Chiến thắng trước Myanmar sẽ giúp đội tuyển Việt Nam tràn đầy tự tin trước cuộc đối đầu với Campuchia. Dù vậy, không phải ngẫu nhiên đội tuyển có biệt danh “White Angels” đang chiếm ngôi đầu bảng A dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên (HLV) Antoine Hey.
Trong buổi họp báo trước trận đấu ngày 20/11, vị chiến lược gia người Hàn Quốc thừa nhận: “Đây là trận đấu khó khăn trên sân khách. Họ đã ghi 7 bàn thắng với hàng công thi đấu rất tốt. Chúng tôi có sự chuẩn bị và sẽ cố gắng hết sức để giành chiến thắng.”
Hệ thống phòng ngự phản công bài bản
Nếu như HLV Park Hang-seo ưa thích sử dụng sơ đồ chiến thuật 3-4-3, đối thủ của ông lại không trung thành với một phương án duy nhất. Đội tuyển Myanmar thường ra sân với sơ đồ 4-1-4-1, song suốt thời gian diễn ra trận đấu, đoàn quân của HLV Antoine Hey thường xuyên chuyển đổi sang 4-3-3.
Việc thi đấu với 5 tiền vệ giúp đội tuyển Myanmar duy trì được một cự ly đội hình hợp lý để hình thành bức tường phòng ngự chắc chắn. Đó cũng là lý do giúp “White Angels” sở hữu thời lượng kiểm soát bóng áp đảo, trung bình trên 60% ở cả 2 trận đấu đã qua.
Thế nhưng khi nhận ra đối thủ để lộ những sơ hở, cặp tiền vệ cánh lập tức dâng cao để gây sức ép lên phần sân đối phương. Điều đó khiến hàng phòng ngự của đội tuyển Campuchia hay Lào không kịp trở tay bởi trước đó các cầu thủ Myanmar còn đang co cụm phòng ngự.
Ngôi sao số một Aung Thu
Bước vào AFF Cup 2018, “White Angels” tràn đầy tự tin khi có sự phục vụ của ngôi sao số một Aung Thu, người được mệnh danh là “Ronaldo Myanmar”. Không chỉ nổi bật bởi kỹ thuật đi bóng với khả năng dứt điểm, cầu thủ này còn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các đồng đội.
Không ra sân ngay từ đầu, nhưng Aung Thu xuất hiện vào hiệp 2 trong trận đấu với Campuchia đã góp phần giúp các đường tấn công của đội tuyển Myanmar trở nên bài bản hơn. Cầu thủ mang áo số 10 thường có xu hướng lùi sâu, sử dụng khả năng đi bóng cùng nhãn quan chiến thuật của mình để kéo giãn đội hình đối phương.
Việc đoàn quân của HLV Antoine Hey có thể thực hiện nhiều tình huống phản công sắc bén là nhờ các đường chọc khe sang 2 biên của Aung Thu trước khi xâm nhập vùng cấm và tung ra những cú dứt điểm quyết đoán.
“Ronaldo Myanmar” mới có một pha lập công tính đến nay, song đóng góp của anh vào lối chơi của đội bóng này là không hề nhỏ.
Khả năng xoay chuyển tình thế
Đội tuyển Việt Nam đã giành được 2 chiến thắng mà chưa để thủng lưới bàn nào. Thầy trò HLV Park Hang-seo chưa đứng trước nguy cơ bị đối thủ “lội ngược dòng” trong khi tuyển Myanmar lại là chuyên gia trong việc này.
Để Chan Vathanaka chọc thủng lưới ở phút 23 và thất bại trong việc ghi bàn thắng quân bình tỷ số trong 2/3 thời gian thi đấu chính thức, Si Thu Aung và các đồng đội chỉ cần 30 phút để ghi liên tiếp 4 bàn thắng, lội ngược dòng áp đảo trước đội tuyển Campuchia.
Kịch bản tương tự lặp lại khi đội tuyển Myanmar bất ngờ để Lào ghi bàn thắng dẫn trước và chỉ đến phút thi đấu cuối cùng của hiệp 1, Aung Thu mới có pha lập công đầu tiên. Dù vậy, “White Angels” đã thi đấu áp đảo ở 45 phút sau đó và ghi thêm 2 bàn thắng, qua đó vươn lên ngôi đầu bảng.
Khả năng xoay chuyển tình thế tài tình đến từ việc vị chiến lược gia người Đức yêu cầu các học trò giữ vững sự tập trung trong suốt thời gian thi đấu trên sân. Chính điều này cũng được HLV Park Hang-seo thừa nhận, đặc biệt là ở 10 phút cuối trong trận đấu gặp đội tuyển Campuchia.
Sức mạnh từ hành lang cánh
Đoàn quân của HLV Antoine Hey chơi không hề hoa mỹ bởi 5 trong số những bàn thắng đội tuyển Myanmar ghi được tính đến nay đều đến từ những tình huống đệm bóng, đá bồi và tận dụng sai lầm của hàng phòng ngự đối phương.
Những cầu thủ chạy cánh của “White Angels” không phải mẫu sở hữu kỹ thuật cá nhân thượng thừa để lừa bóng qua hậu vệ đội bạn trước khi xâm nhập vùng cấm. Tốc độ và chất lượng từ những quả tạt của Si Thu Aung và Maung Maung Lwin là vũ khí sắc bén giúp Myanmar trở thành đội ghi nhiều bàn thắng nhất bảng A.
Trong số những bàn thắng đã ghi được, có tới 4 pha lập công của Myanmar góp dấu giày của những cầu thủ chạy biên. Si Thu Aung và Maung Maung Lwin, mỗi người ghi 1 bàn trong khi cầu thủ mang áo số 16 và hậu vệ trái Win Than Thein đóng góp tổng cộng 3 pha kiến tạo.
Rất may cho thầy trò HLV Park Hang-seo khi hậu vệ Win Than Thein không được thi đấu ở trận tới do đã nhận đủ 2 thẻ vàng. Tuy nhiên, việc liên tục dồn bóng sang cánh trái sẽ khiến đội tuyển Việt Nam phải vất vả trong việc hóa giải các đường tấn công. Bởi lẽ đây là vị trí của Trọng Hoàng, người không được đánh giá cao ở kỹ năng phòng ngự.
Sự đột biến đến từ Hlaing Bo Bo
Có thể nói, tiền vệ mang áo số 6 đang là mắt xích vô cùng quan trọng trong đội hình của HLV Antoine Hey. Khi chơi với sơ đồ 4-1-4-1, Hlaing Bo Bo sắm vai trung tâm hàng tiền vệ, giúp điều tiết nhịp độ trận đấu và chuyển đổi sang thế tấn công khi cần.
Nếu thi đấu với đội hình 4-3-3, nhiệm vụ phòng ngự được dồn toàn bộ lên vai cầu thủ sinh năm 1996 bởi 2 đối tác của anh (Aung Thu và Aung Lwin Moe) đều là những người sở hữu kỹ thuật cá nhân tốt đồng thời có thiên hướng dâng cao.
Tính đến nay, Hlaing Bo Bo vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này. Chưa hết, anh còn lập một cú đúp bàn thắng vào lưới đội tuyển Campuchia ở trận mở màn. Dù chơi thấp nhất ở hàng tiền vệ, cầu thủ này vẫn thường xuyên xâm nhập vùng cấm ở những tình huống cố định hoặc trong nhiều pha phản công của đội nhà.
Sở trường của Hlaing Bo Bo là tận dụng cơ hội khi các hậu vệ đối phương đang theo kèm những cầu thủ tấn công bên phía Myanmar, anh bất ngờ băng lên từ tuyến 2 và tung ra những cú dứt điểm một chạm quyết đoán.
HLV Park Hang-seo và các học trò sẽ phải tìm cách để ngăn chặn các đường phản công nhưng đồng thời không được để lộ sơ hở cho tiền vệ này tận dụng. Đây sẽ là nhiệm vụ được giao cho Xuân Trường, người trực tiếp đối đầu với Bo Bo trong suốt thời gian thi đấu trên sân.
Tối 20/11, đội tuyển Việt Nam sẽ bước vào cuộc đối đầu với Myanmar trong khuôn khổ bảng A tại AFF Cup 2018. Mục tiêu của Công Phượng và các đồng đội là giành trọn 3 điểm ở trận đấu này để giành tấm vé vào bán kết trước khi trở về nước tiếp đón Campuchia trên sân nhà.