Theo quy định, có 6 việc công chức tuyệt đối không được làm, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng.
Thành lập, quản lý doanh nghiệp
Cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng không được thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng không được thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và hợp tác xã theo điểm b khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Đồng thời, theo điểm b khoản 2 Điều 20 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 cũng quy định, người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được:
– Tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã.
– Thành lập hoặc quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định.
Đây được coi là một trong những biện pháp ngăn chặn tình trạng tham nhũng có thể xảy ra, loại bỏ những tiêu cực và khả năng biến doanh nghiệp thành “sân sau” của công chức để thu lợi bất chính.
Tham gia bán hàng đa cấp
Theo điểm đ, khoản 2, Điều 28 Nghị định 40/2018/NĐ-CP, Chính phủ quy định cán bộ, công chức cũng là đối tượng không được tham gia bán hàng đa cấp.
Đồng thời, cán bộ, công chức cũng không được làm Đào tạo viên – những người thực hiện việc đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp mình (căn cứ điểm đ khoản 3 Điều 34 Nghị định 40/2018/NĐ-CP).
Kinh doanh trong lĩnh vực mình quản lý
Luật Phòng chống tham nhũng 2005 quy định, cán bộ, công chức, viên chức không được kinh doanh trong lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ trong một thời hạn nhất định.
Tuy nhiên, đến Luật Phòng chống tham nhũng 2018 chỉ cấm cán bộ, công chức, viên chức thành lập, giữ chức danh quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định.
Làm luật sư
Theo khoản 4, Điều 17 của Luật Luật sư 2006, sửa đổi bởi khoản 8, Điều 1 Luật Luật sư 2012 thì một trong những trường hợp không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư là người đang là cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Đồng thời, tại khoản 9, Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi, bổ sung năm 2012, nếu được tuyển dụng, bổ nhiệm làm cán bộ, công chức thì sẽ bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư.
Góp vốn vào doanh nghiệp có ngành nghề trực tiếp quản lý
Cán bộ công chức không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý Nhà nước.
Trường hợp cán bộ, công chức là người đứng đầu, cấp phó trong cơ quan Nhà nước thì không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý Nhà nước. Đây là quy định tại khoản 4 Điều 20 Luật Phòng chống tham nhũng 2018.
Làm tư vấn về những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết
Cán bộ, công chức, viên chức không được làm tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về các công việc có liên quan đến bí mật Nhà nước, bí mật công tác, những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc mình tham gia giải quyết. Đây là nội dung được quy định trong cả Luật Phòng chống tham nhũng 2005 và Luật Phòng chống tham nhũng 2018.