Mỗi khi xem bóng đá Châu Âu, chứng kiến những Hidetoshi Nakata, Park Ji Sung hay Son Heung Min tỏa sáng tại những CLB hàng đầu thế giới, hẳn đâu đó trong tâm khảm mỗi người hâm mộ bóng đá Việt Nam đều ước ao một ngày nào đó sẽ được chứng kiến cầu thủ quê nhà sải bước trên thảm cỏ xanh mướt ở trời Âu.
Khát khao ấy càng lớn hơn khi đội tuyển Việt Nam đạt được những thành công chưa từng có trong lịch sử. Khoảnh khắc mà tiền đạo Nguyễn Công Phượng solo từ giữa sân, vượt qua cả trung vệ đang thuộc biên chế của Southampton Maya Yoshida của đội tuyển Nhật Bản ở Asian Cup, thì người ta đã nghĩ đẳng cấp của cầu thủ Việt Nam tiệm cận được trình độ Châu Á, cầu thủ của chúng ta có thể chơi bóng ở các nền bóng đá phát triển hơn rồi.
Nhưng đời không như là mơ, một “tình huống” không thể tạo dựng nên cả “thế trận” được. Thành thật mà nói, cầu thủ Việt Nam vẫn còn thiếu quá nhiều để cạnh tranh tại các môi trường bóng đá phát triển hơn. Tuấn Anh, Xuân Trường và Công Phượng đều đã thất bại ở Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ở đó người ta chơi bóng nhanh hơn, ít chạm hơn, đề cao tính kỷ luật và đặc biệt là cần rất nhiều thể lực, điều mà cơ địa của người Việt vẫn chưa đáp ứng được. Công Phượng đã chia sẻ như sau về sự khác biệt giữa cách tập luyện bóng đá ở Hàn Quốc và Việt Nam như sau: “Tại Việt Nam, cầu thủ gặp ít áp lực hơn nhưng thời gian tập luyện dài hơn. Còn thời gian tập luyện tại Hàn Quốc lại ngắn, nhưng áp lực rất lớn và đòi hỏi sự tập trung cao độ”.
Bóng đá là môn chơi đối kháng, kỹ thuật chỉ là một yếu tố trong tổng thể rất nhiều tác nhân tạo nên một cầu thủ giỏi. Dễ thất ở V-League các trận đấu diễn ra với nhịp độ chậm hơn hẳn J-League và K-League, vì thế trung bình mỗi trận các cầu thủ Việt Nam di chuyển ít hơn hẳn. Đó là một phần nguyên nhân khiến cầu thủ chúng ta khá “ngợp” khi bước vào môi trường bóng đá nhanh và áp lực như Hàn Quốc và Nhật Bản.
Thậm chí ngay cả Thai League cũng quá khắc nghiệt. Lương Xuân Trường vốn dĩ là một trong những tiền vệ nổi bật của ĐTQG Việt Nam cũng không thể tranh suất dự bị ở Buriram United, CLB hàng đầu của bóng đá Thái Lan.
Sự cố gắng và nỗ lực của Xuân Trường là điều ai cũng nhìn thấy, nhưng “lực bất tòng tâm”, sự thật mặt bằng chung chất lượng cầu thủ Việt Nam vẫn chưa thể đáp ứng chuyên môn ở những đẳng cấp cao hơn V-League. Sẽ cần một, hai hay nhiều thế hệ nữa để chúng ta sản sinh ra các tài năng tầm cỡ như Chanathip Songkrasin (tiền vệ Thái Lan đang thi đấu thành công ở J-League).