Tiền đạo đã ghi 12 bàn sau 23 lần khoác áo đội tuyển quốc gia đã vinh dự trở thành đội trưởng trẻ nhất trong các kỳ World Cup mà Tam Sư góp mặt. Ngay sau khi nhận trọng trách, tân thủ quân đội tuyển Anh, Harry Kane đã tuyên bố anh và đồng đội đủ sức giành cúp vàng tại Nga. Kane phát biểu: “Tôi tin chúng tôi sẽ làm được.” “Chúng tôi không phải ứng cử viên hàng đầu và chúng tôi hiểu điều đó. Nhưng hãy nhìn mùa giải vừa rồi xem, chẳng ai nghĩ Liverpool sẽ vào đến chung kết Champions League. Nhìn Manchester United thời Sir Alex Ferguson xem, với một đội hình trẻ trung, họ vẫn thống trị Ngoại Hạng Anh.” Những phát biểu trên của Kane là có cơ sở hay chỉ là sự ảo tưởng của chính bản thân anh về sức mạnh của đội tuyển Anh tại World Cup 2018?
Đội tuyển Anh với đầu tàu là Harry Kane đã có một chiến dịch vòng loại hết sức thành công, họ giành được 26 điểm trong 10 trận đấu và kết thúc vòng loại với vị trí nhất bảng cùng một tấm vé chính thức đến Nga. Nhưng khác với những kỳ World Cup trước đây, đội tuyển Anh hiện tại dưới sự dẫn dắt của Gareth Southgate lại không nhận được sự kỳ vọng lớn lao của các cổ động viên cũng như giới truyền thông tại xứ sở sương mù? Vì sao lại như vậy, có phải người Anh đang toan tính điều gì? Phải chăng họ đang mong muốn các thành viên đội tuyển tập trung thi đấu thay vì phải phân tâm về những lời chỉ trích, đánh giá của dư luận hay cũng giống như người dân Brazil, họ không còn tin tưởng đội tuyển Anh sẽ làm nên chuyện tại giải đấu năm nay.
Có lẽ cả hai lý do trên đều đúng. Những năm qua, hệ luỵ từ sự quan tâm quá mức của giới truyền thông Anh đã tác động không nhỏ đến sự phát triển của các tài năng trẻ sáng giá của bóng đá xứ sở sương mù, tệ hại hơn điều đó lại là một phần nguyên nhân khiến đội tuyển Anh chưa bao giờ đạt được thành tích cao kể từ chiến tích vô địch kỳ World Cup 1966. World Cup 1966 là giải đấu được tổ chức ngay trên chính sân nhà của đội tuyển Anh. Dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên huyền thoại, Alf Ramsey, thế hệ vàng của đội tuyển Anh với những cái tên như Bobby Charlton, Nobby Stiles, Alan Ball, Martin Peters, Geoff Hurst, Roger Hunt,…đã xuất sắc cuốn phăng mọi vật cản để lên ngôi vô địch một cách đầy xứng đáng. Công đầu thuộc về HLV Alf Ramsey, bởi đấy là lần đầu tiên trong bóng đá đỉnh cao, có một đội tuyển sử dụng đội hình không có tiền đạo cánh, nhưng lại chiến thắng rực rỡ. Chính vì lẽ đó, người ta đã gọi sơ đồ chiến thuật 4-4-2 mà ông áp dụng cho đội tuyển Anh tại World Cup 1966 là “kỳ quan không cánh”.
Và đó là lần duy nhất mà đất nước vốn tự hào là quê hương của môn thể thao vua khẳng định được danh tiếng và vị thế của mình trên bản đồ bóng đá thế giới. Kể từ sau chiến tích vô địch đó, bóng đá Anh đã trải qua hơn 5 thập kỷ mà chưa một lần đội tuyển nước này có thể đặt chân vào trận chung kết của giải đấu. Từ World Cup 1970 tại Mexico cho đến World Cup 2014 tại Brazil, những chú sư tử Anh chỉ 01 lần duy nhất lọt vào bán kết của giải đấu và giành hạng tư chung cuộc, đó là World Cup 1990 được tổ chức tại Italy; 04 lần phải dừng bước tại tứ kết (các kỳ World Cup 1970, 1986, 2002 và 2006); 01 lần bị loại ngay vòng bảng 2 tại World Cup 1982; 02 lần phải về nước sớm ngày từ vòng 2 (World Cup 1998 và 2010) và 01 lần chuyến hành trình tại World Cup chấm dứt ngay tại vòng bảng ở World Cup 2014. Tệ hại hơn, đội tuyển Anh có đến 03 lần không vượt qua vòng loại, đó là các kỳ World Cup 1974, 1978 và 1994. Nói không xa, ngay tại vòng loại World Cup 2018, mặc dù giành được vé chính thức đến Nga với số điểm gần như tuyệt đối 26 điểm/10 trận tuy nhiên đội tuyển Anh dưới thời Southgate lại bộc lộ rất nhiều vấn đề ở khả năng dứt điểm của hàng tấn công và khả năng sáng tạo của tuyến tiền vệ. Rơi vào bảng đấu với sự góp mặt của những Lithuania hạng 120 thế giới và Malta hạng 191 thế giới, nhưng trong suốt 10 trận những chú sư tử Anh chỉ ghi được 18 bàn thắng, đó là một con số khá thấp nếu đem so sánh với khả năng ghi bàn của những đội tuyển mạnh khác trong khu vực (Bỉ, Đức: 43 bàn; Bồ Đào Nha: 32; Tây Ban Nha: 36;…). Quả thực, đây là một bài toán không hề đơn giản nhưng Southgate cần phải phải nhanh chóng tìm ra lời giải nếu ông muốn dẫn dắt đội tuyển Anh tiến xa tại giải đấu lần này.
Nhìn sang những gì mà các đội tuyển mạnh trong khu vực và thế giới làm được trong những kỳ World Cup gần đây, giới chức làm bóng đá cũng như các cổ động viên của đội tuyển Anh chắc chắn sẽ cảm thấy chạnh lòng, đội tuyển Italy và Đức đã có chức vô địch thế giới lần thứ tư, trong khi Tây Ban Nha cũng đã giành được chức vô địch thế giới lần đầu tiên trong lịch sử của họ, Argentina và Hà Lan mặc dù có thành tích kém hơn, nhưng họ cũng đã kịp thời góp mặt tại trận chung kết của giải đấu.
Bóng đá Anh không thiếu những tài năng, nhưng tại sao họ không thể hiện được điều đó khi tham dự một giải đấu như World Cup? Rất nhiều lý do đã được giới chuyên gia cũng như các phương tiện truyền thông tại Anh đưa ra để biện minh cho những thất bại của đội tuyển ở những kỳ World Cup trước đây. Từ việc các tuyển thủ Anh đã tiêu hao rất nhiều sức lực khi chinh chiến tại các câu lạc bộ do bóng đá Anh không có kỳ nghỉ đông, cũng như số lượng các giải đấu cúp vẫn nhiều hơn so với các giải đấu khác trong khu vực; cho đến những nhận định về việc các thời HLV đều thất bại trong việc lắp ráp các mảnh ghép đắt đỏ nhưng rời rạc của đội tuyển Anh và dẫn đến lối chơi thiếu gắn kết.
Dẫu vậy, theo cựu trung vệ đội tuyển Anh, Rio Ferdinand, trách nhiệm phần nhiều không thể đổ lên đầu những Sven-Goran Eriksson, Steve McClaren hay Fabio Capello, thay vào đó là chính họ. Huyền thoại Man Utd phát biểu: “Thế hệ của chúng tôi đã giết chết đội tuyển Anh. Sự cạnh tranh thù địch ở cấp CLB đã khiến chúng tôi khi lên tuyển không có sự gắn kết. Có năm Man Utd cạnh tranh với Liverpool, có năm thì cạnh tranh với Chelsea.” “Chính vì vậy nên tôi chưa từng vào phòng thay đồ đội tuyển mà cởi mở với Terry, Lampard hay Gerrard. Vì tôi sợ khi trở về CLB, họ sẽ tìm thấy những điểm yếu của chúng tôi rồi làm vũ khí để đấu lại. Khi đó tôi không nhận ra mình đang làm hại đội tuyển quốc gia. Tôi quá ám ảnh đến việc giành danh hiệu cùng Man Utd mà không nhìn thấy những điều khác lớn lao hơn.”
Nhận định của Rio Ferdinand cũng như giới chuyên gia và các phương tiện truyền thông tại Anh đều có một phần chính xác. Tuy nhiên, còn một yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của đội tuyển Anh tại các kỳ World Cup đó là đội hình của họ thiếu đi những nhân tố kiệt xuất có khả năng thay đổi và quyết định trận đấu, cỡ như Zinedine Zidane (Pháp); Ronaldo, Ronaldinho, Rivaldo, Kaka (Brazil); Andres Iniesta, Xavi (Tây Ban Nha); Andrea Pirlo (Ý),…mặc dù đội hình của họ sở hữu rất nhiều cầu thủ giỏi ở từng vị trí. Minh chứng cụ thể nhất là trong vòng khoảng 10 năm từ 1998 đến 2006, nước Anh trình làng một thế hệ cầu thủ đầy tài năng với những David Seaman, Rio Ferdinand, Gary Neville, Ashley Cole, Frank Lampard, Steven Gerrard, David Beckham, Michael Owen,…
Cả sự nghiệp của họ đều đoạt vô số vinh quang cấp độ CLB và thậm chí có người còn giành được danh hiệu Quả bóng vàng. Thế nhưng khi cùng khoác áo Tam sư thì họ chẳng tạo nên chiến tích nào lớn cả, thậm chí Euro 2008 Anh không thể giành vé, thành tích cao nhất của thế hệ này chỉ là 02 lần lọt đến trận tứ kết tại các kỳ World Cup 2002 và 2006.
Đến với giải đấu tại Nga, tuyển Anh mang theo một đội hình trẻ trung với độ tuổi trung bình thấp nhất từ World Cup 1966. Tất nhiên không thể xem đây là yếu tố để đánh giá năng lực và kinh nghiệm của các tuyển thủ Anh tại giải đấu lần này. Bởi phần đa trong số họ là những trụ cột không thể thiếu trong đội hình của các câu lạc bộ đã và đang tham chiến tại giải đấu cao nhất của xứ sở sương mù, Premier League. Với sơ đồ 3-5-1-1, Gareth Southgate có lẽ đang hy vọng vào sự bùng nổ của những nhân tố đã có một mùa giải vô cùng thành công cùng với Man City như Fabian Delph, Kyle Walker, John Stones, Raheem Sterling có thể kết hợp với những cầu thủ tài năng khác như Kane, Eric Dier, Danny Rose, Dele Alli (Tottenham),… để có thể giúp đội tuyển Anh có thể tạo bất ngờ tại giải đấu.
Tuy nhiên, điều đó khó có thể trở thành hiện thực khi chất lượng đội hình của đội tuyển Anh tại giải đấu lần này không thể sánh bằng với chất lượng đội hình của những thế hệ đàn anh đi trước và trên băng ghế chỉ đạo, Southgate cũng không thể sánh bằng với những huấn luyện viên tiền nhiệm của đội tuyển Anh.
Với đội hình như vậy cộng với thành tích nghèo nàn mà đội tuyển Anh đạt được trong những kỳ World Cup gần đây, rõ ràng giới truyền thông và người hâm mộ xứ sở sương mù khó có thể hy vọng đoàn quân trẻ trung của Southgate có thể làm nên chuyện tại giải đấu năm nay.
Tony Adams, cựu trung vệ huyền thoại của đội tuyển Anh và câu lạc bộ Arsenal đã đưa ra những nhận định về khả năng vô địch của đội tuyển Anh tại World Cup 2018: “Đội tuyển Anh vô địch World Cup 2018 với lực lượng Spurs như thế này? Nhất quyết là không.” Ông cho biết:
“Họ phải biết cách kiểm soát tinh thần và cảm xúc để giành chiến thắng. Một khi chưa từng nếm trải mùi vị vô địch như thế nào thì rất khó để làm nên chuyện ở sân chơi lớn nhất như thế này.” “Tôi thực sự lo lắng về những cầu thủ Tottenham. Tôi không tin họ biết cách để giành chiến thắng. Chắc chắn họ là những cầu thủ chất lượng nhưng ở thời điểm nhất định, họ cần phải biết cách vùng dậy bản lĩnh. Đó là thứ tinh thần đang rất thiếu ở Spurs.”
Ngay cả Alan Shearer, cựu tiền đạo đội tuyển Anh cũng khá bi quan về cơ hội lên ngôi của đội tuyển Anh tại giải đấu này. Ông nói: “Mọi người đều biết chất lượng cầu thủ mà cúng tôi đang có. Do đó, tôi nghĩ chỉ cần tuyển Anh chơi tốt hơn so với hồi Euro 2016 đã là một thành công”.
Lothar Matthaus cũng cho rằng Tam Sư chưa đủ khả năng lên ngôi vô địch trên đất Nga: “Họ cần thêm thời gian để tích luỹ thêm kinh nghiệm. World Cup 2018 vẫn là quá sớm để tuyển Anh có thể làm nên chuyện.”
Thế nhưng, tân đội trưởng đội tuyển Anh, Harry Kane lại không nghĩ vậy, anh cho rằng việc không được đánh giá cao tại World Cup 2018 là một điều tốt cho đội tuyển Anh. Các cầu thủ trẻ ít được kỳ vọng hơn, đồng nghĩa với ít áp lực hơn và Tam Sư có quyền nghĩ về việc họ sẽ giành được ngôi vị cao nhất tại giải đấu. Đó chỉ là suy nghĩ của Kane, thực tế khó có thể giúp Anh và các đồng đội có thể làm được những điều không tưởng như cái cách mà Đan Mạch đã lên ngôi tại Euro 1992; Hy Lạp đã lên ngôi tại Euro 2004 và Bồ Đào Nha đã vô địch Euro 2016, vì World Cup là một giải đấu khó có thể tạo bất ngờ.
Rõ ràng, Kane đang quá ảo tưởng về sức mạnh của đội bóng, sự ảo tưởng đó có thể khích lệ tinh thần chiến đấu của các đồng đội, nhưng khó có thể hiện thực hoá giấc mơ vô địch của người Anh. Có lẽ, ngày đội tuyển Anh đứng lên đỉnh vinh quang của bóng đá thế giới hãy còn xa.
(Bạn đọc: Đức Tuấn)