốn đã tồn tại kể từ khi Sir Alex đến với đội bóng vào năm 1986.
Vẫn có những sự nóng nảy không cần thiết đã xảy ra trong phòng thay đồ khi Mourinho chỉ trích các học trò, đặc biệt là Luke Shaw nhưng các cầu thủ Man Utd không có ‘truyền thống’ bật lại huấn luyện viên như ở nơi khác, và dĩ nhiên phần thắng đã thuộc về chiến lược gia người Bồ.
Đã có những lúc Mourinho chia sẻ rằng ông cảm thấy hối hận với những gì mình đã làm trong quá khứ với các đồng nghiệp (gây hấn với Arsene Wenger) – đến đây, người ta nhầm tưởng rằng Mourinho đã chuyển hoá từ một huấn luyện viên thông thường sang một nhà quản lý – đi theo con đường mà Sir Alex đã chọn tại sân Old Trafford. Nhưng giang sơn dễ đổi, bản tính lại khó dời…
Mới đây nhất, bản ngã của cựu thuyền trưởng Chelsea lại bộc phát, thậm chí còn mạnh mẽ hơn rất nhiều so với những thứ từng xảy ra trong quá khứ. Ông trực tiếp gây áp lực lên phó chủ tịch Ed Woodward về công tác chuyển nhượng không theo ý mình. Thậm chí còn sẵn sàng chỉ trích Antonio Valencia ngay trên sân tập, dù cầu thủ người Ecuador luôn là người rất nhiệt huyết nếu không gặp phải vấn đề nào đó liên quan đến sức khoẻ.
Nhiều người cho rằng, thực tế Mourinho không phải là sự lựa chọn của ban lãnh đạo Man Utd cách đây 2 năm, nhưng vì đối thủ cùng thành phố đã chọn Pep Guardiola nên họ buộc lòng phải bổ nhiệm ông vào chiếc ghế nóng và đặt cược tương lai đội bóng với một gã ‘lắm chiêu trò’ như vậy.
Giờ đây, sau sự cố với Ed Woodward, tương lai của Mourinho đang bị đặt một dấu hỏi lớn. Chẳng ai biết trước ông có bị sa thải hay không nhưng Man Utd chưa bao giờ là nơi thích hợp với một người có tính cách mạnh mẽ theo chiều hướng tiêu cực như vậy. Vì thế, sẽ không bất ngờ nếu trong tương lai gần chúng ta đọc được một dòng thông báo ‘Man Utd đã chính thức sa thải Mourinho…’.
Người ta nói, ‘sông càng sâu, càng tĩnh lặng – lúa càng chín, càng cúi đầu’ để chỉ sự trưởng thành hơn của một ai đó khi đã có tuổi. Tuy nhiên, qua bao thăng trầm trong sự nghiệp, điều đó lại có vẻ không đúng với Mourinho. Có lẽ, chiến lược gia người Bồ đang giống với một nhánh gừng già, nhưng ở đây – gừng càng già càng… cay cú!