Rất nhiều bản hợp đồng đã được ký kết, trong số đó đã có không ít những cái tên được xem là bom tấn của kỳ chuyển nhượng mùa hè như Eden Hazard và Luka Jovic cập bến Real Madrid từ Chelsea và Eintracht Frankfurt với mức phí lần lượt là 100 triệu euro và 60 triệu euro; Lucas Hernandez gia nhập Bayenr Munich từ Atletico Madrid với mức phí 80 triệu euro…
Thế nhưng có một thực tế mà ai cũng nhận ra rằng, thị trường chuyển nhượng hiện nay chịu ảnh hưởng quá nhiều của các yếu tố truyền thông và thương mại, điều này đã khiến giá trị cầu thủ luôn bị thổi phòng và đẩy lên khá cao so với những gì vốn có của nó. Nếu trước kia, chỉ những cầu thủ tấn công thuộc hạng ngôi sao mới có mức phí chuyển nhượng như vậy, thì nay ngay cả với thủ môn và hậu vệ, thậm chí những cầu thủ chỉ có trình độ ở dạng khá cũng có những cái giá trên trời đó.
Điều này nghe qua có vẻ phi lý, nhưng nó lại đang diễn ra hàng ngày trên thực tế. Với những đội bóng luôn được xếp vào hạng quý tộc như Paris Saint-Germain, Real Madrid, Bayern Munich…thì việc này chẳng có nghĩa lý gì, miễn sao họ đảm bảo được sự tuân thủ các quy định của Luật Công bằng tài chính, nhưng với các đội bóng có tiềm lực tài chính hạn chế thì quả thực là một thảm họa. Và chính những điều đó đã vô hình chung tạo ra khoảng cách ngày càng khó san lấp giữa các đội bóng.
Để minh chứng cho điều trên chúng ta hãy nhìn lại kết quả tại 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu Châu Âu mùa bóng vừa qua. Tại Premier League, màn so kè giành giật điểm số giữa Manchester City và Liverpool cuối cùng cũng tìm ra kẻ chiến thắng đó là đoàn quân áo xanh dưới sự dẫn dắt của chiến lược gia, Pep Guardiola. Nếu chỉ nhìn vào những cuộc chiến phân định ngôi vô địch, giành suất tham dự các cúp Châu Âu và cuộc chiến trụ hạng thì đây thực sự là một giải đấu tương đối hoàn hảo, nhưng nếu nhìn vào khoảng cách về trình độ và điểm số thì tất cả sẽ không khỏi giật mình. Arsenal và Manchester United, những đội bóng đại diện cho thế lực cũ hoàn toàn lép vế khi phải đối đầu với hai đội bóng trên, 28 và 32 điểm chính là khoảng cách giữa họ với đội đương kim vô địch. Với những đội bóng xếp sau họ như Wolves, Everton…thì tình hình còn có vẻ tệ hơn. Tương tự là trường hợp của những Bayern Munich, Borussia Dortmund ở Bundesliga; Juventus, Napoli ở Serie A; PSG ở Ligue I và Barcelona, Real Madrid và Atletico Madrid ở La Liga.
Sự khác biệt giữa các nhóm đội ở 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu Châu Âu đều có nguyên nhân của nó. Điều này không tự nhiên đến chỉ sau một mùa giải, mà đó là kết quả của cả một quá trình. Hãy xem các đội bóng đó đã làm gì trong thời gian qua, họ bỏ ra hàng trăm triệu bảng để liên tiếp đem về những ngôi sao nhằm nâng cao chất lượng và củng cố chiều sâu đội hình, với Manchester City là các trường hợp của Aymeric Laporte, Benjamin Mendy, Kyle Walker, Bernardo Silva, Ederson Moraes, Leroy Sane, David Silva, Sergio Aguero, Raheem Sterling, Kevin De Bruyne…Liverpool là trường hợp của Alisson Becker, Virgil Van Dijk, Mohamed Salah…Juventus là trường hợp của Cristiano Ronaldo…Bayer Munich là Mats Hummels, Corentin Tolisso…
Mặc dù mùa giải 2019/2020 vẫn chưa chính thức khởi tranh và thị trường chuyển nhượng mùa hè vẫn còn một khoảng thời gian khá dài mới đóng cửa, nhưng người hâm mộ trái bóng tròn trên khắp thế giới vẫn hình dung ra được diễn biến và kết cục ở 05 giải vô địch quốc gia hàng đầu Châu Âu. Sẽ không có gì thay đổi, vẫn là một khoảng cách khá lớn giữa các đội bóng. Ở Tây Ban Nha, sau một quãng thời gian im ắng ở kỳ chuyển nhượng trước đó, hè này Real Madrid đã kịp thời bổ sung cho mình 03 ngôi sao chất lượng gồm Eden Hazard (100 triệu euro), Luka Jovic (60 triệu euro), Rodrygo Goes (54 triệu euro), Eder Militao (50 triệu euro) và Ferland Mendy (48 triệu euro); Barcelona cũng không hề kém cạnh khi bỏ ra 75 triệu euro để chiêu mộ Frenkie De Jong từ Ajax Amsterdam và sắp tới là Antoine Griezmann…Ở Đức, Bayern Munich cũng đã tậu cho mình đôi cánh đáng mơ ước của đội tuyển Pháp gồm Lucas Hernandez (80 triệu euro) và Benjamin Pavard (35 triệu euro)…
Với các đội bóng chiếu dưới, khi không đủ sức cạnh tranh về mặt tiền bạc trên thị trường chuyển nhượng, họ buộc phải quay sang những mục tiêu ít tiềm năng hơn hoặc chuyển sang phương án sử dụng cầu thủ trẻ, Arsenal là ví dụ điển hình nhất. Thành tích không tốt trong những năm gần đây đã khiến ngân quỹ chuyển nhượng của họ hạn hẹp hơn bao giờ hết. Với tổng tiền được cấp chỉ vỏn vẹn 45 triệu bảng, rõ ràng đây là một bài toán quá khó của đội ngũ tuyển trạch đội bóng. Hãy nhìn Ryan Fraser, cầu thủ này mới chỉ nổi lên 01 mùa bóng cùng AFC Bournemouth nhưng giá trị chuyển nhượng của cầu thủ này cũng ngốn gần hết ngân sách chuyển nhượng của pháo thủ.
Nói vậy để thấy với tình trạng bão giá hiện nay, thật khó để các đội bóng chiếu dưới đủ sức cải thiện và nâng cao đáng kể chất lượng đội hình. Có chăng sự xuất hiện của các nhân tố mới chỉ có tác dụng trong việc tăng cường tính cạnh tranh giành vị trí và tạo ra những ảo mộng trong việc chinh phục các mục tiêu của mùa giải mới. Khoảng cách vẫn là khoảng cách và chính đồng tiền đã tạo nên những hố sâu khoảng cách thật khó để san lấp giữa các đội bóng.