Thị trường chuyển nhượng mùa hè ở Châu Âu đang dần đi đến hồi kết, rất nhiều thương vụ lớn nhỏ đã được các đội bóng thực hiện, trong đó có không ít bản hợp đồng được xem là bom tấn. Về cơ bản, bộ khung đội hình để chinh chiến trong mùa giải 2019/2020 đã được chiến lược gia của các đội hoàn thiện. Cũng giống như các kỳ trước, lần này mức giá của các cầu thủ cũng được các câu lạc bộ chủ quản đẩy lên một cách chóng mặt, điều đó vượt xa so với những giá trị vốn có của nó. Hệ quả là ngoại trừ những lợi ích được đem lại cho bên bán, những người môi giới và phần nào đó là những khoản lương thưởng và tiền lót tay mà cầu thủ đó nhận được, bão giá thị trường có thể trực tiếp tạo ra không ít những hệ lụy cho chính các bên tham gia vào các thương vụ chuyển nhượng đó.
Trở lại với những gì diễn ra cách đây 23 năm, thời điểm mà thế giới bóng đá đã chào đón sự xuất hiện của một trong những ngôi sao tấn công xuất sắc nhất trong lịch sử, Ronaldo De Lima. Sau những màn thể hiện xuất sắc trong màu áo PSV Eindhoven, anh đã được gã khổng lồ xứ Catalan liên hệ. Một bản hợp đồng kỷ lục và được xem là bất ngờ (13,2 triệu bảng) đã được các bên thống nhất bởi không ai vào thời điểm đó có thể tin rằng một cầu thủ mới chỉ 19 tuổi lại có cái giá như vậy. Thế nhưng vượt lên tất cả, những áp lực và sự hoài nghi, bằng tài năng thiên phú, cầu thủ có biệt danh “Người ngoài hành tinh” đã chinh phục tất cả. Chỉ cần một mùa giải, anh đã chứng tỏ cho cả thế giới (trong đó có các Cules) thấy tài năng của mình. 47 bàn/49 trận trên mọi đấu trường, qua đó góp công rất lớn giúp đội bóng chinh phục được các danh hiệu như siêu cúp Tây Ban Nha, cúp nhà vua, đặc biệt là chiếc cúp C2 Châu Âu.
23 năm sau, chúng ta lại có dịp được chứng kiến những tài năng nổi bật và những bản hợp đồng không tưởng của các cầu thủ ở độ tuổi đôi mươi. Matthijs de Ligt gia nhập Juventus từ Ajax Amsterdam với mức giá 75 triệu euro và Joao Felix gia nhập Atletico Madrid từ Benfica với mức giá 126 triệu euro khi mới 20 tuổi. Cũng giống như trường hợp của Ronaldo, mức giá chuyển nhượng cùng những áp lực và sự kỳ vọng quá lớn từ phía câu lạc bộ chủ quản sẽ trở thành rào cản lớn nhất cho sự phát triển của các cầu thủ trẻ, chính vì lẽ đó việc những Matthijs de Ligt hay Joao Felix có thể thành công tại Juventus và Atletico Madrid như cái cách mà siêu sao người Brazil đã từng làm được tại Barcelona hay không còn là một dấu hỏi.
Trong chuyến du đấu vừa qua, Joao Felix đã phần nào chứng tỏ được giá trị của mình. Những điểm mạnh về tốc độ, kỹ thuật, nhãn quan, kỹ năng dứt điểm tuyệt vời và khả năng liên kết với đồng đội đã được anh thể hiện khá tốt, đặc biệt là trong trận giao hữu với đối thủ cùng thành phố Real Madrid khi anh trực tiếp ghi 1 bàn và thực hiện 2 pha kiến tạo thành bàn cho đồng đội. Ở chiều ngược lại, Matthijs de Ligt đã có những màn chạy đà đáng quên khi liên tiếp mắc sai lầm trong những lần được Maurizio Sarri tin tưởng. Dù sao đây cũng chỉ là các trận giao hữu và vẫn còn quá sớm để đánh giá thành bại của các bản hợp đồng này, nhưng Matthijs de Ligt hay Joao Felix nên nhớ để một cầu thủ trẻ tỏa sáng ngay tại một đội bóng lớn là điều không hề đơn giản trong khi đó ranh giới giữa thành công và thất bại là mong manh hơn bao giờ hết.
Không chỉ là các cầu thủ trẻ, những ngôi sao lớn hay những cầu thủ đã chứng tỏ được năng lực của mình ở 1 trong các giải vô địch quốc gia ở Châu Âu cũng phải đối diện với tình trạng này. Có thể kể đến các trường hợp của Alvaro Morata khi chuyển từ Real Madrid sang Chelsea; Fred từ Shakhtar Donetsk đến MU hay Thibaut Courtois từ Chelsea sang Real Madrid…
Đối với câu lạc bộ chủ quản, hậu quả mà họ gánh chịu cũng không hề ít. Sau khi đã bỏ ra một số tiền không hề nhỏ để trả cho các chi phí liên quan đến chuyển nhượng và lương thưởng của cầu thủ, lẽ dĩ nhiên các giới chủ đều rất mong muốn các bản hợp đồng này sẽ tỏa sáng ngay lập tức và có thể duy trì được phong độ đỉnh cao để đem về phòng truyền thống thêm các danh hiệu cao quý đồng thời giúp đội bóng quảng bá hình ảnh và thực hiện các hoạt động thương mại để tăng doanh thu. Thế nhưng không phải ngôi sao nào cũng có đáp ứng được các tiêu chí đó giống như cái cách mà những Cristiano Ronaldo, Mohamed Salah…đã từng làm.
Trong quá khứ là những trường hợp của Juan Sebastian Veron (từ Lazio sang MU), Andriy Shevchenko (từ AC Milan sang Chelsea), Ricardo Kaka (từ AC Milan sang Real Madrid)… và hiện tại là Philippe Coutinho (từ Liverpool sang Barcelona), Neymar (từ Barcelona sang PSG), Mesut Oezil (từ Real Madrid sang Arsenal) hay Gareth Bale (từ Tottenham Hostpur sang Real Madrid) mặc dù đã góp phần giúp đội bóng giành được không ít danh hiệu, nhưng rõ ràng đóng góp của họ vẫn chưa thể tương xứng với những ưu đãi từ phía câu lạc bộ chủ quản. Tình trạng chấn thương, việc không hòa nhập được với môi trường mới, những rắc rối liên quan đến đời tư và sự không nghiêm túc trong rèn luyện bản thân là những lý do ngăn cản những ngôi sao này tỏa sáng.
Chính điều này đã đẩy câu lạc bộ vào thế khó, bởi sự có mặt của họ không chỉ gây ra những rối loạn, mâu thuẫn không cần thiết trong phòng thay đồ, mà việc tìm được đối tác để thanh lý các bản hợp đồng này cũng không phải là điều dễ dàng. Phong độ đi xuống cùng mức giá chuyển nhượng và những đòi hỏi quá cao về lương thưởng đã khiến các đội bóng buộc phải chấp nhận tình cảnh thua lỗ cho đến thời điểm mãn hạn hợp đồng. Với chính bản thân cầu thủ mặc dù vẫn có thể hưởng được những lợi ích cá nhân, nhưng hành trình trở lại với thời kỳ đỉnh cao của họ sẽ ngày càng khó khăn hơn bao giờ hết.
Nói tóm lại, kỳ chuyển nhượng mùa hè là cơ hội không thể tốt hơn để các đội bóng làm mới và hoàn thiện mình. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đem lại, bão giá thị trường chuyển nhượng đang trực tiếp gây ra cho các đội bóng và các cầu thủ những hậu quả khôn lường và không dễ gì tìm ra biện pháp khắc phục.
(Bạn đọc: Đức Tuấn)