Ngày 16 tháng 9 năm 2007, Bojan Krkic phá kỷ lục của Lionel Messi để trở thành cầu thủ trẻ nhất từng thi đấu tại La Liga cho Barca, khi ấy, anh mới 17 tuổi 19 ngày. Ba ngày sau, Bojan ra sân trong trận gặp Lyon ở Champions League và trở thành cầu thủ trẻ nhất lịch sử CLB có trận ra mắt tại đấu trường này.
Chỉ hơn 1 tháng sau, Bojan ghi bàn thắng chính thức đầu tiên của mình trong màu áo đội 1 Barca, lại trở thành cầu thủ trẻ nhất từng làm được điều này trong lịch sử Blaugrana, khi ấy, anh 17 tuổi 53 ngày.
Ngày 1 tháng 8 năm 2008, Bojan lúc này 17 tuổi – 7 tháng – 4 ngày, có bàn thắng đầu tiên của mình cho Barca ở UEFA Champions League. Đó là pha lập công vào lưới Manuel Neuer, khi ấy cũng mới chỉ 22 tuổi và đang chơi cho Schalke 04. Bàn thắng ấy cũng đưa Bojan vào lịch sử Champions League khi là cầu thủ trẻ thứ hai ghi được bàn thắng tại giải đấu danh giá nhất lục địa già.
Cái cách mà Bojan kết thúc mùa giải đầu tiên chơi cho đội một Barca, cũng là một kỷ lục. Năm đó, Bojan ghi được 12 bàn thắng, 6 kiến tạo, nhiều hơn bất kỳ cầu thủ Tây Ban Nha nào trong lịch sử từng làm được trong mùa bóng đầu tiên của họ, kể cả Raul Gonzales.
Ở cái tuổi 17, thay vì “bẻ gãy sừng trâu”, Bojan đã… bẻ gãy hầu hết các kỷ lục mà một cầu thủ trẻ cùng độ tuổi có thể làm được. Đó là chưa kể cái thời còn là một học viên của La Masia, trong 7 năm, Bojan đã ghi hơn 850 bàn thắng cho các đội trẻ Barca. Báo chí Tây Ban Nha xem anh là một “Superhero” đầy hứa hẹn cho tương lai. Bojan được xem là một Leo Messi mới, anh tạo ra một cơn sốt “hầm hập” thực sự trên mọi tờ báo TBN. Thậm chí là châu Âu khi ấy, một vài chuyên gia tin rằng: Bojan rồi sẽ còn giỏi hơn cả Leo Messi.
Frank Rijkaard ngày ấy từng xem Bojan là “một kho báu”, còn Pep Guardiola tin rằng chỉ có một số ít cầu thủ trên thế giới sở hữu những khả năng như Bojan.
8 năm sau, Leo Messi được định giá hàng trăm triệu euro, còn Bojan được Stoke City mua lại mùa hè năm 2014 với giá 1 triệu bảng Anh.
Có nhiều người lý giải câu chuyện buồn của Bojan Krkic, câu chuyện dang dở của chàng trai tài ba này ở Barca bằng nhiều cách. Cũng có thể Bojan đơn giản là một dạng anh hùng nhưng sinh ra không gặp thời.
Quay trở lại với mùa giải 2007-2008, mùa giải đầu tiên đầy ắp vinh quang cá nhân của Bojan, thì Barca lại… trắng tay. Người ta bắt đầu kháu nhau về một sự sụp đổ của triều đại Frank Rijkaard chứ không thèm đoái hoài gì tới việc họ đang sở hữu một trong những tài năng trẻ sáng giá nhất thế giới thời điểm đó. Trong phòng thay đồ, các ngôi sao của Barca trở nên tự mãn, một vài người dính chấn thương ảnh hưởng đến phong độ thi đấu. Bản thân Rijkaard có lẽ cũng biết rằng thời gian mà ông còn lại ở Barca không nhiều. Cuối mùa giải năm đó, Rijkaard bị sa thải và Pep Guardiola là người được chọn để thay thế.
Những kỳ vọng quá lớn của người hâm mộ, ban lãnh đạo đội bóng bắt đầu khiến Bojan trở nên hoảng loạn thực sự. 17 tuổi, quá trẻ để đương đầu với hàng loạt những áp lực buộc phải “lớn” ngoài kia. Bojan được gọi vào đội tuyển TBN chuẩn bị cho Euro 2008, sau đó bị loại. Đó như một gáo nước lạnh đối với Bojan.
Dưới thời Pep Guardiola, Bojan Krkic trượt dài kéo theo sự sụp đổ của hàng bao nhiêu kỳ vọng. Anh ra sân ít hơn, thi đấu vật vờ và bản thân Bojan cũng bắt đầu bất mãn với sự thiếu công bằng của Guardiola. Mùa hè năm 2011, anh rời Barca đến Roma theo một bản hợp đồng có giá trị 12 triệu euro kèm theo điều khoản mua lại.
Ở môi trường bóng đá khắc nghiệt như Serie A, Bojan không có đủ sức mạnh để có thể đối chọi với các hậu vệ ở giải đấu này. Dù đã ghi 7 bàn thắng trong 33 trận đấu, AS Roma vẫn không hài lòng, để rồi Bojan bị đem cho đối thủ AC Milan mượn ngay mùa giải năm sau. Tại Milan, tiền đạo người Tây Ban Nha còn sa sút hơn và phải cuốn gói khỏi nước Ý trong nỗi thất vọng ê chề.
Barcelona vẫn tìm cách để cứu vẫn sự nghiệp của Bojan khi cho anh đến Ajax Amsterdam bằng một bản hợp đồng cho mượn. Thế nhưng Bojan chỉ ghi được 4 bàn thắng sau 24 lần ra sân. Khi Ajax đã chán ngán phong độ của Bojan thì Stoke City đã dang tay đón cầu thủ này về nước Anh.
Có những lúc tưởng chừng Bojan đã hồi sinh tại Stoke City, anh tự tin hơn, quyết đoán hơn và biết khi nào cần phải chuyền, khi nào phải mạnh dạn kết thúc ghi bàn. Sự tin tưởng của Mark Huges cũng là một tác động khiến Bojan cảm thấy hạnh phúc. Nhưng rồi mọi chuyện lại dang dở một lần nữa, Bojan bị Stoke cho Deportivo Alaves mượn.
Câu chuyện về Bojan Krkic là cả một sự tiếc nuối, tiếc cho một tài năng quá hiếm có trong lịch sử La Masia nhưng lại sớm nở chóng tàn. Đó cũng là bài học cho chính Barca và La Masia sau này, về vấn nạn cầu thủ trẻ bị “ép chín” quá sớm và không có được những hỗ trợ tinh thần cần thiết ở lứa tuổi của mình khi phải đương đầu với vô vàn áp lực.
Sự nghiệp của Bojan Krkic là cả một tấn bi kịch – Bi kịch của một thần đồng!