Vài năm qua, dù Tottenham đã lột xác còn Arsenal có dấu hiệu thoái trào nhưng rồi sau tất cả người ta chợt nhận ra rằng con đường mà đội chủ sân White Hart Lane đang đi là để trở thành… Arsenal mà thôi. Đáng nói đây lại là một Arsenal thất vọng nhất trong triều đại Arsene Wenger – người đã ra đi để kết thúc triều đại 22 năm đầy thăng trầm của mình.
Lý do khiến Wenger phải ra đi thì chẳng phải nói nhiều ai cũng hiểu quá rõ. Từ năm 2005 đến nay, ngoài những danh hiệu “bỏ đi” của các đối thủ, Arsenal chẳng có nổi Ngoại hạng Anh hay Champions League. Trong hành trình hơn 10 năm thống khổ ấy, từng năm trôi qua, CĐV Arsenal phải đứng nhìn Liverpool quật khởi với 2 lần vào chung kết Champions League (2005, 2007, tính luôn 2018 là 3 lần), Man United vẫn làm mưa làm gió với thời Sir Alex Ferguson còn những đội vốn chiếu dưới họ như Chelsea, Man City và cả… Tottenham không ngừng lớn mạnh và vượt mặt Pháo thủ. Đó là lý do Giáo sư phải ra đi.
Dù 5 năm chẳng là gì so với 22 năm nhưng 5 năm của một HLV tại CLB là thời gian đáng kể, nhất là trong bóng đá hiện đại. Và đó là thời gian mà Mauricio Pochettino dẫn dắt Tottenham. 5 năm – khoảng thời gian đủ dài, thậm chí là quá đủ để một chiến lược gia có thể làm được “điều gì đó” cho đội bóng.
Nhưng “điều gì đó” mà Pochettino mang lại cho Tottenham chỉ là một vị thế khác, phong thái khác, và tạm gọi là đẳng cấp khác, nhưng danh hiệu chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Trên tất cả, danh hiệu vẫn là thước đo chuẩn mực nhất cho tài năng một HLV. Chính vì Wenger không có danh hiệu nên phải rời cái nơi mà ông xem như là nhà suốt 22 năm qua.
Từ năm 2014 đến giờ, mối tình Tottenham – Pochettino vẫn không đơm hoa kết quả “thực tế”. Vậy thì năm nay và những năm tới thì sao?
Dù mùa giải chỉ mới bắt đầu nhưng nhìn những gì mà Tottenham đang thể hiện, mấy ai dám tin rằng năm nay họ sẽ làm nên chuyện? Ngoại hạng Anh đấu 5 trận thua tới 2. Thống kê mấy mươi năm qua cho thấy, không một nhà vô địch nào có thể lên ngôi tại Premier League sau khi để thua quá 7 trận. Cho nên nếu đánh cược Tottenham không thua 5/33 trận còn lại thì gần như là một nhiệm vụ bất khả thi.
Hai trận thua Watford và Liverpool đã phơi bày hết mọi điểm yếu của thầy trò Mauricio Pochettino lúc này: đội hình thiếu chiều sâu, lệ thuộc Harry Kane, lối đá bị bắt bài. Trong khi những Man City, Chelsea hay Liverpool không ngừng lớn mạnh thì đừng nói Tottenham mơ về chức vô địch mà ngay cả một vị trí trong tốp 4 để giành vé dự Champions League cũng khó với Gà trống trong tình thế hiện tại.
Còn ở mặt trận Châu Âu, xem ra niềm hy vọng cho Tottenham cũng chẳng khá hơn bao nhiêu. Những lá thăm may rủi đã đưa đẩy Tottenham rơi vào chung bảng với gã khổng lồ Tây Ban Nha là Barcelona, đại gia Hà Lan PSV và tên tuổi lớn của Serie A Inter Milan. Rõ ràng cửa đi tiếp cho họ cũng là gian nan nói gì đến tham vọng tiến sâu rồi vô địch.
Một trong những nguyên nhân khiến Tottenham sớm bị đánh giá thấp thời điểm này chính vì họ không có được những bổ sung chất lượng trong kỳ chuyển nhượng mùa hè. Và điều dẫn đến sự “thắt lưng buộc bụng” đó chính vì Tottenham chẳng còn dư giả khi dự án xây SVĐ mới vừa sắp hoàn thành. Với tình hình tài chính như hiện tại thì Tottenham khó mà “chạy đua vũ trang” với những CLB giàu có khác (như thời Arsenal xây Emirates). Và bóng đá hiện đại đã cho thấy nếu cứ trông chờ vào “nội lực” thì trước sau gì cũng thất bại mà thôi.
Không chỉ chẳng mua được nhiều ngôi sao mà người ta còn đang vẽ ra một viễn cảnh chẳng mấy sáng sủa cho Tottenham. Với một đội bóng chỉ mãi đóng vai kẻ thách thức, không danh hiệu thì việc các trụ cột lần lượt ra đi là điều khó tránh khỏi.
Trong quá khứ, chính vì Tottenham “thấp bé nhẹ cân” so với những Man United, Real Madrid nên đã bị mất đi những ngôi sao xuất sắc của mình như Michael Carrick, Gareth Bale hay Luka Modric. Thử tưởng tượng xem nếu đội chủ sân White Hart Lane còn đủ những ngôi sao ấy thì lợi hại đến mức nào. Tuy nhiều điều mà CĐV lo lắng nhất lúc này là làm sao giữ chân được những Kieran Tripper, Toby Alderweireld, Eric Dier, Dele Alli, Christian Eriksen hay Harry Kane trước sự chèo kéo của những kẻ thừa tiền lắm của và đủ sức đảm bảo mang về cho những ngôi sao này một thứ mà Tottenham vẫn mãi chưa có: danh hiệu!
Tình thế này gợi cho người ta nhớ về Arsenal khi họ loay hoay với việc mất đi ngôi sao lớn (Thierry Henry, Cesc Fabregas, Robin Van Persie… ), sức mạnh giảm, không danh hiệu lại khiến ngôi sao ra đi…
Dù đã cố gắng hết sức để vượt qua Arsenal ở mùa giải qua nhưng có một thực tế rằng dường như Tottenham đang rơi vào con đườg mà đại kình địch sa lầy trong những năm cuối triều đại Wenger. Nếu không có một sự đột phá nào đó thì việc Tottenham trở thành “Arsenal thời thoái trào” cũng là điều dễ hiểu mà thôi.
(Bạn đọc: Cát Tường)