Trong cuộc chạy đua cho chiếc ghế chủ tịch của Real Madrid vào năm 2000, Lorenzo Sanz cứ ngỡ với 2 chức vô địch Champions League 1998 và 2000 sẽ chắc chắn giúp ông tái đắc cử, nhưng sự xuất hiện của Florentino Perez đã phá hỏng tất cả. Nhà tài phiệt trong ngành xây dựng bước vào “Nhà Trắng” thuyết phục trong lần thứ 2 ra tranh cử (lần đầu vào năm 1995, nhưng thất bại trước Ramon Mendoza).
Từ đây, các CĐV chứng kiến một trong những vị chủ tịch thành công nhất lịch sử CLB, chỉ sau huyền thoại Santiago Bernabeu. Với Perez, madridista được trải nghiệm cảm giác sung sướng mỗi mùa hè khi các siêu sao đều đặn cập bến, và cuối mùa là những danh hiệu đem về phòng truyền thống. Tuy nhiên, với cầu thủ và HLV Real, Perez chỉ là bạn khi đội bóng thành công. Còn ngược lại, ông đích thị là cái “máy chém”.
Thậm chí, dù có danh hiệu nhưng sai tiêu chỉ chí của Perez, bạn vẫn “ra đường” như thường. Vicente Del Bosque vừa đem về chức vô địch La Liga 2002/2003 nhưng vẫn bị chấm dứt hợp đồng, dù ông có công lớn trong việc hòa hợp các ngôi sao của Los Blancos. Chủ tịch của Real muốn nhiều hơn thế, giấc mơ của Perez luôn là một đội bóng hoàng gia lấp lánh đầy rẫy ngôi sao tấn công, thi đấu đẹp mắt và vô địch mọi danh hiệu.
Đó là lí do ông đã bán hàng loạt cầu thủ chất lượng sau sự ra đi của Del Bosque, vì cho rằng họ không mang phẩm chất “hoàng gia” như Fernando Morientes, Claudio Makelele, Steve McManaman và đội trưởng Fernando Hierro. Quyết định trên khiến Real rơi vào cơn khủng hoảng trầm trọng khi trắng tay suốt nhiều năm liền. Rất nhiều HLV đã đến Bernabeu rồi ra đi không kèn không trống. Nó gián tiếp khiến Perez mất ghế chủ tịch Real nhiệm kỳ đầu tiên.
Ở nhiệm kỳ thứ 2 của ông, Real Madrid vẫn quá khắc nghiệt. Nếu như ở Barcelona, họ có khái niệm “Musque un Club” (Còn hơn cả một CLB) để thể hiện tại Nou Camp không chỉ có những giá trị về chuyên môn, mà ở đó còn là tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên với nhau, thì Real Madrid thực sự là… một tổ chức thể thao, tại Bernabeu không chiến thắng đồng nghĩa với việc “ra đường”. Tại đây không có chỗ cho tình cảm.
Ngay cả huyền thoại của CLB như Iker Casillas cũng không thể có được dù chỉ một trận cầu tri ân khi anh rời đi vì đã không còn chỗ đứng trong đội hình chính. Cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất lịch sử Real Madrid, giành tới 4 QBV tại đây là Cristiano Ronaldo cũng cho rằng Perez là nguyên nhân khiến anh ra đi. Rằng ông chủ xem anh như đối tác làm ăn thay vì đánh giá đúng đóng góp của mình.
Ngay cả hai HLV giành tỉ lệ thắng cao nhất lịch sử CLB là Manuel Pellegrini và Carlo Ancelotti (cùng 75%) cũng phải nhận trát sa thải chỉ vì một mùa giải không danh hiệu. Florentino Perez thực sự là “gã điên” thiếu kiên nhẫn. Quyết định chấm dứt hợp đồng với Carletto vào năm 2015 khiến ông nhận làn sóng chỉ trích thậm tệ từ CĐV, sự bất mãn từ phía cầu thủ.
Nhìn lại lịch sử đó, người ta cũng không quá ngạc nhiên khi chiến lược gia chưa quá tiếng tăm như Julen Lopetegui ra đường chỉ sau một chuỗi trận không như ý. Với Perez, Real Madrid thực sự quá khắc nghiệt, quá đau đớn với bất kỳ kẻ thất bại nào.