Nghe nói, CĐV Mexico sau trận Đức – Hàn Quốc đã vây kín Đại sứ quán Hàn Quốc ở Mexico City để… chúc mừng và cảm ơn Hàn Quốc. Vì 2 lẽ: Hàn Quốc đã biến ngay đương kim vô địch (ĐKVĐ) Đức thành “nguyên” vô địch. Hàn Quốc đã tận tình giúp Mexico vào vòng trong sau chiến thắng này của mình, trong khi Mexico sa chân lỡ bước thua Thụy Điển tới 3-0.
Bóng đá vui thế đó. Tự nhiên mình không chủ tâm làm ơn, lại được cảm ơn. Và, hay hơn nữa, mình với “người ta” (đây là đội Đức) cùng phải ra về trong một chuyến xe, vậy mà mình mừng phát khóc, trong khi Đức – bạn mình – buồn rũ rượi.
Cùng được 3 điểm, cùng thắng chỉ một trận nhưng trận thua của Đức trước Hàn Quốc lại là trận quyết định với Đức: Phải thắng thì mới vào được vòng trong. Ngược lại, với Hàn Quốc, khi Thụy Điển dẫn trước Mexico 3-0, trận đấu giữa họ với Đức chỉ có ý nghĩa về mặt danh dự, có thắng cũng… ra về.
Nhưng họ đã quyết thắng. Vì trong lịch sử bóng đá Hàn Quốc, chưa bao giờ họ thắng được đội ĐKVĐ thế giới. Hơn cả một trận cầu danh dự, đây là cơ hội cuối cùng tại World Cup này để đội Hàn Quốc làm nên một điều lớn lao, một điều vĩ đại đối với họ: Hạ đội Đức.
Thắng Đức, với Hàn Quốc, là một điều không tưởng, dù Đức năm nay cũng đầy những dấu hiệu rạn vỡ. Hàn Quốc đã vượt hẳn Đức trong trận này từ tinh thần quyết thắng. Đó là điều gây ngạc nhiên nhất cho bao người, vì theo thông lệ, tinh thần quyết thắng như thế phải thuộc về đội Đức. Đó là truyền thống của họ.
Hàn Quốc đã chứng minh được điều ngược lại: Một đội “kèo dưới” nếu chơi với tinh thần quyết thắng hơn hẳn đối phương, sẽ làm nên điều kỳ lạ. Thêm một điều kỳ lạ nữa tại một World Cup đầy những điều kỳ lạ này.
Thua trong một trận cầu không phải là thua trong một cuộc chiến nhưng đây là trận thua mà chính đội Đức không nghĩ là xảy ra trong suốt 80 năm qua. Nhưng đã xảy ra hôm nay. Vì thế, đối với Hàn Quốc, đây là một trận cầu lịch sử. Họ sướng đến phát khóc là đúng. Dù họ và Đức cùng ra về trên một chuyến xe.
“Cùng trong một chuyến ra về/Người hớn hở, kẻ tái tê nỗi lòng/” (tập Kiều).
Trong bóng đá, vẫn thường có những xúc cảm tận cùng và khó giải thích như thế. Khi 2 trận cầu cùng xảy ra một khung giờ, ban đầu tôi đã mở kênh có đội Mexico gặp Thụy Điển vì tôi yêu đội Mexico. Nhưng khi thấy Mexico bị dẫn 2 bàn, tôi đột ngột chuyển kênh vì cảm nhận nguy cơ cho đội bóng mình yêu.
Hóa ra, trận Đức – Hàn Quốc mới cực kỳ hấp dẫn. Nó căng thẳng trong thầm lặng, điều đó thật đáng nể. Sau mỗi lần Đức ép sân và dứt điểm (không chuẩn), Hàn Quốc lại tràn lên những đợt phản công sắc bén. Nếu tiền đạo Hàn Quốc giỏi hơn, họ đã có cơ hội dẫn Đức 2 bàn từ những đợt phản công ấy. Nhưng rồi, cái gì phải đến, dù nhọc nhằn hay căng thẳng, đã đến.
Hồi trước, tôi không phải là người ủng hộ đội Đức. Nhưng từ ngày HLV Loew nắm đội tuyển Đức, tôi đã rất có cảm tình với lối chơi của đội tuyển này. Tôi biết sự thay đổi lối chơi của đội Đức khởi đầu từ HLV Klinsmann nhưng chính HLV Loew đưa lại thành công lớn nhất cho đội bóng này.
Cho hay, không có chiến thắng nào là mãi mãi.