“Chỉ còn 18 cầu thủ, có lẽ Philiippines phải nỗ lực hơn rất nhiều so với khi họ làm nên kỳ tích Hà Nội 8 năm về trước tại AFF Cup,” Inquirer mở đầu.
Truyền thông Philippines hoàn toàn có cơ sở để lo lắng. Do AFF Cup không thuộc hệ thống các giải đấu của FIFA nên các CLB hoàn toàn có thể không nhả người, hoặc gọi lại các cầu thủ của mình khi cần thiết.
Đầu tiên, tiền vệ Patrick Strauss – một trong những ngôi sao của Philippines tại vòng bảng – đã bị CLB của Đức Erzgebirge gọi trở về thi đấu, chỉ một ngày sau khi Philippines giành quyền vào vòng knock out.
Sau đó, lần lượt Daisuke Sato và Stephan Palla bị các đội bóng chủ quản triệu hồi. Thủ môn Neil Etheridge thì ngay từ đầu xác định chỉ tham dự 2 trận vòng bảng của Philippines. Trong khi đó, đội trưởng Phil Younghusband đang chấn thương.
Inquirer tỏ ra lo ngại: “Không còn Strauss – một tiền vệ điềm tĩnh và chắc chắn, Philippines sẽ đối mặt với ngọn núi lớn mang tên những cầu thủ trẻ, đầy nhiệt huyết của Việt Nam.”
“Việt Nam là đội bóng sở hữu cả chất lượng và số lượng, với nòng cốt là những cầu thủ trẻ đã vào tới chung kết U23 châu Á hồi đầu năm. Đội bóng này được dẫn dắt bởi tiền vệ công rất tài năng là Nguyễn Quang Hải, người tới nay đã ghi 2 bàn,” Inquirer viết.
Trận đấu giữa Việt Nam và Philippines tới đây là lần đầu 2 đội gặp nhau tại bán kết AFF Cup. Trận đấu này gợi nhớ tới chiến thắng 2-0 của Philippines ngay tại sân Mỹ Đình, thuộc vòng bảng AFF Cup 2010.
Đó là thắng lợi mà được người Philippines mô tả là “phép màu Hà Nội“, khi Việt Nam khi ấy là đương kim vô địch và Philippines chỉ là đội lót đường.
Giờ đây, Philippines đã không còn là đội bóng bị đánh giá thấp. Theo Inquirer, chính điều này sẽ mang lại khó khăn cho thầy trò HLV Sven-Goran Eriksson.
Trang này viết: “Philippines tạo nên cú sốc khi đánh bại Việt Nam ở Hà Nội 8 năm trước để vào bán kết. Tới nay đây vẫn được coi là một trong những bất ngờ lớn nhất lịch sử giải đấu. Nhưng giờ đây yếu tố bất ngờ đã không còn. Đây đã là lần thứ 4 Philippines lọt vào bán kết trong 5 mùa giải trở lại đây.”