Báo chí Anh đồn rằng M.U đang sẵn sàng bỏ ra 100 triệu bảng để bốc Griezmann từ Vicente Calderon tới Old Trafford. Tính khả dĩ của thương vụ này được đảm bảo khi tiền đạo người Pháp đã có không ít hơn hai lần bày tỏ mong muốn khoác áo M.U thông qua những dòng tweet trên mạng xã hội Twitter. Ngoài ra, việc đích thân Diego Simeone tuyên bố “sẽ không cản Griezmann ra đi” nếu tiền đạo người Pháp muốn càng làm tăng khả năng bom tấn này sẽ nổ trong mùa Hè 2017.
Song Griezmann có phải là giải pháp cho Manchester United vào lúc này?
Trên thực tế, bất kỳ ngôi sao nào có giá trị thương mại tới với Man United lúc này đều sẽ thúc đẩy hình ảnh của chính họ và cả Man United đi lên. Thương hiệu Man United theo thống kê của các công ty truyền thông luôn nằm trong Top 2 thế giới (bên cạnh Real Madrid) và luôn là nhãn hiệu đẻ ra tiền. Nếu coi thương mại là một “vấn đề” của Man United thì Griezmann sẽ là giải pháp tốt.
Xét về chuyên môn, có những lý do để tin Griezmann là một vụ đầu tư khôn ngoan của Quỷ đỏ. Thứ nhất, tiền đạo người Pháp đang trong độ tuổi sung mãn (26) và là một trong ba cầu thủ xuất sắc nhất thế giới vào lúc này. Nếu tới Old Trafford, M.U nghiễm nhiên có một ứng viên cho danh hiệu Quả bóng Vàng Châu Âu, điều mà kể từ sau thời Cristiano Ronaldo họ không có. Thứ hai, nếu Wayne Rooney chấp nhận lui vào hậu trường như cách anh đã và đang làm trong mùa giải này, Griezmann sẽ là bộ mặt mới của Man United bên cạnh Paul Pogba (Ibra sớm muộn cũng sẽ rời đi). Thứ ba, việc có một tiền đạo có khả năng chơi rộng trên hàng công như Griezmann luôn là ước mơ với bất kỳ nhà cầm quân nào.
Vết gợn duy nhất mà vụ chuyển nhượng Griezmann có thể tạo ra là mối liên kết giữa tiền đạo này và Pogba trên sân bóng. Điều này hơi phi lý khi cả hai luôn nhắc về nhau như những người bạn thân thiết? Có thể cả hai là những người bạn tốt đúng như những gì họ nghĩ (và nói về nhau), nhưng trên sân cỏ thuần túy, cả hai không tạo thành mối liên kết mạnh như huấn luyện viên và giới mộ điệu mong muốn.
EURO 2016 chứng kiến Griezmann tỏa sáng với danh hiệu “Vua phá lưới” cùng “Cầu thủ xuất sắc nhất giải.” Để có được điều ấy, huấn luyện viên Didier Deschamps đã buộc phải hy sinh Paul Pogba ở vị trí chơi thấp nơi hàng tiền vệ. Xu hướng lui xuống pressing tiền vệ phòng ngự đối phương của Griezmann vô hình trung hạn chế khoảng trống mà Pogba có ở giữa sân, từ đó hạn chế luôn khả năng bùng nổ của tiền vệ người Pháp.
Trận chung kết thua cuộc trước Bồ Đào Nha là một ví dụ kinh điển của việc hai ngôi sao này dẫm chân nhau như thế nào. Và Pogba với kỳ vọng khủng khiếp đặt vào anh trước giải đấu đã trở thành đối tượng bị cả nước Pháp đổ lỗi. Tờ L’Equipe số xuất bản ngày sau trận chung kết đã đăng hình Pogba lên trang nhất với cái tít chỉ đúng hai chữ “Thất vọng.”
Dĩ nhiên, đây có thể chỉ là vấn đề của riêng đội tuyển Pháp dưới thời Didier Deschamps. Nhưng đó vẫn là điều mà Quỷ đỏ cần phải lưu tâm trước khi thực hiện phi vụ áp phe lớn nhất thế giới bóng đá này. Bên cạnh ước mơ, bao giờ cũng phải là thực tế.