Sir Alex Ferguson là HLV vĩ đại của Manchester United, người đã có 27 năm trên cương vị thuyền trưởng của đội bóng chủ sân Old Trafford, biến MU từ một đội bóng hạng trung trở thành đội bóng giàu thành tích nhất nước Anh. Dưới sự dẫn dắt của ngài “Máy sấy tóc”, Quỷ Đỏ giành được tổng số 38 danh hiệu, trong đó có 2 cúp UEFA Champions League, 13 chức vô địch Premier League, 5 cúp FA.
Nhưng kể từ khi ông nghỉ hưu vào năm 2013, MU đã phải vật vã đi tìm ánh hào quang quá khứ. 5 năm đã trôi qua, bản sắc chiến thắng của MU đã phai nhạt đi rất nhiều dù đã thử với nhiều HLV khác nhau, từ “Người được chọn” David Moyes đến HLV tạm quyền Ryan Giggs, từ Louis van Gaal đến “Người đặc biệt” Jose Mourinho, nhưng tất cả đều không thể mang “ADN chiến thắng” quay trở lại.
Người hâm mộ Quỷ đỏ suốt 5 năm qua đã phải gặm nhấm nỗi nhớ Sir Alex, và nỗi buồn của người ở lại, như lời bài hát “Tiễn đưa” của nhạc sỹ Lê Đức Long: “Người ở lại có bao giờ vui”.
Cũng khó mà trách ai được, khi gách vác MU thời “Hậu Fergie” là một nhiệm vụ quá nặng nề. Như Paul Scholes, một tiền vệ xuất sắc, người học trò trung thành của Sir Alex, nói vào thời điểm vị HLV huyền thoại sắp nghỉ hưu.
“Chẳng ai có thể tưởng tượng được một MU không có Sir Alex. Một ngày nào đó, chuyện ấy sẽ đến nhưng đó sẽ là một mất mát rất lớn. Hãy nhìn vào những gì ông ấy đã đóng góp cho CLB. Chắc chắn, nếu một ai đó đến thay Sir Alex, người đó sẽ phải lấp đầy một khoảng trống mênh mông.”
Hơn 5 năm qua, chẳng có ai có thể lấp đầy khoảng trống mênh mông đó. Jose Mourinho là người có bản thành tích rất ấn tượng, cùng tình yêu MU lớn lao. Ông đã có thời gian đến gần 2 năm rưỡi để chứng tỏ mình là người có thể vực dậy MU, nhưng rồi đã bất lực.
Ở vòng đấu thứ 17, MU thua tan nát 1-3 trước kình địch Liverpool, đứng thứ 8 trên bảng xếp hạng, kém đội đầu bảng 19 điểm và cách top 4 đến 11 điểm. Nguy cơ về một mùa giải thất bại đã hiện rõ và một tương lai đầy u ám đang chờ đợi Quỷ Đỏ.
Mourinho bị sa thải như một phương án vạn bất đắc dĩ để hy vọng MU không trượt dài vào khủng hoảng. Triệu con tim yêu mến MU hồi hộp xem ai sẽ ngồi vào ghế nóng và lèo lái đội bóng vượt qua giông bão.
Đã có rất nhiều đồn đoán về người sẽ cầm lái “con tàu đắm” MU trong phần còn lại của mùa giải. Zinedine Zidane, Mauricio Pochettino, Antonio Conte – những huấn luyện viên đầy tài năng và danh tiếng – là những ứng cử viên nặng ký nhất, ngoài ra còn có “người cũ” Ryan Giggs và trợ lý Michael Carick. Nhưng thật bất ngờ, Ole Gunnar Solskjaer được giao trọng trách. Đã có nhiều cảm xúc trái chiều, hy vọng xen lẫn nghi ngờ.
Solskjaer là một “Quỷ Đỏ” đích thực, hiểu rõ văn hóa và từng ngõ ngách của MU. Trong 11 năm gắn bó (1996-2007), ông ra sân 366 lần và ghi được 126 bàn thắng cho MU. Ông được biết đến với biệt danh “sát thủ có gương mặt trẻ thơ”, và vai trò nổi bật là “Siêu dự bị” với kỷ lục 28 bàn thắng được ghi khi vào sân từ băng ghế dự bị.
Bàn thắng đáng nhớ nhất sự nghiệp của Solskjaer là bàn thắng ấn định chiến thắng 2-1 mang về chiến cúp UEFA Champions League danh giá trước Bayern Munich, đó cũng là trận đấu Solskjaer được tung vào sân khi mà MU đã bế tắc gần như từ đầu trận và đang bị dẫn 1-0.
Tuy nhiên, bản thành tích huấn luyện của ông không quá nổi bật. Sau khi giải nghệ vào cuối mùa giải 2006-07, Solskjaer đã làm việc cho Alex Ferguson tại Old Trafford trong vai trò huấn luyện viên vị trí tiền đạo cho đội một trong phần còn lại của mùa giải 2007-08.
Từ 2008 đến 2010, ông là HLV đội dự bị (U23) của MU và giành được 2 danh hiệu là 1 cúp Senior Lancashire mùa giải 2008-09 và 1 cúp Senior Manchester năm 2009. Sự nghiệp huấn luyện của ông được biết đến nhiều trong tư cách HLV của CLB Molde (Na Uy) trong 2 khoảng thời gian từ 2010 đến 2013 và từ 2015 đến trước khi trở lại mái nhà xưa Old Trafford làm nhiệm vụ “chữa cháy”. Kinh nghiệm của ông ở Premier League – giải đấu khắc nghiệt nhất hành tinh – chỉ là 8 tháng thất bại với Cardiff City.
Và như một sự sắp đặt của số phận, trận đấu đầu tiên trên cương vị thuyền trưởng MU của Solskjaer lại chính là Cardiff City, trận đấu vòng thứ 18 giải Ngoại hạng Anh. Trên sân khách, MU dưới thời tân HLV Solskjaer có trận thắng tưng bừng với lối chơi khiến người hâm mộ thực sự phấn khích.
Rủ bỏ lối chơi bạc nhược và quá thiên về phòng thủ, đoàn quân của Solskjaer tràn lên dồn ép đối thủ ngay từ những phút đầu tiên. Lối đá rực lửa đầy cảm hứng và đậm chất cống hiến, khác hẳn những gì mà MU đã trình diễn suốt hơn 5 năm qua là sự khởi đầu hơn cả một giấc mơ.
Đôi chân các cầu thủ trở nên thanh thoát, các ý tưởng tấn công trở nên mạch lạc và trên hết, sự tự tin hiện lên rõ mồn một trên mỗi gương mặt và mỗi bước chân Quỷ đỏ. Các bàn thắng liên tục đến, ngay từ đầu trận của Rashford (phút thứ 3) cho đến bàn thắng phút cuối cùng của Lingard (phút 90), MU tấn công không ngừng nghỉ. Sau trận đấu, HLV Solskjaer chia sẻ bí quyết đơn giản “Tôi muốn các cầu thủ phải táo bạo hơn một chút, mạo hiểm hơn một chút. Hãy tấn công và giành lại quả bóng ngay khi để mất nó.”
Hãy xem lại bàn thắng của Martial ở phút 41. Đó là bàn thắng mà fan MU sẽ xem đi xem lại không biết chán, bởi lẽ nó gợi lại ký ức hào hừng khi xưa “bật như MAN”. Martial khởi đầu đợt tấn công bằng một pha dốc bóng đến khoảng cách 35 mét rồi chuyền cho Pogba, Pogba bật một chạm chọc khe xuống cho Lingard, Lingard lại bật một chạm nhả bóng tinh tế cho Martial xâm nhạp vòng cấm rồi dứt điểm hiểm hóc ghi bàn. Pha phối hợp đẹp như “thêu hoa dệt gấm” mà người United đã khắc khoải bấy lâu nay.
Tỉ số 5-1 là hoàn hảo cho trận ra mắt, trên hết là lối đá đậm chất Quỷ đỏ thời Fergie. Quá nhiều cảm xúc, nhưng có lẽ câu nhận xét của ký giả Oliver Kay trên tờ The Times là xác đáng nhất: “Lần đầu tiên Man United ghi nhiều hơn 4 bàn trong kỷ nguyên hậu Fergie. Bí quyết là chơi lại thứ bóng đá của thời… Fergie.”
Dù chỉ mới là trận đầu tiên và đối thủ Cardiff City là đối thủ dưới cơ, nhưng khi thứ bóng đá của thời Fergie đã trở lại với MU, thì niềm vui sẽ đến và tương lai sẽ tốt đẹp hơn.
Với người United, bây giờ đơn giản là “con tim đã vui trở lại”.
(Bạn đọc: Viet Dung)